Mất tiền tỷ vì các kiểu lách luật trên Internet

Nhà nước mất tiền tỷ vì các kiểu lách luật trên Internet

Với kiểu kinh doanh “phi truyền thống,” ngành thuế lại đau đầu chứng kiến kiểu mua bán “trao tay” làm Nhà nước thất thu tiền tỷ.

Trong khi một loạt những lộn xộn của hoạt động thương mại điện tử chưa có dấu hiệu "nguôi ngoai" thì nạn tẩy xoá dữ liệu hay mua bán "trao tay" để trốn thuế lại khiến cơ quan quản lý thêm một lần nhức đầu…

Thản nhiên "qua mặt"

Con số của Tổng cục Thuế cho thấy, có một thực tế chưa rõ nên mừng hay lo là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại, đa số doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí có doanh nghiệp doanh thu tăng tới 500 lần.

Một con số khác cũng khiến nhiều người giật mình: Một doanh nghiệp thương mại điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh thành lập mới chỉ vài năm nhưng doanh thu đã lên tới 2.000 tỷ đồng trong năm qua-một kết quả khiến nhiều người phải ngước nhìn.

Mừng thì có nhưng chính ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế nhận định, việc quản lý thuế với những doanh nghiệp kinh doanh online đang cho thấy không ít vấn đề đau đầu.

Ông Tiến lấy ví dụ về đợt thanh tra 26 doanh nghiệp thương mại điện tử ở Hà Nội cách đây ít lâu. Chỉ với chừng ấy doanh nghiệp, ngành thuế đã truy thu được 8,7 tỷ đồng và giảm lỗ khoảng 27 tỷ đồng. Một cuộc thanh tra khác ở Thành phố Hồ Chí Minh với 9 doanh nghiệp cũng đã được cơ quan thuế truy thu để giảm lỗ 3 tỷ đồng.

Số tiền truy thu vài chục tỷ đồng ấy theo Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hoá là "chưa nhiều" bởi không ít doanh nghiệp có "mánh" để tránh những khoản thuế lớn.

Theo ông Tiến, các doanh nghiệp thương mại điện tử giao dịch hoàn toàn không dùng giấy tờ như truyền thống nên những đơn vị này hoàn toàn có thể xoá dữ liệu để qua mặt ngành thuế.  Không ít trường hợp các doanh nghiệp sử dụng máy chủ nước ngoài để giao dịch, thanh toán khiến việc thu thập dữ liệu để thanh kiểm tra thuế của cơ quan quản lý lại càng khó khăn.

"Nếu các doanh nghiệp không tự giác, không cung cấp thông tin thì chúng tôi rất khó để truy thu, tìm kiếm dữ liệu ở nước ngoài," ông Vũ Quang Tiến nói.

Đây cũng là điều được chính những doanh nghiệp “trong nghề” tiết lộ khi trao đổi với phóng viên Vietnam+.

Theo ông Trần Anh Tú, quản lý hệ thống bán hàng online của siêu thị HC, không ít website bán hàng trực tuyến nhập hàng rồi bán ra không kèm hóa đơn VAT. Bởi vậy, không những giá bán của những trang web này thấp hơn mức giá ở các siêu thị mà còn “né” được khoản thuế không nhỏ phải nộp vào ngân sách.

Hụt lớn thuế thu nhập cá nhân

Không chỉ thất thu thuế tiền tỷ với những doanh nghiệp thương mại điện tử, "cô chủ, cậu chủ" của những cửa hàng online với giao dịch có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày cũng là đối tượng ngành thuế đã biết, nhưng mới dừng ở ngưỡng “nhận diện.”

Theo ngành thuế, đây là những cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn mở trang bán hàng trên các trang web cá nhân hoặc các trang mạng xã hội. Những gian hàng này rất dễ nhận ra đặc biệt là trên những mạng xã hội lớn như Facebook. Rất nhiều shop online thậm chí thu hút hàng chục nghìn lượt xem như Cha...Shop, Mix... Store,...

Sự sôi động ấy khiến cơ quan thuế không khỏi lúng túng bởi theo lời ông Vũ Quang Tiến "bây giờ có cá nhân lãi hàng chục tỷ đồng" nhưng quản lý thuế thế nào với những đối tượng ấy thì "kinh nghiệm ngành thuế còn yếu."

Đây cũng là điều được ông Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, nhấn mạnh khi nói về tình trạng thất thu thuế thu nhập cá nhân với những đối tượng trên.

Vẫn theo ông Tiền, hiện rất nhiều chủ cửa hàng trên các trang mạng xã hội sử dụng cách giao dịch bằng tiền mặt và chuyển hàng tận nơi theo yêu cầu. Việc lần theo dấu vết của đồng tiền trong những trường hợp ấy gần như là không thể...

Không gây được niềm tin đối với người tiêu dùng, lách luật để trốn thuế, bôi nhọ nặc danh… là những bài toán nan giải với ngành thương mại điện tử. Bởi thế cho nên, ngành này vẫn còn được xem là “tiềm năng” cho dù đã hiện diện ở Việt Nam từ rất lâu./.

Văn bản quản lý nhà nước đã có, nhưng làm thế nào để thương mại điện tử Việt Nam thực sự trở thành đòn bẩy của nền kinh tế? Mời đọc giả đón đọc bài 4: Để thương mại điện tử cất cánh đúng đường băng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục