Khi những con đường của thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, bắt đầu sáng đèn thì cũng là lúc một chàng trai 22 tuổi, nhưng trông không khác một đứa trẻ mới lớn, bắt đầu cuộc mưu sinh ở các quán nhậu bằng những màn xiếc lửa rợn người để bán kẹo kéo.
Mọi người ở các quán nhậu đã quá quen với sự xuất hiện của chàng diễn viên đặc biệt, tuy nhiên không nhiều người biết được đằng sau các màn biểu diễn độc đáo là một câu chuyện đầy xúc động.
Chàng "diễn viên" thanh niên-trẻ con ấy tên đầy đủ là Phạm Văn Long, nhưng mọi người quen gọi là Phi Long. Phi Long mập, thấp và dù đã bước sang tuổi 22 nhưng trông Long giống như đứa trẻ mới 14-15 tuổi.
Trang phục thường ngày của Long là một chiếc quần soóc dài quá đầu gối với chiếc áo thun đầy hoa văn. Hai cánh tay Phi Long xạm đen, cháy sém bởi nhiều vết tích chấn thương từ các màn biểu diễn. Ngay cả hai hàm răng và đôi môi của Long cũng xám đen và đầy thương tích. Thế nhưng bên cạnh những dấu vết khắc nghiệt ấy, Phi Long lại có đôi má phúng phính toát lên vẻ hồn nhiên, nhân hậu và ở trong con người nghệ sỹ lam lũ ấy là một tâm hồn đáng nể phục.
“Và sau đây là màn xiếc lửa đặc biệt xin được gửi đến quý khách!” Phi Long cất lời giới thiệu sau khi chọn khoảng trống rộng rãi nhất giữa cảnh ăn uống ồn ào, nhốn nháo của quán nhậu để làm sân khấu biểu diễn.
Chàng "diễn viên" cầm bó đuốc đang cháy ngùn ngụt đặt lên cánh tay trần của mình rồi lăn qua lăn lại, hết tay phải chuyển sang tay trái. Sau đó Long cầm bó đuốc tẩm dầu đưa lên miệng, dùng lưỡi liếm vào ngọn lửa đang cháy rừng rực.
Ấn tượng hơn, Phi Long cầm bó đuốc đưa sâu vào trong miệng rồi lại rút ra, ngọn đuốc vẫn cháy rừng rực. Cuối cùng, màn biểu diễn đặc sắc nhất là tiết mục ngậm lửa. Bó đuốc rực cháy cắm ngược vào trong khoang miệng, Long ngửa người, dang rộng hai tay giữa không gian, hai hàm răng cắn chặt ngậm ngọn đuốc cháy đỏ trong khoảng 5-6 giây.
Tất cả những động tác liếm lửa, ngậm lửa, nuốt lửa được Long thể hiện với đầy nhiệt huyết, say mê và những màn trình diễn đó được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần
Kết thúc màn biểu diễn, Long cầm những thanh kẹo kéo đi mời khách trong quán nhậu mua. Đã có lần tôi không mua kẹo và cho tiền Long nhưng Long không nhận. Cậu nói chân thành: "Em biểu diễn là để bán kẹo kéo, anh mua thì em bán, em không lợi dụng lòng tốt của mọi người." Lúc đó, tôi đã sững người.
Long tâm sự: "Có người nghi ngờ khả năng 'chơi với lửa' của em nên hỏi em có xài thuốc không mà biểu diễn được vậy? Em chẳng biết giải thích với họ thế nào, em chẳng biết thuốc gì cả. Mà tối nào em cũng đi diễn như thế này, nếu có thuốc thì cũng chẳng có thuốc nào chịu được. Có đứa muốn bắt chước em để đi diễn, đến học em cách làm đuốc, tẩm dầu nhưng rồi cuối cùng chẳng ai làm được."
Chàng "diễn viên" thoáng buồn: “Ở nhiều thành phố lớn, người ta làm xiếc mua vui để xin tiền. Có đứa còn dùng thuốc này, thuốc nọ để lừa người khác, em biểu diễn thế này, ban đầu cũng bị mọi người xem thường, nhưng khi họ cho tiền em không nhận, dần dần họ đã nhìn em với con mắt khác đi.”
Câu chuyện của Long và người mẹ đau yếu trong căn phòng trọ nhỏ ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài có lẽ sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, xúc động. Kể về gia đình mình, Long không giấu được những chạnh lòng. Cha mất khi Long mới 11 tuổi, mẹ đi bước nữa, Long có thêm một người em trai. Nhưng cuộc sống khó khăn đã xô đẩy ba mẹ con Long từ Phú Bài (Huế) đến Thành phố Hồ Chí Minh, rồi vào chùa Thịnh Pháp nương nhờ. Sau đó, mấy mẹ con lại trôi dạt về thị xã Đồng Xoài.
Ngày ở chùa Thịnh Pháp, Long được sư thầy trong chùa luyện cho một số “chiêu” đặc biệt như xiếc lửa, nuốt rắn lục xanh… Long thành thật: "Phải kiên trì rèn luyện và cũng phải kiêng cữ nhiều thứ em mới diễn được, không kiêng chết liền."
Gọi là đi bán kẹo kéo, nhưng thực ra Long chỉ đi bán thuê cho chủ xe kẹo kéo, mỗi tháng lấy 1 triệu đồng. Long đã từng đi bán kẹo kéo thuê ở Bình Dương, nhưng thương mẹ sau bao năm oằn lưng bởi gánh nặng mưu sinh nay thường xuyên đau yếu, bệnh tật, Long lại quay về Đồng Xoài.
Cái thị xã nhỏ bé với vài con đường chính, Long chỉ biểu diễn trong khoảng nửa tháng là mọi nguời đã không còn thấy lạ lẫm, ấn tượng với những màn biểu diễn nguy hiểm của Long nữa. Nhưng Long không còn cách nào khác để thay đổi cuộc sống của mình. Cậu tâm sự: “Biết làm sao được, em cũng không được học nghề gì khác, ước gì em có vốn để nấu kẹo kéo, khi đó em sẽ tự nấu để mang đi bán.”
Đã có lúc Long nghĩ sẽ về Bình Dương làm công nhân, nhưng rồi khi nghĩ đến mẹ, Long lại gạt ngay ý nghĩ đó: “Em đi làm xa, mẹ em thường xuyên đau yếu, lấy ai chăm sóc mẹ?”
Màn xiếc lửa của chàng "diễn viên" bán kẹo kéo Phi Long với người dân thị xã Đồng Xoài đã thành quen thuộc, nhưng mấy ai thấu hiểu được tình người trong trò diễn? Với tất cả sự cố gắng, với cái “nghề” đầy khắc nghiệt của mình, Long đã đổ mồ hôi nước mắt để kiếm tiền một cách chân chính.
Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, chàng "diễn viên" nghiệp dư lại nhảy lên chiếc xe đạp cà tàng, rong ruổi đi biểu diễn khắp thị xã Đồng Xoài cho đến tận đêm khuya.
Giá như Long có vốn để tự nấu kẹo kéo... Giá như có một điều kỳ diệu đến với Long... Lòng ngổn ngang bao suy nghĩ, tôi thầm cầu mong điều kỳ diệu nào đó sẽ sớm đến với Long để cuộc sống của mẹ con cậu bớt được những nhọc nhằn./.
Mọi người ở các quán nhậu đã quá quen với sự xuất hiện của chàng diễn viên đặc biệt, tuy nhiên không nhiều người biết được đằng sau các màn biểu diễn độc đáo là một câu chuyện đầy xúc động.
Chàng "diễn viên" thanh niên-trẻ con ấy tên đầy đủ là Phạm Văn Long, nhưng mọi người quen gọi là Phi Long. Phi Long mập, thấp và dù đã bước sang tuổi 22 nhưng trông Long giống như đứa trẻ mới 14-15 tuổi.
Trang phục thường ngày của Long là một chiếc quần soóc dài quá đầu gối với chiếc áo thun đầy hoa văn. Hai cánh tay Phi Long xạm đen, cháy sém bởi nhiều vết tích chấn thương từ các màn biểu diễn. Ngay cả hai hàm răng và đôi môi của Long cũng xám đen và đầy thương tích. Thế nhưng bên cạnh những dấu vết khắc nghiệt ấy, Phi Long lại có đôi má phúng phính toát lên vẻ hồn nhiên, nhân hậu và ở trong con người nghệ sỹ lam lũ ấy là một tâm hồn đáng nể phục.
“Và sau đây là màn xiếc lửa đặc biệt xin được gửi đến quý khách!” Phi Long cất lời giới thiệu sau khi chọn khoảng trống rộng rãi nhất giữa cảnh ăn uống ồn ào, nhốn nháo của quán nhậu để làm sân khấu biểu diễn.
Chàng "diễn viên" cầm bó đuốc đang cháy ngùn ngụt đặt lên cánh tay trần của mình rồi lăn qua lăn lại, hết tay phải chuyển sang tay trái. Sau đó Long cầm bó đuốc tẩm dầu đưa lên miệng, dùng lưỡi liếm vào ngọn lửa đang cháy rừng rực.
Ấn tượng hơn, Phi Long cầm bó đuốc đưa sâu vào trong miệng rồi lại rút ra, ngọn đuốc vẫn cháy rừng rực. Cuối cùng, màn biểu diễn đặc sắc nhất là tiết mục ngậm lửa. Bó đuốc rực cháy cắm ngược vào trong khoang miệng, Long ngửa người, dang rộng hai tay giữa không gian, hai hàm răng cắn chặt ngậm ngọn đuốc cháy đỏ trong khoảng 5-6 giây.
Tất cả những động tác liếm lửa, ngậm lửa, nuốt lửa được Long thể hiện với đầy nhiệt huyết, say mê và những màn trình diễn đó được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần
Kết thúc màn biểu diễn, Long cầm những thanh kẹo kéo đi mời khách trong quán nhậu mua. Đã có lần tôi không mua kẹo và cho tiền Long nhưng Long không nhận. Cậu nói chân thành: "Em biểu diễn là để bán kẹo kéo, anh mua thì em bán, em không lợi dụng lòng tốt của mọi người." Lúc đó, tôi đã sững người.
Long tâm sự: "Có người nghi ngờ khả năng 'chơi với lửa' của em nên hỏi em có xài thuốc không mà biểu diễn được vậy? Em chẳng biết giải thích với họ thế nào, em chẳng biết thuốc gì cả. Mà tối nào em cũng đi diễn như thế này, nếu có thuốc thì cũng chẳng có thuốc nào chịu được. Có đứa muốn bắt chước em để đi diễn, đến học em cách làm đuốc, tẩm dầu nhưng rồi cuối cùng chẳng ai làm được."
Chàng "diễn viên" thoáng buồn: “Ở nhiều thành phố lớn, người ta làm xiếc mua vui để xin tiền. Có đứa còn dùng thuốc này, thuốc nọ để lừa người khác, em biểu diễn thế này, ban đầu cũng bị mọi người xem thường, nhưng khi họ cho tiền em không nhận, dần dần họ đã nhìn em với con mắt khác đi.”
Câu chuyện của Long và người mẹ đau yếu trong căn phòng trọ nhỏ ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài có lẽ sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, xúc động. Kể về gia đình mình, Long không giấu được những chạnh lòng. Cha mất khi Long mới 11 tuổi, mẹ đi bước nữa, Long có thêm một người em trai. Nhưng cuộc sống khó khăn đã xô đẩy ba mẹ con Long từ Phú Bài (Huế) đến Thành phố Hồ Chí Minh, rồi vào chùa Thịnh Pháp nương nhờ. Sau đó, mấy mẹ con lại trôi dạt về thị xã Đồng Xoài.
Ngày ở chùa Thịnh Pháp, Long được sư thầy trong chùa luyện cho một số “chiêu” đặc biệt như xiếc lửa, nuốt rắn lục xanh… Long thành thật: "Phải kiên trì rèn luyện và cũng phải kiêng cữ nhiều thứ em mới diễn được, không kiêng chết liền."
Gọi là đi bán kẹo kéo, nhưng thực ra Long chỉ đi bán thuê cho chủ xe kẹo kéo, mỗi tháng lấy 1 triệu đồng. Long đã từng đi bán kẹo kéo thuê ở Bình Dương, nhưng thương mẹ sau bao năm oằn lưng bởi gánh nặng mưu sinh nay thường xuyên đau yếu, bệnh tật, Long lại quay về Đồng Xoài.
Cái thị xã nhỏ bé với vài con đường chính, Long chỉ biểu diễn trong khoảng nửa tháng là mọi nguời đã không còn thấy lạ lẫm, ấn tượng với những màn biểu diễn nguy hiểm của Long nữa. Nhưng Long không còn cách nào khác để thay đổi cuộc sống của mình. Cậu tâm sự: “Biết làm sao được, em cũng không được học nghề gì khác, ước gì em có vốn để nấu kẹo kéo, khi đó em sẽ tự nấu để mang đi bán.”
Đã có lúc Long nghĩ sẽ về Bình Dương làm công nhân, nhưng rồi khi nghĩ đến mẹ, Long lại gạt ngay ý nghĩ đó: “Em đi làm xa, mẹ em thường xuyên đau yếu, lấy ai chăm sóc mẹ?”
Màn xiếc lửa của chàng "diễn viên" bán kẹo kéo Phi Long với người dân thị xã Đồng Xoài đã thành quen thuộc, nhưng mấy ai thấu hiểu được tình người trong trò diễn? Với tất cả sự cố gắng, với cái “nghề” đầy khắc nghiệt của mình, Long đã đổ mồ hôi nước mắt để kiếm tiền một cách chân chính.
Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, chàng "diễn viên" nghiệp dư lại nhảy lên chiếc xe đạp cà tàng, rong ruổi đi biểu diễn khắp thị xã Đồng Xoài cho đến tận đêm khuya.
Giá như Long có vốn để tự nấu kẹo kéo... Giá như có một điều kỳ diệu đến với Long... Lòng ngổn ngang bao suy nghĩ, tôi thầm cầu mong điều kỳ diệu nào đó sẽ sớm đến với Long để cuộc sống của mẹ con cậu bớt được những nhọc nhằn./.
Công Phong (TTXVN/Vietnam+)