Nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Trước lúc ra đi, Đại tá Hoàng Long Xuyên, nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, dặn con cháu "phải giữ vững truyền thống cách mạng, tinh thần trung kiên của đảng viên."
Nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ảnh 1Đại tá Hoàng Long Xuyên. (Nguồn: Thanh Niên)

Đại tá Hoàng Long Xuyên, nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã từ trần vào hồi 11 giờ ngày 27/8 ở tuổi 107, với gần 80 năm tuổi Đảng, tại tổ dân phố số 3, phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trước lúc ra đi, ông căn dặn con cháu “phải luôn giữ vững truyền thống cách mạng, tinh thần trung kiên của người đảng viên."

Trong những ngày diễn ra tang lễ, Ban Tổ chức và gia đình Đại tá Hoàng Long Xuyên đã đón nhận lời động viên, chia sẻ, vòng hoa, lễ viếng của trên 500 tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân và gia đình bạn bè.

Trong số đó có Đoàn Đại biểu Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu I; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên; đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Bộ Chỉ huy Quân sự và đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại tá Hoàng Long Xuyên tên khai sinh là Hoàng Văn Tứ, sinh năm 1917, trong một gia đình nhà nông nghèo của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Sớm giác ngộ cách mạng nên năm 1940, người thanh niên Hoàng Long Xuyên đã tham gia Mặt trận Việt Minh, Hội Thanh niên Cứu quốc, rồi được kết nạp vào Đội Trung kiên.

Càng vinh dự hơn khi năm 1941, ông là một trong 10 thanh niên trung kiên tiêu biểu được Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn gửi sang học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).

Về nước đầu năm 1945, chàng thanh niên Hoàng Long Xuyên gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và được phân công làm Tiểu đội trưởng phụ trách khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Lịch sử còn ghi lại sự kiện ông không có tên trong danh sách 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đúng ngày thành lập (22/12/1944) vì đường sá đi lại xa xôi, trắc trở, về tới nơi thì lễ thành lập đã xong mấy ngày. Nhưng ngày nhập ngũ của ông, trong hồ sơ cán bộ vẫn được công nhận là 22/12/1944.

Ngày 2/5/1945, trên cương vị là Trung đoàn ủy, đơn vị của Đại tá Hoàng Long Xuyên phối hợp với quần chúng cách mạng, tiến công đồn Pò Mã, tiêu diệt quân địch, giải phóng hoàn toàn xã Quốc Khánh, Tràng Định, Lạng Sơn, thành lập chính quyền cách mạng cùng các đội tự vệ địa phương, xây dựng và phát triển các hội cứu quốc, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền từ tay Quân đội Nhật.

Có thể nói, cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Hoàng Long Xuyên gắn bó với công tác xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn. Ông là một trong những người tham gia xây dựng các đơn vị quân đội từ những ngày đầu nên các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã lấy tên ông gọi thay cho phiên hiệu đơn vị là “bộ đội Long Xuyên."

[Lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc]

Còn Trung đoàn 28 (Lạng Sơn), nơi ông từng làm Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng, nhiều người vẫn tự hào gọi là “Trung đoàn Long Xuyên."

Sau khi giải phóng tỉnh Lạng Sơn, năm 1949, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn làm nhiệm vụ quốc tế tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giải phóng liên khu Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh Nam Quan, Bằng Tường, Thượng Thạch, Hạ Thạch, Minh Minh.

Năm 1950, ông trở về nước tham gia Chiến dịch Biên giới Thu Đông. Năm 1951, ông được giao làm Bí thư Trung đoàn ủy phụ trách Trung đoàn 176 Sư đoàn 316.

Sau này, ông được giao trọng trách làm Giám đốc Công an Vũ trang Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an Vũ trang Khu Tự trị Việt Bắc (nay là Bộ đội Biên phòng).

Năm 1986, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Trở về với đời thường, Đại tá Hoàng Long Xuyên luôn sống giản dị, đúng mực để con cháu noi theo. Các thế hệ con cháu của ông đều sống có đạo hiếu, nghĩa tình, ham học hỏi, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Hiện nhiều con, cháu của ông là đảng viên, giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước.

Ông Hoàng Văn Tiến, con trai của Đại tá Hoàng Long Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Nguyên ngậm ngùi chia sẻ trước khi ra đi, cụ căn dặn con cháu “Phải luôn giữ vững truyền thống cách mạng, tinh thần trung kiên của người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, làm rạng danh dòng họ Hoàng."

Trong suốt thời gian dài tham gia hoạt động cách mạng cũng như khi trở về sinh sống tại địa phương, Đại tá Hoàng Long Xuyên luôn giữ vững phẩm chất trong sáng của người chiến sỹ cách mạng, gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, cơ sở.

Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Bí thư Đảng ủy phường Chùa Hang, cho biết gia đình Đại tá Hoàng Long Xuyên luôn là tấm gương tiêu biểu, gương mẫu tiên phong trong mọi phong trào, mọi hoạt động của địa phương, luôn gần gũi, chan hòa đoàn kết thân ái, được bà con nhân dân quý trọng, noi theo.

Những công lao, đóng góp của Đại tá Hoàng Long Xuyên được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục