Nhà đầu tư chứng khoán theo chiến lược nào trong năm 2022?

Theo các chuyên gia chứng khoán, trong năm 2022, ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong năm nay.
Nhà đầu tư chứng khoán theo chiến lược nào trong năm 2022? ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021 và được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022; Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tạo tiền đề tăng trưởng lâu dài… được xem là những điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, chiến lược đầu tư dựa vào sự hồi phục của nền kinh tế cũng được nhiều chuyên gia lựa chọn đầu tư trong năm 2022.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường

Sau những lình xình của thị trường chứng khoán tháng 1/2022, Tập đoàn HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, cũng như trong tương lai.

Dự báo của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn HSBC cho biết, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm.

Theo ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam, năng lực thị trường sẽ cải thiện nhờ hệ thống công nghệ mới của KRX, dự kiến sẽ sớm được triển khai trong năm 2022. Hệ thống giao dịch này được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng lớn của thị trường, xua tan nỗi lo ngại về hiện tượng tắc, nghẽn lệnh mỗi khi nhu cầu giao dịch tăng đột biến.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng mới hiện đại sẽ cung cấp nền tảng cần thiết để triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR)…

Với kỳ vọng hỗ trợ sức mua của nhà đầu tư và tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý đã hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm triển khai hoạt động thanh toán - bù trừ giao dịch theo cơ chế mới.

Yêu cầu 100% ký quỹ tiền trước giao dịch sẽ không còn áp dụng, thay vào đó, nhà đầu tư có thể chỉ phải ký quỹ tiền cho mỗi lệnh mua dự kiến thực hiện theo một tỷ lệ nhất định theo yêu cầu của thành viên bù trừ.

[Giá dầu leo thang sẽ tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu ngành]

Cơ chế này được kỳ vọng giúp sức mua của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tăng lên đáng kể, góp phần thu hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng đưa ra một số lý do thị trường có thể thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm nay. Theo ông James Estaugh, dù chưa có nhiều chuyển biến trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), song vẫn còn nhiều lựa chọn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30 Index, chỉ có 5 cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, 13 cổ phiếu có vốn hóa trên 5 tỷ USD và 12 cổ phiếu có mức giao dịch bình quân ngày hơn 10 triệu USD.

Đối với các mã đã hết room ngoại, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là một lựa chọn tốt với hiệu suất đầu tư tương đối cao. Năm 2021, tăng trưởng tài sản ròng các quỹ ETF trong nước là 40%, trong khi đó các quỹ ETF nước ngoài bình quân tăng khoảng 24,7%.

Mặt khác, đã có cơ sở pháp lý cho các sản phẩm mới như NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) và chứng quyền có bảo đảm sẽ mang lại cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư nước ngoài từ các cổ phiếu đã hết room.

“Năm 2021 chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin tưởng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ thị trường chứng khoán, còn nhiều điểm sáng của thị trường sẽ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua ròng trở lại trong những tuần đầu tiên của năm 2022”, ông James Estaugh cho biết.

Trong báo cáo “Looking Ahead at 2022,” ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực và sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực.

Với triển vọng tăng trưởng GDP từ 7-7,5%, thậm chí có thể vượt trên 7,5%, bất động sản/nhà ở sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm nay. Triển vọng kinh tế tươi sáng cũng sẽ mang đến cho thị trường chứng khoán một năm tích cực, tiếp nối đà tăng gần 36% của VN-Index trong năm 2021.

“Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt mức 26% trong năm nay, mặc dù đã đạt con số ấn tượng trong năm ngoái. Chúng tôi cho rằng các thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bền vững hơn so với những thị trường được dẫn dắt bởi chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu)”, ông Michael Kokalari cho biết.

Ngành nào sẽ được hưởng lợi?

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital, chiến lược đầu tư của VinaCapital vẫn là xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản.

Nhà đầu tư chứng khoán theo chiến lược nào trong năm 2022? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, vì các động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nguyên vẹn bất chấp COVID-19, VinaCapital cũng quan tâm các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và số hóa.

Trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi trong năm 2022, vị chuyên gia này đặc biệt đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).

Đối với nhóm ngành ngân hàng, chuyên gia của VinaCapital cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30%, nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn.

Các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn như sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng/tái cơ cấu.

Đối với ngành bất động sản, kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022, nhờ doanh số bán/đặt mua các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021, do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội và vấn đề pháp lý/quy định có liên quan đang được sửa đổi.

Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty có doanh thu định kỳ như công ty môi giới bất động sản và chủ sở hữu/công ty vận hành các trung tâm mua sắm… cũng sẽ tăng trong năm nay. Thêm vào đó, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản để rót tiền. Giá bất động sản cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

Một ngành khác cũng hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi kinh tế nội địa là lĩnh vực tiêu dùng. Chi tiêu của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh năm 2022. Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, do thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, một số người đã chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn, do đó doanh số của một số mặt hàng không thiết yếu hoặc phân khúc cao cấp sẽ khó phục hồi về mức trước COVID-19 trong năm nay.

Cũng theo chiến lược đầu tư dựa vào sự phục hồi kinh tế, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, trong năm 2022, ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong năm nay. Đặc biệt, các ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng cơ bản… sẽ được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục