Nhật Bản và Hàn Quốc tham vấn an ninh lần đầu tiên sau 5 năm

Thông cáo báo chí của Nhật Bản và Hàn Quốc nêu rõ tại cuộc tham vấn, giới chức hai nước đã làm sâu sắc hơn hiểu biết về các chính sách an ninh và quốc phòng của nhau.
Nhật Bản và Hàn Quốc tham vấn an ninh lần đầu tiên sau 5 năm ảnh 1

Ngày 17/4, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh, khi hai nước tổ chức cuộc tham vấn an ninh cấp chuyên viên đầu tiên ở thủ đô Seoul trong hơn 5 năm qua.

Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đồng ý tăng cường phối hợp với Mỹ trong việc chia sẻ thông tin thời gian thực giữa ba nước trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Thông cáo báo chí của Nhật Bản và Hàn Quốc nêu rõ tại cuộc tham vấn, giới chức hai nước đã làm sâu sắc hơn hiểu biết về các chính sách an ninh và quốc phòng của nhau. 

[Hàn Quốc-Nhật Bản bình thường hóa chia sẻ bảo mật thông tin quân sự]

Các cuộc tham vấn an ninh song phương đã bị đình chỉ vào năm 2018 sau khi Tòa án tối cao của Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Quan hệ song phương đã ấm lên sau khi Hàn Quốc công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các doanh nghiệp tư nhân nước này đóng góp, thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan chi trả trực tiếp.

Trước đó, ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo hầu hết các nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện liên quan cáo buộc cưỡng bức lao động trong thời chiến đã chấp nhận khoản bồi thường thiệt hại thông qua "Quỹ Thanh niên tương lai," do Hàn Quốc và Nhật Bản thống nhất thành lập nhằm giải quyết vấn đề này.

Theo bộ trên, các khoản bồi thường đã được chuyển cho 10 gia đình của các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến, trong đó các gia đình đã nhận được khoản tiền tương ứng trong phán quyết của Tòa án Hàn Quốc năm 2018 đối với hai doanh nghiệp Nhật Bản.

Trước đó, các gia đình này đã chấp thuận các đề xuất bồi thường được đưa ra thông qua quỹ trên, theo đó giúp đẩy nhanh các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Hiện còn khoảng 5 gia đình trong số các nguyên đơn đang cân nhắc khoản bồi thường.

Căng thẳng trong quan hệ Nhật-Hàn gia tăng sau khi Tòa án Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động. Phía Tokyo bác bỏ phán quyết, cho rằng vấn đề này đã được giải quyết tổng thể khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1965.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, ông đã bày tỏ mong muốn và có nhiều nỗ lực để cải thiện quan hệ với Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục