Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật gốc, có tác động to lớn tới xã hội. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 15/7/2015 và kết thúc vào ngày 14/9/2015.
Đánh giá về đợt lấy ý kiến nhân dân lần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành một cách nghiêm túc, theo đúng tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ. Bộ Tư pháp đã nhận được 119 báo cáo của 30 bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 26 cơ quan, tổ chức khác.
Qua các báo cáo, có khoảng 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý. Ý kiến của nhân dân rất đa dạng, tham gia đối với hầu hết các quy định của dự thảo Bộ luật, trong đó tập trung vào 8 vấn đề trọng tâm mà Chính phủ xin ý kiến nhân dân.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết 7/8 vấn đề Chính phủ xin ý kiến đã được đa số ý kiến nhân dân ủng hộ theo phương án của Chính phủ và Quốc hội đề nghị, trong đó, 5 vấn đề được đa số tuyệt đối ủng hộ như cần quy định rõ các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế..., đặc biệt là bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được 92% ý kiến tán thành. Hai vấn đề khác tuy không đạt trên 75% ý kiến ủng hộ, nhưng thấp nhất là quy định về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cũng đạt 63%.
Nói rõ hơn về việc đưa vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết việc bổ sung quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân (đối với doanh nghiệp) vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, thực tiễn vừa qua cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, có vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, trong khi cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại dân sự tỏ ra rất bất cập, kém hiệu quả, tính răn đe, phòng ngừa không cao và không bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt hại.
Thứ hai, bảo đảm sự chính xác, không bỏ lọt tội phạm và sự công bằng trong xử lý hành vi phạm tội, vì thực tế nhiều quyết định quan trọng, trong đó có quyết định dẫn đến hành vi phạm tội, do tập thể (Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông) thông qua; nếu chỉ quy trách nhiệm hình sự cho cá nhân thì sẽ không chính xác, bỏ lọt tội phạm.
Bộ trưởng nêu quan điểm trong điều kiện hội nhập quốc tế sẽ không công bằng khi cùng một vi phạm tương tự như nhau, nếu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ở nước khác thì có thể bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu doanh nghiệp nước ngoài thực hiện ở Việt Nam thì chỉ bị xử phạt hành chính. Thứ ba, đây là nghĩa vụ bắt buộc theo một số công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại thời điểm hiện nay là phù hợp vì đã có thời gian khá dài (từ năm 1999) nghiên cứu vấn đề lý luận, thực tiễn về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng như kinh nghiệm của các nước về vấn đề này. Trong điều kiện Việt Nam đang chuyển đổi hẳn sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), việc quy định trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp sẽ góp phần bảo vệ nền kinh tế phát triển đúng hướng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng pháp luật.
Hơn nữa, hiện có tới 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và 6 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia).
Làm rõ hơn việc bổ sung quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân nhưng chỉ là đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, phức tạp. Kinh nghiệm các nước đều có bước đi thận trọng, thích hợp, tập trung giải quyết những vấn đề thật bức xúc trước. Vì thế, Chính phủ đã đề xuất trước mắt chỉ nên áp dụng quy định này đối với pháp nhân kinh tế (các doanh nghiệp) và cũng chỉ tập trung vào một số tội phạm về kinh tế, môi trường, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tội phạm mà theo cam kết quốc tế Việt Nam phải trừng trị (mua bán người, tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố). Sau này, qua thực tiễn áp dụng, nếu thấy cần thiết sẽ nghiên cứu để mở rộng thêm, Bộ trưởng cho biết.
Nhấn mạnh việc sửa đổi Bộ luật Hình sự thể hiện rõ tính nhân đạo trong đổi mới chính sách hình sự của Việt Nam, đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, Bộ trưởng nêu rõ qua đó góp phần bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Bộ luật, từ các quy định của phần chung tới các quy định về phần các tội phạm cụ thể. Chẳng hạn về các tội phạm cụ thể thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo đó các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 22 tội danh được quy định rõ trong Bộ luật, đồng thời không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội; bổ sung biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù, mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, theo đó có tới gần 1/3 số tội (109/329) có quy định hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trong đó, phạt tiền đối với tội ít nghiêm trọng tăng 33 tội so với quy định hiện hành. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội; bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên... Điều này phù hợp với quy định mới, rất nhân văn của Hiến pháp mới, theo đó “mọi người đều có quyền sống” (Điều 19).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh dự thảo Bộ luật cũng có những quy định nghiêm khắc hơn, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đấu tranh phòng chống một số loại tội phạm như tội phạm về chức vụ, tội phạm tham nhũng. Chẳng hạn, dự thảo Bộ luật bổ sung nguyên tắc xử lý người giữ chức vụ có quyền hạn càng cao thì xử phạt càng nặng; mở rộng phạm vi xử lý đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ ra cả khu vực ngoài nhà nước; bổ sung quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ.../.