Nhu cầu phân bón tăng nhưng nguồn cung dồi dào

Đã vào vụ đông xuân nên nhu cầu phân bón tại phía Bắc cũng bắt đầu tăng; tại phía Nam và Tây Nguyên đang tiếp tục thời kỳ cao điểm.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện đã vào vụ đông xuân nên nhu cầu phân bón tại các tỉnh phía Bắc cũng bắt đầu tăng; tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đang tiếp tục trong thời kỳ cao điểm.

Tuy nhiên, nguồn cung phân bón dồi dào nên giá phân bón tương đối ổn định. Một số địa phương giá và lượng giao dịch có chiều hướng tăng. Giá phân bón trong nước hiện phổ biến ở mức: urê 9.000-10.000 đồng/kg, DAP 13.000-15.000 đồng/kg, NPK 10.000-12.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp thì thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện khá nhiều trên thị trường làm ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như đảm bảo an toàn cho sản xuất của nông dân.

Bộ Công Thương cho biết, sản lượng phân urê tháng 1/2013 đạt 168 nghìn tấn, tăng 1,5%; phân NPK đạt 189,8 nghìn tấn, giảm 40,2% so với tháng 12 năm trước; phân DAP đạt 24,5 nghìn tấn, giảm 2,0%. So với cùng kỳ, sản lượng phân urê tháng 1 tăng 79,1%; phân NPK tăng 57,9%; phân DAP tăng 7,6%.

Cũng theo Bộ Công Thương, lượng phân bón nhập khẩu tháng 1 giảm 41,9% so với cùng kỳ, trong đó phân urê giảm mạnh 68,3%.

Theo dự báo nhu cầu phân bón hóa học cho sản xuất nông nghiệp nước ta năm 2013 cần khoảng 10,3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó có 2,2 triệu tấn phân urê, 850 nghìn tấn SA, 950 nghìn tấn ka li, 900 nghìn tấn DAP, 3,8 triệu tấn NPK và 1,8 triệu tấn lân. Một số loại phân bón như urê, NPK, phân lân… từ năm 2013 trở đi sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu.

Riêng thị trường phân kali, năm 2013, sản xuất nông nghiệp nước ta cần khoảng 950 ngàn tấn và vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng này. Do bị chi phối bởi nguồn nhập khẩu nên giá cả thường không ổn định, vì thế hiện các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch chủ động nhập khẩu đủ nguồn kali phục vụ sản xuất./.

Hằng Trần (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục