Nhà sưu tập Thái và niềm cảm phục hội họa Việt

Tira Vanichteeranont, nhà sưu tập người Thái, đã xuất bản 3 cuốn sách về những tác phẩm của các danh họa Việt, đồng thời còn mang cả các bộ sưu tập đến với công chúng Việt.

Với mục tiêu làm nhịp cầu kết nối văn hóa và nghệ thuật trong mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan, nhà sưu tập Tira Vanichteeranont đã xuất bản ba cuốn sách về những tác phẩm của các danh họa Việt Nam, đồng thời ông còn mang cả các bộ sưu tập của mình đến với công chúng ở Việt Nam.

Ông Tira nguyên là một kỹ sư viễn thông từng gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm. Ông nói thành thạo tiếng Việt và có khá nhiều bạn bè ở Việt Nam.

Ông tâm sự: "Lần đầu tiên được làm quen với các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam là khi tôi có cơ hội mua được khoảng 250 bức họa từ một người bạn vào năm 2008, 2009. Trước khi mua được bộ tranh này, tôi chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm nào về việc sưu tập tranh. Tuy nhiên, tôi xem và thấy thích. Kể từ đó tôi bắt đầu bước vào nghiên cứu tranh Việt từ tất cả các nguồn kể cả từ mạng Internet và đã nhận ra được những giá trị cũng như nét đẹp của nó."

Bộ sưu tập này chính là những bức vẽ và ký họa từ những năm 1930 đến 1960, đặc biệt có một số lượng lớn các bức vẽ từng những năm 1950, thời kỳ rất ít được bàn đến trong lịch sử mỹ thuật.

Bộ sưu tập này cũng đã góp phần minh họa về phong trào kháng chiến và cuộc cách mạng chống thực dân của Việt Nam.

Với bộ sưu tập đầu tay và những thông tin thêm từ bạn bè trong làng hội họa ở Việt Nam, ông Tira dường như đã hiểu hơn và cảm phục về tinh thần bất khuất của con người Việt. Nó thôi thúc ông có thêm lòng quyết tâm sưu tập tiếp những bộ ký họa của họa sỹ Tôn Đức Lượng và phu nhân của cố Tham tán thương mại Italy tại Việt Nam, Petro Paris.

Từ sự cảm phục và lòng trân trọng, ông Tira đã quyết định xuất bản hai cuốn sách về các bộ sưu tập của mình nhằm chia sẻ với công chúng Việt Nam, nhưng người mà ông cho là phải có quyền được biết về những giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Cuốn đầu tiên xuất bản năm 2010 với tựa đề "Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại" (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2010), bao gồm 200 bức ký họa của gần 40 họa sỹ Việt Nam chủ yếu vẽ trong giai đoạn từ 1950 đến 1970.

Cuốn thứ hai được xuất bản năm 2012 có tựa đề "Tôn Đức Lượng - ký họa của lịch sử" (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2012). Cuốn này này gồm các bức ký họa và bột màu ghi lại những hoạt động hỗ trợ quân đội của phụ nữ và thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hoạt động xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thời gian này, ông Tira còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh Việt Nam ở cả Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2011, thời điểm kỷ niệm 35 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông Tira đã ba lần đứng ra tổ chức cho hàng chục họa sỹ Thái Lan sang Việt Nam để sáng tác nghệ thuật về cuộc sống, thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.

Ông cũng đã hoàn thành ý tưởng thành lập Phòng tranh 333 Thái-Việt làm nơi giao lưu về nghệ thuật và văn hóa của giới văn nghệ sỹ hai nước.

Cái tên Phòng tranh 333 Thái-Việt được ông Tira giải thích như sau: "333 là tên của một loại bia nổi tiếng ở Việt Nam mà người nước ngoài nào khi đến Việt Nam đều biết. Tôi đặt tên 333 Thái-Việt cho phòng tranh của mình chỉ để khẳng định với khách nước ngoài tới Thái Lan rằng đây là địa chỉ lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc Việt Nam."

Nhân dịp Năm mới 2014, ông Tira đã cho xuất bản thêm cuốn sách thứ ba với tựa đề "Tô Ngọc Vân - tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954" (Nhà xuất bản Tri Thức 2014).

Ông Tira nói: "Tôi biết về tranh của Tô Ngọc Vân cách đây hai năm. Một trợ lý của tôi đã giới thiệu tôi với ông Tô Ngọc Thành, con trai của Tô Ngọc Vân."

Từ sự cảm nhận và yêu thích nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, ông Tira đang góp phần trở thành một trong những cầu nối cho mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục