Nhiều lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu bị ách tắc vì giãn cách xã hội

Hàng loạt lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về Việt Nam đã ách tắc tại các cảng, trong khi doanh nghiệp không có nguyên liệu cho sản xuất.
Nhiều lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu bị ách tắc vì giãn cách xã hội ảnh 1Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết trong thời gian cao điểm dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về Việt Nam đã ách tắc tại các cảng, trong khi doanh nghiệp không có nguyên liệu cho sản xuất.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy chế biến về Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn.

Theo Vasep, các doanh nghiệp phản ánh, Cơ quan Thú y Vùng VI (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ chấp nhận tiến hành kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng. Nếu doanh nghiệp mang hàng về kho riêng bảo quản (theo quy định từ trước tới nay) phải chờ đến hết dịch COVID-19, cán bộ thú y mới tới kiểm dịch hàng được.

[WB cảnh báo nguy cơ tiếp tục thu hẹp sản xuất do dịch COVID-19]

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho rằng quy định trên đang làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản. Vì nếu để hàng lại cảng trong thời điểm dịch COVID-19 thì chi phí lưu bãi và bảo quản rất cao.

Trong khi đó, nếu chờ đến hết dịch mới kiểm dịch thì các nhà máy chế biến sẽ thiếu nguyên liệu để hoạt động và chậm trễ trong việc hoàn thành đơn hàng cung ứng cho thị trường trong nước lẫn cả xuất khẩu.

Một vấn đề nữa là các hóa đơn, chứng từ xuất khẩu đều thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7 đến nay, các đơn vị xử lý đều phải cắt giảm số cán bộ làm việc trực tiếp, dẫn đến các thủ tục, hóa đơn xử lý bị chậm. Từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của công ty.

Không chỉ “ách tắc” nguyên liệu ở chiều Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh mà hàng hóa, sản phẩm từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ, xuất khẩu cũng vướng bởi quá nhiều chốt kiểm soát.

Ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau, thông tin đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đang tăng mạnh do thị trường tiêu thụ phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Tuy nhiên, việc vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác về nhà máy cũng như việc vận chuyển hàng hóa lên Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu đều bị chậm lại do tình hình dịch bệnh. Điều này làm gia tăng khả năng hàng hóa sẽ bị rớt lại do không kịp chuyến tàu đã đặt sẵn, phát sinh nhiều chi phí khác và chậm trễ thời gian giao hàng cho đối tác.

“Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam bộ đều thành lập các chốt kiểm soát việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mỗi địa phương, mỗi chốt kiểm soát lại yêu cầu một thủ tục, quy trình khác nhau. Bên cạnh đó, chi phí để test COVID-19 thường xuyên đối với đội ngũ tài xế vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa cũng là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều chi phí khác đều đã tăng thêm so với trước dịch COVID-19,” ông Huỳnh Văn Tấn chia sẻ thêm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết đang “ngồi trên đống lửa” vì đối diện khó khăn “kép.” Cụ thể, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu về nhà máy lẫn đi tiêu thụ đều khó, nhiều thời điểm, hàng trăm container chở sản phẩm thủy sản từ các tỉnh Tây Nam bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh bị ùn ứ tại các chốt kiểm soát vì yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19. Chưa kịp tháo gỡ thì dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, đe dọa đến việc duy trì hoạt động thu mua nguyên liệu lẫn chế biến tại nhà máy.

Một thực tế nữa là các nhà máy chế biến vốn đã thiếu nhân công thì khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng công nhân nghỉ việc ngày càng nhiều, khiến nhiều nhà máy có đơn hàng nhưng năng suất sản xuất không đáp ứng được thời gian giao hàng.

Trong tình thế này, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý và địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn quy trình kiểm soát, lưu thông hàng hóa một cách thống nhất; đồng thời, sớm phân bổ nguồn vaccine để tiêm cho lao động trong các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, giúp họ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp hoạt động ổn định, nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường tiêu thụ và xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục