Nhà nước nên kiểm soát giá để ổn định thị trường

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để ổn định thị trường, Nhà nước cần kiểm soát giá, đặc biệt là giá điện, xăng dầu, sữa cho trẻ em...
Hiện nay giá là vấn đề được dư luận rất quan tâm vì thời gian vừa hầu hết các mặt hàng đều tăng giá chóng mặt, trong đó có không ít mặt hàng đã được Nhà nước quản lý về giá.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh những vấn đề này.

- Một số chuyên gia cho rằng, chưa nên thả nổi giá điện vào thời điểm này vì Việt Nam chưa có cạnh tranh về điện. Vậy ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Trong tình hình của Việt Nam hiện nay, Nhà nước định giá một số mặt hàng cần thiết. Theo tôi, trong thời điểm này Nhà nước nên kiểm soát giá điện, có thể mình phối hợp hai, ba phương thức vì điện có nhiều công đoạn như sản xuất, cung cấp, truyền tải. Ví dụ, để thu hút đầu tư, Nhà nước đừng có độc quyền về đầu tư, nhưng muốn cởi mở về đầu tư thì phải có chính sách cho các nhà đầu tư người ta tham gia vào công đoạn nào vì những nhà đầu tư tư nhân người ta phải có lãi họ mới tham gia.

Còn vấn đề về giá điện, mình nên áp dụng như thế nào đó để linh hoạt, nhưng giá tiêu dùng của điện theo tôi Nhà nước vẫn nên kiểm soát nếu có sự lũng đoạn thì sẽ rất bất cập. Vì giá điện tiêu dùng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, một bộ phận rất lớn của nhân dân thu nhập còn thấp dưới trung bình nên giá điện rất nhạy cảm với những đối tượng này. Nhưng điện lại trở thành nhu cầu hết sức cần thiết, nhất là nhu cầu học tập, nhu cầu thông tin. Ngoài ra, về sản xuất nó cũng hết sức quan trọng, chúng ta đang hội nhập, nếu không xử lý tốt giá điện thì vô tình lại tạo ra những ưu đãi mà lại không cần thiết, bất hợp lý.

- Trong Dự thảo Luật giá có bàn đến giá xăng, vậy ông có ý kiến gì về quản lý giá xăng hiện nay?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Đối với Việt Nam, xăng dầu tôi cho là giống như điện thôi, Nhà nước phải kiểm soát. Rõ ràng hiện nay có nhiều người trục lợi trên giá xăng dầu. Giá xăng dầu nhạy cảm là do gắn với thị trường thế giới, có lên có xuống và xăng dầu chẳng những là mặt hàng được kinh doanh rất sôi nổi mà còn tác động vào thị trường chứng khoán và thị trường tương lai. Ngoài ra, xăng dầu còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính trị trên thế giới.

Do đó, Nhà nước bắt buộc phải kiểm soát mặt hàng này. Kiểm soát để bảo đảm sự ổn định, tất nhiên chúng ta phải từng bước chống bao cấp nhưng phải bảo đảm sự ổn định hợp lý cần thiết và đồng thời chống sự trục lợi, những nguồn lợi nhuận bất hợp lý xuất phát từ sự tham lam của những người kinh doanh.

Tại sao giá xăng lên thì anh tăng lên rất nhanh, mà giá xăng xuống thì lại xuống rất chậm, xuống ít. Cái này Nhà nước phải kiểm soát, vì nếu mình kết luận thế nào đó đôi khi khó cho doanh nghiệp, họ sẽ giải thích rằng, lúc giá xăng lên họ nhập vào giá cao, còn khi giá xuống thì nguồn xăng cũ vẫn còn thì không thể giảm xuống nhanh được. Nhưng nói như thế lại có những doanh nghiệp khi nhập xăng giá giá thấp, ngay sau đó giá lên thì đồng loạt lại tăng giá?

Đây rõ ràng là đang có vấn đề trong việc quản lý xăng dầu. Các doanh nghiệp nói với tôi rằng, đang có vấn đề tức là có những tiêu cực trong cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay.

- Đối với giá sữa, Hiệp hội sữa kiến nghị đưa sữa ra khỏi danh mục bình ổn giá, lý do sữa không phải là thị trường độc quyền mà ngược lại rất cạnh tranh, nếu xếp vào diện bình ổn sẽ càng đẩy giá sữa lên cao. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, những biến động, thiếu kiểm soát của giá sữa từ trước đến nay đều là vấn đề của quản lý Nhà nước. Nhà nước quản lý từ khâu nhập khẩu, rồi các chính sách về ngoại tệ, rồi từ nhà sản xuất đến nhà trung gian, thị trường, tuy nhiên rất lỏng lẻo. Trong Dự thảo Luật giá có ghi khi tình tình hình bất bình thường mới tính đến chuyện bình ổn giá chứ không phải chuyện làm thường xuyên, nhưng một khi tình hình bất bình thường thì chúng ta cũng phải xem bình ổn cái gì. Theo tôi, khi can thiệp thì cũng không nên đại trà, đồng loạt mà phải can thiệp phân khúc nào đó của thị trường thì mới đạt được nhiều hiệu quả.
 
Nếu chúng quản lý thật tốt giá sữa, kể cả chính sách dành cho các trẻ em nghèo, học sinh vùng xâu, vùng xa thì sẽ tạo ra thị trường sữa lành mạnh và hợp lý. Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, nhiều người hay dùng từ "rối loạn" hay "méo mó" của thị trường sữa đẩy giá sữa lên như hiện nay là do chúng ta quản lý kém.

Chúng tôi được nghe thông tin là do chúng ta nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm đều không có kiểm soát, không có một chính sách quản lý cho chặt chẽ, chính vì vậy những người kinh doanh sữa họ tùy tiện nâng giá, điều tiết cung cầu.

- Nhiều ý kiến cho rằng Luật giá còn mang nặng dấu ấn "xin - cho", biện pháp hành chính chỉ mang lại lợi ích cho những người tiêu dùng trước mắt thôi, còn về lâu dài người tiêu dùng lại bị thiệt thòi? Ông có đồng ý với ý kiến này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi không hoàn toàn chia sẻ về ý kiến này. Để có một tình hình giá cả ổn định, lành mạnh, hợp lý, vấn đề là phải có môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định và hợp lý.

Môi trường này được tạo nên bởi các luật pháp đã có nhưng chúng ta phải tìm nguyên nhân vì sao đã có luật pháp hàng chục năm nay, nhất là sau khi chúng ta vào WTO có nhiều luật pháp tốt, tình hình giá cả vẫn bị như thế.

Chúng ta phải tìm nguyên nhân vì sao, có phải chúng ta thiếu luật giá không? Tôi cho rằng không phải vì chúng ta thiếu Luật giá, tình hình giá cả vừa rồi biến động bị méo mó, không phải chủ yếu vì thiếu luật giá mà chủ yếu do quản lý Nhà nước từ người sản xuất, từ thị trường cho đến cả người tiêu dùng. Nó là tổng thể các khâu trung gian với nhau, giá cả cũng bị méo mó bởi các khâu trung gian đó.

Nhiều người bảo giá cả ở Việt Nam có chi phí trung gian rất cao nên các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, mà chi phí trung gian ở đây bao gồm cả tiêu cực phí, tham nhũng, nhũng nhiễu...  Hay như các chính sách về giá cấm hay mở, rồi các chính sách về thuế, công cụ thị trường như tiền tệ… những yếu tố này làm giá cả biến động và không có sự xử lý kịp thời hoặc do tiêu cự, tham nhũng mà mình không xử lý, điều tiết hợp lý…

Quản lý thị trường bằng các luật pháp chứ không phải bằng Luật giá. Các cơ quản lý Nhà nước ngồi một chỗ để điều tiết giá là không phù hợp với kinh tế thị trường và coi chừng vi phạm luật pháp Quốc tế khi chúng ta vi phạm WTO, nhất là vấn đề bình ổn giá và định giá của Nhà nước./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục