Giới khoa học đã hoan nghênh Thỏa thuận chống chiến đổi khí hậu toàn cầu được ký hôm 12/12 vừa qua tại Paris và gọi đây là một tiến bộ lớn về mặt chính trị.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận vẫn còn thiếu sót lớn là không đề ra lộ trình chi tiết về việc cắt giảm khí carbon gây hiệu ứng nhà kính, thủ phạm chính làm tăng nhiệt độ Trái Đất.
Giám đốc Trung tâm Chính sách Khí hậu và Năng lượng Quốc tế Steffen Kallbekken khẳng định “đây là một thỏa thuận lịch sử,” song thừa nhận “mục tiêu cắt giảm khí thải không tương xứng với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt đầy tham vọng.”
Theo Cơ quan Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, để có 2/3 cơ hội đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, lượng khí thải carbon phải giảm từ 40-70% vào giữa thế kỷ tới.
Và để đạt được mục tiêu 1,5 độ C, các nước phải cắt giảm 70-95% lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21.
Ông Kallbekken cùng nhiều nhà khoa học khác đã chỉ ra sự thiếu hợp lý trong Thỏa thuận Paris khi văn kiện này một mặt thúc đẩy các tham vọng đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ, nhưng mặt khác lại không đề ra các tiêu chuẩn đánh giá lộ trình và tiến bộ đạt được trong việc thực thi các mục tiêu này.
Nhà khoa học Miles Allen thuộc Đại học Oxford (Mỹ) cho rằng để hạn chế gây hiệu ứng nhà kính trong nửa sau thế kỷ 21, cần phải giảm lượng khí thải CO2 xuống bằng 0...
Theo ông, “dường như các chính phủ đều hiểu được điều này, song họ không trực tiếp thừa nhận nó.”
Nhiều nhà khoa học khác bày tỏ lo ngại về thực tế thỏa thuận mới cho phép có một thời gian dài trước khi chính thức có hiệu lực và yêu cầu các bên bắt đầu các nỗ lực giảm phát thải khí carbon.
Cựu Phó Chủ tịch IPCC, đồng thời là nhà khoa học về khí hậu hàng đầu tại Pháp, ông Jean Jouzel, cho rằng “không thể chờ đến năm 2020" và việc "hành động trước thời điểm này là điều rất quan trọng.”
Ông Jouzel và nhiều nhà khoa học khác cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 1,5 độ C, đồng thời nhận định điều này “quá tham vọng.”
Nhà khoa học Peter Cox tại Đại học Exeter, đồng thời là tác giả chính của 2 bản báo cáo được IPPC công bố, nhận định “con người sẽ dễ dàng tuân thủ các thỏa thuận và cơ chế có tính ràng buộc để đạt mục tiêu 2 độ C, thay vì 1,5 độ C.”
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Khắc phục Stockholm (Thụy Điển), Johan Rockstrom, cho rằng “điều chúng ta cần hiện nay là những hành động hợp lý dựa trên cơ sở khoa học nhằm đạt mục tiêu cắt giảm khí thải carbon vào 2050”./.