Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt các mức trước đại dịch vào cuối năm 2022

Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia tỏ ra rất lạc quan về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, với nhu cầu đối với một số sản phẩm như xăng và dầu diesel đang cải thiện đáng kể.
Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt các mức trước đại dịch vào cuối năm 2022 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia, ông Amin H. Nasser ngày 24/1 nhận định nhu cầu dầu mỏ thế giới hiện đang gần các mức trước đại dịch COVID-19 và sẽ phục hồi lên các mức này vào cuối năm 2022.

Phát biểu trước báo giới, ông Nasser cho biết Aramco rất lạc quan về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, với nhu cầu đối với một số sản phẩm như xăng và dầu diesel đang cải thiện đáng kể.

Tuy vậy, nhu cầu về nhiên liệu máy bay vẫn rất yếu rớt giữa lúc hoạt động di chuyển bằng đường không vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.

Aramco hy vọng hoạt động đi lại bằng đường không sẽ sớm phục trong tương lai, qua đó giúp thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu máy bay.

Ông Nasser cho rằng ngành dầu mỏ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đầu tư.

Theo giải thích của CEO Aramco, tình trạng thiếu đầu tư đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành dầu mỏ cũng như hoạt động duy tu, bảo dưỡng các mỏ dầu hiện nay tại các các quốc gia.

Ông Nasser cảnh báo nếu không có sự đầu tư thỏa đáng, lĩnh vực dầu mỏ sẽ rất khó có thể duy trì được đà tăng trưởng được dự báo trước đó.

[OPEC: Nhu cầu dầu tăng mạnh sẽ lấn át mối đe dọa Omicron]

Liên quan đến các cơ hội mà Aramco đang cân nhắc, ông Nasser cho hay tập đoàn năng lượng khổng lồ của Saudi Arabia gần đây đã thực hiện các thỏa thuận phát triển mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt, song tập đoàn cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư khác để tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình.

Theo các số liệu chính thức, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia đã tăng lên hơn 10 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021, so với khoảng 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.

Quốc gia Arab vùng Vịnh này hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới khi chiếm tới 10% nguồn cung dầu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục