Nhật Bản lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc về mạng 5G, cáp ngầm biển

Nhật Bản tụt hậu trong việc đối phó với các bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực cáp ngầm dưới biển.
Nhật Bản lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc về mạng 5G, cáp ngầm biển ảnh 1Biểu tượng mạng 5G. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Yomiuri, các tiêu chuẩn của hệ thống viễn thông di động thế hệ 5 (5G) là một trong những nội dung chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và người đồng cấp Angela Merkel của Đức hồi tháng 2/2019, khi bà Merkel lần đầu tiên tới thăm Nhật Bản sau hai năm rưỡi.

Vào thời điểm đó, Chính phủ Mỹ đã cấm tập đoàn viễn thông Huawei Technologies Co. của Trung Quốc tham gia đấu thầu mua sắm công và các thị trường thương mại. Bên cạnh đó, Washington cũng kêu gọi Nhật Bản và Đức làm như vậy.

Tuy nhiên, khi đó, bà Merkel có quan điểm khá tiêu cực với chính sách đó của Mỹ. Chính trị gia này cho rằng: “Việc loại Huawei ra khỏi thị trường này không có ý nghĩa gì. Chúng ta cần kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại.”

Đáp lại, Thủ tướng Abe đã bác bỏ đề xuất đó và nói rằng “việc làm như vậy là sai.” Ông Abe đã chỉ ra tầm quan trọng của việc loại bỏ rủi ro an ninh từ các thiết bị thông tin và viễn thông.

Hệ thống viễn thông di động 5G sẽ cho phép kết nối đồng thời với tốc độ cực cao. Công nghệ 5G sẽ không chỉ giúp tăng sự tiện lợi và tốc độ liên lạc trong khu vực tư nhân mà còn có thể làm thay đổi đáng kể các cuộc chiến.

Các máy bay không người lái có thể liên lạc với nhau ngay lập tức nhờ công nghệ 5G và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào kẻ thù. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản nói: “Thế giới ảo trong các trò chơi điện tử có thể trở thành hiện thực nhờ công nghệ 5G.”

Nếu các chức năng bất hợp pháp được thiết kế để làm ngừng các hệ thống hạ tầng và vũ khí quan trọng một cách có chủ ý và các cửa hậu được sử dụng để đánh cắp các thông tin mật, được tích hợp vào mạng lưới viễn thông 5G, hậu quả của nó là không thể đo lường.

Mỹ đang nỗ lực toàn diện để loại bỏ các nguy cơ như vậy. Cùng với Mỹ, Nhật Bản đã cấm Huawei và các công ty khác của Trung Quốc tham gia vào thị trường nước này.

Sau mạng 5G, theo một quan chức Chính phủ Mỹ, vấn đề quan trọng sắp tới là hệ thống cáp ngầm dưới biển. Các công ty Nhật Bản, Mỹ và Pháp hiện chiếm tổng cộng 90% thị phần trên thị trường cáp ngầm toàn cầu. Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc cũng đang gia tăng thị phần để bắt kịp họ bằng cách theo đuổi chiến lược giá rẻ.

Cùng với hệ thống cáp ngầm dưới biển nối Bắc Mỹ và châu Phi đã hoàn thiện vào năm 2018, một số lượng đáng kể cáp ngầm dưới biển đã được các công ty con của Huawei rải ngoài khơi châu Phi.

Ông Motohiro Tsuchiya, Trưởng khoa Quản lý Chính sách của Đại học Keio, tin rằng Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thực hiện phiên bản thứ ba của sáng kiến "Vành đai và Con đường" sau các phiên bản trên đất liền và tuyến hàng hải.

Có khoảng 99% thông tin liên lạc và dữ liệu truyền tải trên khắp thế giới được thực hiện thông qua hệ thống cáp ngầm dưới biển. Nếu hệ thống cáp quang học này bị kiểm soát hoặc cắt, nó có thể sẽ thu thập dữ liệu và ngăn chặn các hoạt động quân sự. Vì vậy, Mỹ đang tìm cách loại Trung Quốc ra khỏi hệ thống cáp ngầm dưới biển như nước này đã làm với mạng lưới viễn thông 5G.

[Mỹ: Chính quyền Donald Trump bất đồng về kế hoạch triển khai mạng 5G]

Năm ngoái, Chính quyền của Tổng thống Trump đã buộc một dự án xây dựng cáp ngầm dưới biển kết nối khu vực bờ biển phía Tây của Mỹ với Hong Kong (Trung Quốc) phải tạm ngừng.

Các cơ quan của Chính phủ Mỹ, trong đó có Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, được cho là đã phản đối dự án này vì các lý do an ninh.

Nhật Bản tụt hậu trong việc đối phó với các bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực cáp ngầm dưới biển.

Tháng 1/2017, Ban Công nghệ Thông tin-Viễn thông và Bưu chính thuộc Công ty Quỹ Phát triển Hải ngoại của Nhật Bản - đơn vị được thành lập với nguồn vốn góp của khu vực công và tư nhân, chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) - thông báo sẽ đầu tư tới 50,5 triệu USD vào một dự án có sự tham gia của tập đoàn dịch vụ viễn thông NEC và các công ty khác để xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển nối đảo Guam với Hong Kong.

Mỹ đang cố gắng xây dựng một hệ thống cáp ngầm dưới biển với trung tâm là đảo Guam để kết nối với Australia, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á mà không kết nối trực tiếp với Trung Quốc.

Đằng sau hậu trường, Mỹ đã bày tỏ quan ngại của mình với phía Nhật Bản về dự án cáp ngầm kết nối Guam với Hong Kong. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng MIC vẫn xúc tiến dự án này. Một quan chức giấu tên cho biết Chính phủ Mỹ “vẫn không hài lòng” về dự án này.

Một cựu quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cho biết “nội bộ Chính phủ không có chung nhận thức về sự cần thiết phải cân nhắc về các rủi ro an ninh (của dự án này).”

Các trạm kết nối với đất liền của hệ thống cáp ngầm dưới biển sẽ phải hứng chịu rủi ro khi kết nối với hệ thống cáp ngầm này. Australia không tiết lộ vị trí của các trạm kết nối với đất liền, trong khi Mỹ đã đặt các trạm này ở các căn cứ quân sự, còn Anh đặt chúng ở trong dưới lòng đất.

Ngược lại, các trạm kết nối với đất liền của Nhật Bản lại tập trung ở hai vị trí là Chikura ở quận Minamiboso thuộc tỉnh Chiba và Shima thuộc tỉnh Mie. Một số người đã chỉ ra những rủi ro mà hai trạm kết nối này đang phải đối mặt.

Không giống như hệ thống an ninh truyền thống đang được duy trì bởi sức mạnh quân sự chiếm ưu thế của Mỹ, hệ thống thông tin và viễn thông của Nhật Bản có thể sẽ phải hứng chịu tổn thất do điểm yếu này. Vì vậy, Nhật Bản cần nhanh chóng nhận thức lại tình hình thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục