Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với nhiều thành tựu nổi bật

Trong cả nhiệm kỳ XIV, Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gắn bó mật thiết và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri.
Toàn cảnh lễ chào cờ bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Toàn cảnh lễ chào cờ bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sau 12 ngày làm việc, chiều 8/4, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng pháp luật và công tác nhân sự.

Đây cũng là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khép lại một nhiệm kỳ 5 năm với nhiều thành tựu nổi bật trên cả ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, tạo nền tảng quan trọng để Quốc hội khóa sau tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri

Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá Quốc hội khóa XIV đã luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc; không ngừng đổi mới mạnh mẽ, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước; đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại.

Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng của các đạo luật được thông qua, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quốc hội cũng đã tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống và không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là các kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công 5 năm và hằng năm, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đạt được nhiều dấu ấn và thành tựu đóng góp quan trọng vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trong cả nhiệm kỳ XIV, Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gắn bó mật thiết và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri.

Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân. Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Chủ tịch nước đã trình Quốc hội phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

[Chính thức bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV]

Trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Chính phủ đã ưu tiên triển khai các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã điều hành thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và các biểu hiện vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời nhiều cuộc tranh chấp, khiếu kiện, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò tích cực trong việc góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, phục vụ tích cực cho hoạt động giám sát của Quốc hội, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với nhiều thành tựu nổi bật ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ bế mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Quốc hội thống nhất đánh giá nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã luôn nỗ lực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ, cùng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp lớn vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, củng cố và nâng cao niềm tin của cử tri, Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đánh giá cao kết quả đạt được, Quốc hội đã phân tích, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước, trong đó, đề nghị các cơ quan chú trọng một số nội dung làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Kiện toàn bộ máy nhà nước

Để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số chức danh trong bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận cao.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, 5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm 3 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách 3 Phó Chủ tịch, 7 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách Phó Chủ tịch và 3 Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp. Quốc hội bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này, sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kể từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia đến tháng 3.2021; đồng thời tiến hành kiện toàn nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia để đảm bảo đồng bộ với việc kiện toàn các chức danh trong bộ máy nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thắng lợi công tác tổ chức bầu cử trong thời gian tới.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy. Đây là luật thứ 73 và cũng là luật cuối cùng được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ khóa XIV.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Quốc hội đã xem xét, quyết định đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội từ nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để thành phố chủ động chuẩn bị cho việc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân sắp tới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thủ đô trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV khép lại với những dư âm về sự nỗ lực không ngừng để đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiện vụ người đại biểu nhân dân. Trên nền tảng những thành quả đạt được, cùng với những hạn chế đã được chỉ rõ, Quốc hội khóa tới sẽ tiếp tục vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, thực hiện xứ mệnh là "cầu nối" giữa cử tri và Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục