Nhà đầu tư chứng khoán: Đã khổ lại thêm lo!

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm 2008 - một năm đầy sóng gió của thị trường chứng khoán non trẻ Việt Nam, các chuyên gia lo ngại, sự khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã sụt giảm đến gần 70% so với thời điểm đỉnh cao, có thể sẽ còn diễn ra trong năm 2009 khi mà Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực này sắp được áp dụng.

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm 2008 - một năm đầy sóng gió của thị trường chứng khoán non trẻ Việt Nam, các chuyên gia lo ngại, sự khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã sụt giảm đến gần 70% so với thời điểm đỉnh cao, có thể sẽ còn diễn ra trong năm 2009 khi mà Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực này sắp được áp dụng.

Thị trường suy giảm mạnh

Giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 là thời kỳ thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh về quy mô thị trường, chỉ số VN-Index ghi một dấu mốc lớn khi từng đạt đến mốc hơn 1.170 điểm. Dù đây là khoảng thời gian được nhìn nhận thị trường chứng khoán phát triển nóng nhưng cũng phải nhìn nhận một điều, thị trường chứng khoán đã thực sự trở thành kênh huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, với con số 90.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp huy động qua thị trường này, bao gồm các hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức. Trong đó, năm 2007 đã có 179 công ty được phép chào bán 2,46 tỷ cổ phần ra công chúng, tương ứng với khoảng trên 48.000 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm 2006.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm 2007 cũng không chỉ là gam màu hồng, bởi sau khi lập được mức kỷ lục về chỉ số, giá chứng khoán đã suy giảm mạnh và đến thời điểm ngày 31/8/2007 chỉ số VN Index chỉ còn 908,37 điểm và thị trường có dấu hiệu hồi phục vào cuối tháng 9/2007 đến hết năm 2007, chỉ số VN-Index cầm chừng và xoay quanh ngưỡng dưới 930 điểm.

Trái ngược với năm 2007, ngay từ đầu năm 2008 đến nay, thị trường chứng khoán đã có chuỗi suy giảm liên tục, trồi sụt thất thường từ mức 921,07 điểm (ngày 2/1) đến ngày phiên đóng cửa cuối tuần qua, VN-Index chỉ còn 345,11 điểm. HASTC-Index cũng trong tình trạng sụt giảm tương tự và có lúc ngấp nghé tuột khỏi ngưỡng 100 điểm.

Những biến động của giá cả trên thế giới đã gây những ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam thể hiện con số lạm phát cao nhất trong cả chục năm trở lại đây (dự kiến năm nay lạm phát là 24%) đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Thị trường chứng khoán đã không còn trở thành kênh huy động vốn dễ dàng cho doanh nghiệp, và phần nào gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao.

Thống kê từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm, số tiền mà các doanh nghiệp huy động qua thị trường chứng khoán chỉ đạt 5.000 tỷ đồng (giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2007). Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đấu giá, phát hành thêm cổ phiếu, hay niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung liên tục bị trì  hoãn do thị trường chứng khoán sụt giảm kéo dài.

Đánh thuế đã đúng thời điểm?

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, với thị trường chứng khoán, đến thời điểm này, Nhà nước gần như không thu được khoản nào liên quan đến đầu tư chứng khoán, trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp thu của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Cũng do thiếu các sắc thuế để điều chỉnh, nên rất khó kiểm soát hoạt động đầu cơ, hành vi lướt sóng. Luật Thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống sẽ định hướng cho thị trường chứng khoán.

Về quan điểm cho rằng, trong giai đoạn thị trường xuống dốc, nhiều nhà đầu tư bị lỗ thì chưa nên thu thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, theo ông Ninh, đây là sắc thuế cần thiết để khuyến khích đầu tư dài hạn, hạn chế đầu cơ, đầu tư ngắn hạn, hạn chế được tình trạng lướt sóng, bởi nếu nhà đầu tư giữ cổ phiếu dài hạn thì ít phải đóng thuế, còn nhà đầu tư nào nào lướt sóng trong giai đoạn thị trường biến động mạnh giao dịch liên tục thì phải đóng thuế.

Việc điều tiết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoán là cần thiết, bởi mọi công dân đều phải có quyền và nghĩa vụ trong việc nộp thuế. Nhưng vấn đề đặt ra là thời điểm 1/1/2009 có hợp lý?

