Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những chứng nhân lịch sử. Nhớ lại thời khắc chiến thắng ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Trần Đức Hòa - một Dũng sĩ diệt Mỹ, không khỏi bồi hồi và xúc động.
Trong căn nhà riêng ở xóm Thái Cường, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cựu chiến binh Trần Đức Hòa (sinh năm 1955) nhớ lại những ngày ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông kể, năm 1972 khi 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện ở Binh chủng Trinh sát, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc, ông được tăng cường vào Sư đoàn 3, đơn vị trực tiếp tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam.
[Giải phóng thị xã Cà Mau - ngày non sông nối liền một dải]
Như một thước phim quay chậm, ký ức của những trận chiến ông Hòa từng tham gia như vừa mới xảy ra. Ông Hòa cho biết, để trận chiến thắng lợi, là một người trinh sát, ông cùng đồng đội phải luồn lách, trà trộn vào trong vùng địch để nắm bắt trận địa cũng như tìm hướng giúp công binh mở đường, tạo điều kiện cho quân ta tiến công.
Công việc của ông và đồng đội là nắm tỉ mỉ từng chi tiết về trận địa của địch. Vì thế dù có khó khăn, nguy hiểm, ông cùng đồng đội quyết không lùi bước.
Chiến dịch ông Hòa tham gia đầu tiên là Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn là cuộc chiến đấu giành lại thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, Tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ trinh sát thị xã Buôn Ma Thuột. Để đột nhập vào thị xã, Tiểu đội của ông phải vượt từ bên đường này sang bên đường kia tại một điểm chốt của địch ở đầu cầu cách Buôn Ma Thuột khoảng 1km.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát, Tiểu đội trở về đơn vị, ông Hòa là người đi đầu tiên và dùng ám hiệu gõ báng súng để từng cá nhân vượt qua đường. Tuy nhiên, đến người cuối cùng thì nòng súng vướng vào bụi cây, làm động hệ thống ống bơ địch giăng và bị bắt. Xác định phải bảo toàn thông tin trinh sát, tiểu đội gấp rút chạy về đơn vị.
Khi trở về đơn vị an toàn, lệnh cấp trên yêu cầu bằng bất cứ giá nào phải cứu bằng được chiến sĩ trinh sát ra. Sau nhiều đêm đột kích, do địch đã đề phòng nên đơn vị không thể tìm thấy đồng đội bị bắt. Theo đánh giá của chỉ huy, chiến sĩ bị bắt, bằng sự kiên cường của người lính trinh sát sẽ không khai báo. Vì vậy, trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột vẫn tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch. Nhờ những thông tin trinh sát, trận đánh này, quân ta giành thắng lợi.
Sau trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, ông được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Đội Trinh sát. Nhiệm vụ mới của Trung đội Trinh sát là tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ trinh sát để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông Hòa nhớ lại, ngày 20/3, đơn vị được lệnh hành quân hướng về Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại đây, sau khi băng qua những cánh rừng già, đến địa hình toàn đồi cỏ gianh thì đơn vị bị địch phát hiện. Địch dùng 3 chiếc máy bay trực thăng lao tới, xả bom càn quét, bắn giáp.
Ngay loạt bắn đầu tiên của trận càn quét, 4 đồng đội của ông Hòa hy sinh. Trong lúc cấp bách, ông lấy thân mình che chắn cho Đại úy Lê Cự Hưng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 7 Công binh, Quân đoàn 3.
Khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, ông Hòa quyết định nhổm dậy, dùng súng AK bắn trực tiếp vào những chiếc trực thăng của địch. Chiếc máy bay dẫn đầu bị trúng đạn bay loạng choạng và đâm vào sườn đồi nổ tung; hai chiếc còn lại tháo chạy.
Sau khi lập thành tích xuất sắc, ngay tại chiến trường, Phó Tham mưu trưởng Lê Cự Hưng tuyên bố kết nạp ông vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau trận đó, ông Hòa vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đầu tháng 4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.”
Bức điện là mệnh lệnh cho cán bộ, chiến sỹ quân đội ta hành quân ngày đêm tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị ông Hòa được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ tiến công 2 mục tiêu quân sự gồm Bộ Tổng Tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi ấy, với cương vị Trung đội trưởng Trinh sát, ông được lệnh trinh sát căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km. Căn cứ quân sự này là nơi phòng thủ của Sư đoàn Bộ binh 25 ngụy có biệt danh "Tia chớp nhiệt đới."
Đây là căn cứ quân sự hỗn hợp dài 2,8km, rộng 1,8km, có khoảng 3.000 tên địch với hệ thống hỏa lực cực mạnh. Để trinh sát địch, ông cùng đồng đội phải vượt qua 7 lớp hàng rào dây thép gai khổng lồ, cài mìn đủ loại rộng từ 80-100 m, hào giao thông và lô cốt dày đặc.
Sau khi quân ta làm chủ phía Tây Bắc Sài Gòn, ông Hòa được lệnh dẫn Lữ đoàn Thiết giáp 273, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sài Gòn. Tại đây, địch tổ chức phòng thủ vững chắc, quân đội Ngụy quyền bố trí dày đặc và được trang bị nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra căng thẳng, quyết liệt.
Ông Hòa kể, vừa khẩn trương đánh vào lòng địch, chúng tôi vừa phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân nổi dậy, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bao vây khép chặt, tiêu hao lực lượng địch. Bằng quyết tâm cao, đoàn quân Giải phóng trùng trùng, điệp điệp tiến về mục tiêu phía trước.
Với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm,” cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 7 Trinh sát, Quân đoàn 3, phối hợp cùng các cánh quân chủ lực áp sát mục tiêu, khép chặt vòng vây địch. Đến hơn 11 giờ ngày 30/4, quân đội ta đã làm chủ được sân bay Tân Sơn Nhất.
Lá cờ “Quyết thắng” của quân đội ta được các chiến sỹ kéo lên đỉnh cột cờ cao vút, tung bay phấp phới.
Sau thời điểm Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, là lực lượng trinh sát nên trung đội của ông Hòa được lệnh rút sau các cánh quân chủ lực.
Cuộc chiến đấu giành lại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều đồng đội của ông hy sinh. Ông Hòa kể, ông chứng kiến tận mắt một đồng đội đã hy sinh trong tư thế đứng nhưng tay vẫn cầm chắc súng. Chính người lính đó đã làm hình tượng trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” nổi tiếng sau này...
Sau năm 1975, ông Trần Đức Hòa tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia với cương vị Chủ nhiệm Trinh sát Lữ đoàn 7, Quân đoàn 3.
Hòa bình lập lại, ông trở về địa phương công tác. Hiện nay, cựu chiến binh Trần Đức Hòa là Hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Những vết thương chưa lành, những mảnh đạn còn găm trên thân thể đã minh chứng cho đóng góp của ông và đồng đội đối với nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Câu chuyện của ông về những thời khắc lịch sử sẽ góp phần bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ sau này sống có lý tưởng, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.