Cùng góp sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, những nhà báo-chiến sỹ, bằng ngòi bút, tay máy của mình đã phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân và dân ta ở miền Nam.
Các bài viết, hình ảnh của họ đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo đã anh dũng ngã xuống, trong đó riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có hơn 260 nhà báo liệt sỹ.
Ở xa nơi chiến sự cả nghìn cây số nhưng trưa 30/4/1975, người dân Thủ đô biết tin giải phóng miền Nam nhờ thông tin được phát ra từ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngay sau đó, đường phố Thủ đô trở nên đông đúc, phương tiện giao thông và dòng người nườm nượp kéo về số 5, đường Lý Thường Kiệt, trụ sở của Việt Nam Thông tấn xã (VN TTX) - nơi duy nhất ở Hà Nội có thông tin về chiến sự - để ăn mừng. Đây đó trong thành phố chốc chốc lại vang lên từng tràng pháo rộn rã mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Để có những dòng tin, bức ảnh về chiến sự miền Nam, các cơ quan báo chí đã cử hàng trăm phóng viên tay bút, tay máy, tay súng, xông pha cùng các cánh quân.
Để "chộp" được những bức ảnh, dòng tin và tài liệu, đối với người phóng viên lúc đó không chỉ là công sức, mồ hôi mà còn được đánh đổi bằng máu của mình và đồng đội.
Các nhà báo chiến sỹ gan dạ, dũng cảm, đã không ngại hiểm nguy, cùng bám sát những mũi tấn công của bộ đội chủ lực, kịp thời đưa tin chiến sự và Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, toàn ngành Thông tấn đã vào cuộc, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phóng viên VNTTX theo các mũi tiến công của bộ đội chủ lực có mặt ở các mặt trận, ghi lại những chiến thắng vang dội, những khoảnh khắc lịch sử vô giá, không thể nào quên của dân tộc.
Từ năm 1959 đến mùa Xuân 1975, VNTTX đã gửi vào chiến trường miền Nam 450 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ sư và kỹ thuật viên vô tuyến điện. Riêng Thông tấn xã Giải phóng Nam Bộ được chi viện trên 200 cán bộ.
Tự hào về những đóng góp to lớn của VNTTX vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng trước đây từng chia sẻ việc phân bổ lực lượng phóng viên tham gia chiến trường miền Nam được cân nhắc kỹ lưỡng. Tổ phóng viên thứ nhất xuất phát từ Hà Nội ngày 23/3, gồm những nhà báo cự phách như: Lâm Hồng Long, Hoàng Thiểm, Trần Mai Hưởng...
[Nhà báo Trần Mai Hưởng: Cây bút “tâm-tài” đi cùng năm tháng]
Ngày 25/3, tổ cơ động thứ 2 cũng lên đường vào gấp Đà Nẵng. Tiếp đến ngày 2/4, đoàn công tác đặc biệt gồm 10 người cả phóng viên, điện báo viên và lái xe, do Tổng biên tập Đào Tùng dẫn đầu rời Hà Nội. "Chủ tướng" Thông tấn ra trận, một quyết định lịch sử táo bạo trong làng báo Việt Nam.
Trò chuyện về ngày những năm tháng tham gia làm phóng viên chiến trường, ông Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN nhớ lại sự khốc liệt của chiến tranh là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm trí.
"Giữa lúc chiến tranh ác liệt, mạng sống chỉ trong gang tấc, nhưng để dòng tin được kịp thời nhất, bức hình chụp lại những khoảnh khắc lịch sử, ông không còn đủ thời gian nghĩ đến cả sự sống chết. Bởi ra chiến trường, mặc nhiên coi những mớ tài liệu, những bức ảnh chớp được còn quý giá hơn cả tính mạng và sự hy sinh vì thế cũng trở nên bình thường" - Nhà báo chiến trường của VNTTX - ông Trần Mai Hưởng hồi tưởng về những ngày tháng hào hùng cách đây 45 năm.
Là phóng viên viết tin nhưng nhà báo Trần Mai Hưởng lại có những bức ảnh để đời, làm nên tên tuổi của ông. Trong đó, đặc biệt là bức ảnh xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Bức ảnh này đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng và nhà báo “chộp” được khoảnh khắc này, hôm nay nhắc lại vẫn đầy niềm xúc động vì được trở thành chứng nhân ghi lại một phần lịch sử. Ông Trần Mai Hưởng là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Dinh Độc lập để ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó của dân tộc.
Nhắc lại những tháng ngày làm Trưởng Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) khu VI, dòng hồi tưởng trôi về, ông Nguyễn Xuân Bích như sống lại những ngày tràn đầy khí thế của thời trẻ. Đó là những ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước ngập tràn trong không khí chiến thắng.
Đúng một ngày sau khi quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, buộc chính quyền Ngụy đầu hàng, 1/5/1975, ông Nguyễn Xuân Bích cùng phóng viên tin Lê Văn Cần, hai phóng viên ảnh Thế Thuần và Ngọc Anh lên đường vào khu VI nhận nhiệm vụ. Cùng đi có 6 kỹ thuật viên khác phục vụ cho công tác thông tin được nhanh chóng, kịp thời.
Khu VI khi ấy bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, địa bàn tác nghiệp rộng lớn, địa hình tương đối phức tạp. Nhưng bù lại, do khu vực này vừa được giải phóng, cơ quan ưu tiên đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cho phóng viên TTXGP khu VI làm việc. Riêng máy phát tin có máy 15W phục vụ cho việc đưa tin về Hà Nội và TTXGP. Máy thu tin có tới 2-3 chiếc để thu tin teletype cung cấp cho Khu ủy. Ông Nguyễn Xuân Bích cho rằng trang thiết bị đó rất thuận lợi trong việc tác nghiệp.
Ông cũng cho hay để đảm bảo cho việc đưa tin đầy đủ, toàn diện ở khu vực rộng lớn, ông Nguyễn Xuân Bích cùng phóng viên ảnh Ngọc Anh đảm trách khu vực Lâm Đồng, còn phóng viên Lê Văn Cần và phóng viên ảnh Thế Thuần đặc trách khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thời bấy giờ, khi mới giải phóng, rất nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn hoạt động trong vùng sâu, vùng xa, tức vùng an toàn của thời chiến. Việc tác nghiệp tuy có vất vả nhưng ông Nguyễn Xuân Bích cũng như anh em phóng viên trong đơn vị vẫn đảm bảo số lượng và chất lượng thông tin.
Lần giở những ký ức, ông Nguyễn Xuân Bích kể rằng lúc đó bọn phản động Phunrô hoạt động nhiều ở khu vực này. Thường ngày chúng ở trong rừng sâu, nhưng có đêm lại mò về khu vực trung tâm hoặc các thôn làng bắn giết cán bộ các cơ quan, các trưởng thôn. Rồi ông kể lại các vụ cán bộ, người dân bị Phunrô tấn công mới thấy rõ sự nguy hiểm trong thời gian này. Mặc dù, bộ đội ta rải quân phục kích nhưng chúng thường đi nhóm nhỏ lẻ, lại thông thuộc địa bàn nên việc ngăn chặn rất khó khăn. Vì vậy, mỗi khi đi xuống địa bàn vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Xuân Bích và anh em trong đơn vị đều phải dựa vào bộ đội để tác nghiệp.
Có lần về một xã của huyện Di Linh công tác, nơi nổi tiếng với nhiều Phunrô, ông và mọi người được các anh bộ đội gác cho ngủ đêm. Cũng có lần, ông được các tự vệ nhắc nhở, khi đi tới đâu thấy cây chắn ngang đường phải hết sức cảnh giác vì dễ bị Phunrô tấn công.
Ấn tượng nhất đối với ông trong thời gian này là lần đi cùng phóng viên ảnh Ngọc Anh và đồng nghiệp báo Lâm Đồng xuống tìm hiểu, viết bài về công trình thủy lợi đầu tiên của khu VI được xây dựng sau giải phóng. Do đường sá xa xôi nên ông và nhóm phóng viên phải ngủ lại qua đêm ở công trình. Điều không thể ngờ được, khi mọi người đang ngủ thì Phunrô nổ súng tấn công, ông và mọi người phải tìm chỗ trú ẩn. Tự vệ và công nhân công trình thủy lợi bắn trả một lúc, rồi bọn Phunrô cũng rút đi.
Vượt lên những nguy hiểm, khó khăn, ông Nguyễn Xuân Bích và anh em vẫn nhiệt tình với công việc. Không một lời phàn nàn, kêu ca, bởi với ông, ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, trách nhiệm của người phóng viên là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến hết năm 1975, khi đó khu VI tách thành ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Bích lại tiếp tục với cương vị Trưởng Phân xã Lâm Đồng. Còn nhiều nữa những nhà báo-chiến sỹ đã đóng góp công sức và xương máu, đưa dòng tin đến với nhân dân cả nước, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, ngày nay, tư liệu về chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng và báo chí nói chung vẫn làm xao động con tim, khối óc của hàng triệu người, trong nước và quốc tế.
Cùng với những ngòi bút, tay máy rực lửa nơi chiến trường còn có những bóng dáng, lời ca tiếng đàn của các văn nghệ sỹ Hà Nội, góp phần động viên tinh thần các chiến sỹ nơi tuyến đầu cuộc chiến./.