Với hơn 300.000 tài khoản của nhà đầu tư được mở trên thị trường chứng khoán - một con số quá nhỏ bé đối với dân số Việt Nam (tất nhiên chưa tính đến những nhà đầu tư đã đổ vốn mua cổ phiếu trên thị trường cổ phiếu chưa niêm yết, mua qua các đợt đấu giá,...), nhưng sự tiên phong của họ đã mang lại những kết quả không hề nhỏ trong sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua. Đặc biệt khi mục tiêu của việc phát triển thị trường chứng khoán là đưa thị trường này trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Theo quy định về thuế thu nhập cá nhân với chứng khoán, nhà đầu tư sẽ chọn hai hình thức nộp thuế: 0,1% trên mỗi lần giao dịch hoặc 20% cho cả năm sau khi trừ đi các chi phí. Song dù chọn cách nộp thuế nào mỗi lần giao dịch, nhà đầu tư sẽ bị khấu trừ 0,1%. Đối với nhiều nhà đầu tư con số này không lớn nhưng vào thời kỳ thị trường chứng khoán suy giảm như hiện nay, khi mà nhiều người đã mất gần như hết số tiền mình đã đầu tư trên thị trường chứng khoán và họ đang phải tính toán từng đồng để đầu tư thì con số 0,1% là rất lớn.

Một nhà đầu tư cho biết, kể từ khi tham gia thị trường đến nay, anh đã bị lỗ đến 500 triệu đồng và buộc phải tính toán lại chiến lược đầu tư, hoặc rút chân ra khỏi thị trường trước thời điểm 1/1/2009.

Một sự so sánh, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân thì tiền lãi gửi các tổ chức tín dụng được miễn thuế (ban đầu quy định thu thuế đối với lãi từ tiền gửi cũng được Bộ Tài chính đưa vào nhưng sau đó vấp phải phản ứng của dư luận nên đã bỏ quy định này), trong khi đó, kinh doanh chứng khoán phải chịu thuế như vậy chính sách đang khuyến khích người dân bỏ tiền vào tiết kiệm thay vì đầu tư. Đó là chưa kể nếu tính toán kỹ càng, nhà đầu tư sẽ chịu hàng loạt các rủi ro khác trong hoạt động kinh doanh.

Muốn thị trường chứng khoán thực sự phát triển thì thị trường chứng khoán không chỉ dừng ở con số hơn 300.000 tài khoản, do đó, với một thị trường còn non trẻ thì sự quan tâm tới thị trường này là hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do mà hơn một lần Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) kiến nghị về lùi thời hạn áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB nhận định, thị trường chứng khoán đang còn trong thời kỳ quá non trẻ, số lượng người dân tham gia thị trường mới chiếm tỷ lệ 0,26% dân số. Việc kinh doanh chứng khoán khiến nhà đầu tư mất nhiều công sức, không như tiền gửi tiết kiệm có lãi, ổn định nhưng lại không phải tính thuế thu nhập.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc một công ty chứng khoán cũng chung nhận định, mức thu 0,1% có thể không quá lớn và việc đánh thuế đối với chứng khoán cũng đã được nhiều nước thực hiện nhưng đó là tại các thị trường phát triển, ổn định. Còn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, việc kiểm soát cũng như thu thuế nếu không công bằng sẽ làm cho thị trường khó phát triển.

Cũng có câu hỏi được đặt ra là nếu lùi thì lùi đến thời điểm nào? Đây là câu hỏi rất khó trả lời bởi nhiều chuyên gia đã dự báo, cuộc khủng hoảng từ thị trường tài chính từ Hoa Kỳ sẽ còn tác động đến nền kinh tế thế giới 1 - 2 năm nữa và trong đó thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có chịu những ảnh hưởng nhất định. Vậy, nếu cứ nhìn vào chỉ số chứng khoán để lùi thì cũng không ổn. Nhưng nhiều chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư cho rằng, nếu thực sự coi thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn trung và dài hạn thì cũng cần thiết phải tính đến những “ưu đãi” bằng cách lùi thời gian thu thuế đối với chứng khoán để thị trường chứng khoán phát triển vững chắc./.

(TTXVN)  

Tin cùng chuyên mục