Nhạc sỹ Tôn Thất Lập, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như “Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe”... đã qua đời sáng 26/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi.
Theo thông tin từ Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sỹ trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 175, sau một thời gian điều trị bệnh.
Nhạc sỹ Tôn Thất Lập sinh ngày 25/2/1942 tại Huế. Ông còn có bút danh là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Tổng Thư ký Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khóa III, VI; Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khóa V; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam các khóa III, IV, V, VI và VII; Phó Tổng Thư ký khóa VI, Phó Chủ tịch khóa VII. Ông cũng từng là Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
[Nhạc sỹ Văn Dung: Người lữ hành không mệt mỏi đi tìm cái đẹp]
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhạc sỹ Tôn Thất Lập là gương mặt tiêu biểu tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Những ca khúc do ông sáng tác như “Hát cho dân tôi nghe” (phổ thơ Tố Hữu), “Xuống đường” (viết chung với nhạc sỹ Lưu Hữu Phước), hợp xướng “Lúa reo trên khắp đồng bằng” đã được cất cao trên các nẻo đường tranh đấu của học sinh, sinh viên miền Nam.
Nhạc sỹ từng được cử đi tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau một thời gian công tác, ông sang Pháp năm 1973, được Hội Sinh viên sáng tác hải ngoại xuất bản tuyển tập “Những cánh chim từ vùng lửa đỏ”.
Sau ngày đất nước được giải phóng, ông công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này, ông tiếp tục cho ra đời nhiều ca khúc được đông đảo quần chúng mến mộ như “Tình ca mùa Xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa Xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”…
Nhạc sỹ Tôn Thất Lập đã xuất bản các tuyển tập như “Phố ca”, “Hát cho dân tôi nghe”, “Hát lời chiêm bao”, “Tình ca mùa Xuân”, “Tuyển tập Tôn Thất Lập” và các album “Nụ hôn”, “Tình ca mùa Xuân”. Ngoài ra ông còn viết nhiều nhạc múa, nhạc phim… Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2007).
Ông từng chia sẻ về quan niệm làm nghề: "Đối với tôi, sáng tạo là tự giải phóng bản thân, ngay cả những tác phẩm đặt hàng cũng phải tìm tòi, lấy đó làm cơ hội để tìm cái mới. Nếu đặt hàng mà viết không được thì thôi chứ không làm theo kiểu trả nợ. Sự sáng tạo phải đặt lên hàng đầu."
Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lễ viếng nhạc sỹ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9 giờ ngày 28/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh). Lễ truy điệu diễn ra lúc 6 giờ ngày 30/7.
Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình “Tôn Thất Lập-Vang mãi những bài ca” tối 5/8 tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công Trường Lam Sơn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để tưởng nhớ ông./.