Kể từ khi được Quốc hội khóa XIV bầu vào tháng 4/2021 đến nay, Chính phủ đã trải qua một năm với những chông gai, thách thức chưa từng có sau 36 năm đổi mới.
Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những quyết sách hợp lý trong từng giai đoạn, Chính phủ đã vững vàng chèo lái, đưa đất nước đi qua một năm gian khó, dần phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn lại những nỗ lực của Chính phủ trong một năm qua, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết “Vượt bão COVID-19, phục hồi và phát triển.”
Bài 1: Đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân - nhiệm vụ trên hết, trước hết
Sau một thời gian Việt Nam quyết liệt triển khai chiến lược vaccine, ngày 14/4 vừa qua, mốc quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine cho toàn dân đã được đánh dấu với việc tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên của cả nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6, mở đầu chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Việc triển khai bao phủ vaccine cho trẻ em độ tuổi nhỏ nhất là hành động thiết thực trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 và bảo vệ sức khỏe toàn dân được Chính phủ Việt Nam kiên quyết thực hiện thời gian qua.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang dần được kiểm soát, kinh tế-xã hội từng bước hồi phục trong trạng thái “bình thường mới.” Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục chiến dịch ngoại giao vaccine để chăm lo cho sức khỏe từng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
[Hỏi đáp COVID-19: Người dân kiểm tra hộ chiếu vaccine bằng cách nào?]
Tháng 5/2021, bước vào nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội.
Trước những khó khăn chồng chất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có những nhiệm vụ đột xuất, chưa từng có tiền lệ, đó là việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa chống đại dịch, vừa phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, nhiệm vụ trên hết, trước hết là phải đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân.
Một chiến lược vaccine hiệu quả, toàn diện đã được Chính phủ cùng các cấp, các ngành triển khai khẩn cấp với ba mũi nhọn: Thành lập Quỹ vaccine; Chiến lược ngoại giao vaccine và Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân.
Trên mặt trận ngoại giao vaccine - mũi nhọn quyết định thành công của chiến lược, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 13/8/2021 thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.
Việc thành lập Tổ công tác có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế-xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.
Việc thành lập Tổ công tác cũng khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để đẩy lùi đại dịch.
Phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa,” “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa,” Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 nhằm nhanh chóng bao phủ vaccine cho toàn dân, thực hiện kịp thời mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho mỗi người dân Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vaccine cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.
Đồng thời, chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.
Triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm cao, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine cùng các cấp, các ngành đã khẩn trương thực hiện các hoạt động ngoại giao vaccine, đặc biệt là vận động cấp cao, từ đó đem lại những kết quả nổi bật.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 232,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó hơn 51 triệu liều được thông qua Cơ chế COVAX, hơn 26 triệu liều từ Chính phủ Hoa Kỳ. Cùng với đó, Chính phủ Australia cũng cam kết viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bằng sự quyết liệt, đồng bộ thực hiện các mũi nhọn trong chiến lược vaccine của Chính phủ, hiện có hơn 212,6 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân; trong đó gần 194,6 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên; hơn 17,3 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi cùng 667,9 nghìn liều cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thành công từ chiến dịch ngoại giao chưa có tiền lệ đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Thành quả này đã khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm sâu.
Đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam chuyển đổi thành công từ chính sách “Zero COVID” sang chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được đề ra tại Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành.
Nhờ thành công từ chiến lược vaccine cùng việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP, nền kinh tế Việt Nam đã và đang từng bước phục hồi. Mục tiêu kép của Chính phủ, vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi kinh tế-xã hội đã bước đầu thành công. Chính phủ sau một năm kiện toàn, dù gặp sóng gió chưa từng có, song đang vững bước vượt qua.
Quan trọng hơn cả, mục tiêu nhân văn, đảm bảo sức khỏe cho mỗi người dân đã được hiện thực hóa.
Dù quá trình phục hồi tăng trưởng còn gặp nhiều thách thức, nhưng với những kết quả đạt được từ chiến lược vaccine, người dân ngày càng tin tưởng và đồng hành cùng các quyết sách lớn của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó nhấn mạnh việc lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững./.