Nhà văn Tô Hoài - Cây đại thụ văn chương, một đời cần cù đi và viết

Với 95 năm tuổi trời, hơn 70 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản,Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Nhà văn Tô Hoài - Cây đại thụ văn chương, một đời cần cù đi và viết ảnh 1Ông Phạm Quang Nghị-Bí thư Thành uỷ Hà Nội trao giải "Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội" năm 2010 cho nhà văn Tô Hoài. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Với 95 năm tuổi trời, hơn 70 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản, đến nay, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Nói đến ông, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội; Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc; Tô Hoài của những sáng tác cho thiếu nhi; Tô Hoài của hồi ký, tự truyện...

Ở phương diện nào, Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn trong thế giới nghệ thuật hết sức đa dạng ấy…

Cách đây 5 năm, ngày 6/7/2014, nhà văn Tô Hoài từ giã cõi đời, khép lại hành trình hơn 70 năm đi và viết.

Nhà văn Tô Hoài - người sinh ra để viết

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, Hà Nội).

Bút danh Tô Hoài của ông được đặt từ hai địa danh Phủ Quốc Oai và vùng ven sông Tô Lịch, nơi Tô Hoài đã gắn bó cả tuổi thơ và những năm trai trẻ.
Tô Hoài đến với nghề văn ở tuổi mười bảy, mười tám.

Những sáng tác đầu tay của ông được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy.

Tuy xuất hiện ở giai đoạn cuối của thời kỳ 1930-1945 nhưng Tô Hoài đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong đội ngũ nhà văn thời kỳ này bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc, như “Dế mèn phiêu lưu ký” (1941), “Quê người” (1941), “O chuột” (1942), “Trăng thề” (1943), “Nhà nghèo” (1944 ).

[Dế Mèn phiêu lưu ký tái xuất trên sân khấu kịch Hà Nội]

Từ các tác phẩm này, người đọc dễ nhận thấy sức sung mãn dồi dào trong lao động nghệ thuật của ông. Sau này, Tô Hoài đã bộc bạch qua “Tự truyện” về việc ông đến với nghề văn: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng Tháng Tám, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy.”

Ai đã từng đọc ''Dế Mèn phiêu lưu ký'' chắc sẽ không thể quên tình bạn gắn bó của Dế Mèn, Dế Trũi, Xiến Tóc trầm lặng, chị Cào Cào ồn ào duyên dáng, Bọ Ngựa kiêu căng hay Cóc huênh hoang...

Với mỗi loài động vật, nhà văn lại dùng ngòi bút của mình để lột tả rõ nét tính cách và đời sống riêng của chúng, để từ đó bày tỏ quan niệm của chính tác giả về nhân sinh, về khát vọng của người lao động, về một cuộc sống hòa bình, yên vui và sự đoàn kết.

Câu chuyện về chú Dế Mèn không chỉ có ý nghĩa dành cho trẻ em, mà còn cho cả xã hội. Nó thực sự mang giá trị lâu bền trong đời sống tinh thần của con người.

Bởi thế, dù ở đâu, ở thời kỳ nào, người đọc vẫn tìm thấy bao điều thú vị, bao bài học ý nghĩa từ tác phẩm này. Vì thế, ''Dế Mèn phiêu lưu ký'' được tái bản nhiều lần, dịch ra 20 thứ tiếng và được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt không thua kém gì những truyện cổ tích kinh điển của Andersen, của anh em nhà Grimm…

Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn bằng chứng nhận “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất.”

Sau Cách mạng Tháng Tám, Tô Hoài tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị ở các thể loại. Ông làm báo, viết văn sống gắn bó với núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, theo bộ đội tham gia các chiến dịch…

Chính những năm tháng này, Tô Hoài đã có điều kiện thu thập nhiều tư liệu để viết nên “Truyện Tây Bắc,” trong đó có những tác phẩm xuất sắc như “Vợ chồng A Phủ,” “Mường Giơn”

Tập sách đã đưa Tô Hoài đến với những đỉnh cao mới của văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có thể xem những nhân vật như A Phủ, Mỵ, Ính (Mường Giơn) là những điển hình của người nông dân miền núi bị bọn thực dân, chúa đất áp bức, bóc lột.

Họ đã dũng cảm đứng dậy giải phóng cuộc đời nô lệ của mình và của dân tộc mình. Con đường đấu tranh tự giải phóng mình của những người dân tộc thiểu số cũng là con đường đưa người nông dân miền núi đến với cách mạng, đến với Đảng.

Vượt ra ngoài phạm vi của tác phẩm văn học, sáng tác của Tô Hoài trở thành dữ liệu dù đã phủ lớp bụi thời gian mơ hồ như chuyện dã sử.

Với nhà văn Tô Hoài, “gừng càng già càng cay.” Vào những năm cuối đời, tưởng ngọn đèn đã lay trước gió, vậy mà ông cho ra hai tập hồi ký văn học “Cát bụi chân ai” (1992) và “Chiều chiều” (2000). 

Đầu tháng 2 năm 2018, ba cuốn sách quý gồm “Giữ gìn 36 phố phường” (tạp văn), “Những ký ức không chịu ngủ yên” (hồi ký) và “Người con gái xóm Cung” (truyện ngắn) đã lần đầu được công bố, bổ sung vào kho di sản văn chương giàu có của Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ trong giới văn chương

Nhà văn Tô Hoài - Cây đại thụ văn chương, một đời cần cù đi và viết ảnh 2Ảnh bìa truyện Dế mèn phiêu lưu ký do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành.

Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… làm vinh dự cho chữ Quốc ngữ.

"Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng" - đó là nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về nhà văn Tô Hoài.

Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tô Hoài là một nhà văn lớn, một ông khổng lồ với số lượng tác phẩm thật đồ sộ.

Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con.

Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp.

Việc viết lách đối với nhà văn Tô Hoài là một thứ lao động hàng ngày. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá, so với các cây bút đương thời, nhà văn Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất.

Sống đến đâu viết đến đấy. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội.

Một đời cần cù đi và viết như chưa lúc nào ngơi nghỉ, ngày 6/7/2014, nhà văn Tô Hoài đã từ giã cõi đời.

Khép lại một hành trình ngót gần thế kỷ, ông đã để lại cho đời nhiều giá trị cao quý. Người đọc trước đây, hiện nay và mai sau có lẽ không thể quên được những đóng góp độc đáo, đặc sắc của Tô Hoài đối với nền văn chương nước nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục