Ngày 26/11, Chính phủ Nhật Bản quyết định chấm dứt chính sách được triển khai từ năm 1970 bảo hộ người trồng lúa bằng biện pháp hạn chế sản lượng gạo và trợ cấp tiền mặt.
Phát biểu trong cuộc họp bàn về chính sách nông nghiệp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông đang thúc đẩy cải cách quan trọng về nông nghiệp, theo đó bãi bỏ những chính sách đi ngược lại những cải cách cơ cấu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Yoshimasa Hayashi cho biết bộ này sẽ trình dự luật cải cách nông nghiệp trong phiên họp quốc hội vào đầu năm tới.
Theo một hệ thống mới sẽ được triển khai trong tài khóa 2018, nông dân Nhật Bản sẽ được phép tự quyết định sản lượng gạo dựa trên dự báo về mức cung, cầu mà chính phủ đưa ra, thay vì hệ thống hạn ngạch được ban hành từ năm 1970 hạn chế sản lượng gạo và giữ giá gạo trong bối cảnh mức tiêu thụ gạo giảm.
Theo chương trình "điều chỉnh sản lượng" đang áp dụng, nông dân được chính phủ trợ cấp 15.000 yen đối với 1.000 m2 đất canh tác. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này sẽ bị giảm một nửa từ tài khóa 2014 và bị bãi bỏ hoàn toàn vào tài khóa 2018.
Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp vốn được bảo hộ trong bối cảnh ngành này sắp đối mặt với cạnh tranh khốc liệt một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ mở đường cho hàng nhập khẩu giá rẻ vào thị trường Nhật Bản.
12 nước tham gia đàm phán TPP - trong đó có Nhật Bản và Mỹ đang nỗ lực hoàn tất đàm phán hiệp định vào cuối năm nay./.
(TTXVN)