Những ẩn ý trong kế hoạch nâng cấp quốc phòng của Nhật Bản

Nhật Bản dự kiến sẽ nâng cấp Izumo thành tàu sân bay, tăng cường mua sắm tiêm kích tàng hình tiên tiến, tên lửa tầm xa. Điều này, cho thấy sự thay đổi trong đường lối quốc phòng của nước này.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B hạ cánh tại căn cứ hải quân Mỹ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản ngày 18/1/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kyodo/Reuters/AFP đưa tin ngày 18/12, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ - bản cương lĩnh định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn trong vòng 5 năm (2019-2023).

Theo các kế hoạch này, Nhật Bản sẽ nâng cấp Izumo thành tàu sân bay, tăng cường mua sắm tiêm kích tàng hình tiên tiến, tên lửa tầm xa và các thiết bị khác.

Hãng tin Kyodo cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy sự thay đổi trong đường lối quốc phòng của Tokyo, còn hãng tin Reuters cho rằng đây là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy tham vọng của Nhật Bản muốn trở thành một cường quốc khu vực để đối phó với các hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc và một nước Nga trỗi dậy đang gây sức ép đối với Mỹ ở khu vực.

Đường hướng mới

Theo Kyodo, chính sách quốc phòng của Nhật Bản dường như đang có sự thay đổi mới khi nước này quyết định sở hữu một tàu sân bay.

Việc sở hữu một tàu sân bay đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi cả ở trong và ngoài Nhật Bản khi xét đến Hiến pháp Hòa bình thời hậu chiến của nước này cũng như chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước đây.

Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này sở hữu thứ được coi là vũ khí tấn công.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe mạo hiểm thực hiện bước đi mới này khi ngày 18/12 thông qua chương trình củng cố quốc phòng mới, trong đó gồm kế hoạch nâng cấp 2 chiến hạm chở trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay để triển khai tiêm kích tàng hình F-35B.

[Hải quân Nhật Bản có nâng cấp tàu khu trục thành tàu sân bay?]

Theo hãng AFP, lâu nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hối thúc Abe mở rộng năng lực phòng vệ. Đáp lại mong muốn này, ngoài việc tích cực mở rộng quan hệ đồng minh với Washington, ông Abe đã vận động sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, lập luận rằng hiến pháp cũ đã "trói tay" các lực lượng phòng vệ của đất nước trong việc bảo vệ các đồng minh của Nhật Bản.

Thế nhưng, giới chức chính phủ đều khó khăn khi chứng minh các chương trình trên không phải là sự thay đổi đường hướng quốc phòng lâu nay của Nhật Bản.

"Tàu Izumo vẫn tiếp tục đóng vai trò là tàu khu trục đa nhiệm. Mô hình hoạt động này vẫn nằm trong phạm vi của chính sách quốc phòng riêng của Nhật Bản," Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya khẳng định.

Nghi ngại

Tuy nhiên, đã xuất hiện những mối nghi ngại về việc liệu kế hoạch này có phục vụ tốt nhất cho các lợi ích quốc gia của Tokyo khi nước này đương đầu với mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc hay không.

Dường như chính phủ Nhật Bản đã tìm cách gạt bỏ những quan ngại rằng nước này đang tìm kiếm những năng lực quốc phòng mới mà có thể vượt quá giới hạn cho phép của hiến pháp, với việc giới chức nước này khẳng định rằng các chiếm hạm Izumo được nâng cấp sẽ không có đủ năng lực để gây ra "sự tàn phá hủy hoại" đối với bất kỳ nước nào khác.

"Biện pháp này là nhằm tái củng cố hệ thống quốc phòng và điều này vẫn nằm trong cấp độ các lực lượng tối thiểu cần thiết mà Nhật Bản được phép sở hữu," người phát ngôn chính phủ Yoshihide Suga tuyên bố tại buổi họp báo.

Tokyo cũng tuyên bố không có ý định điều động liên tục và mọi lúc các tiêm kích trên các tàu Izumo này.

Ngoài ra, tài liệu củng cố quốc phòng mới trên cũng quy định rằng các tàu Izumo, ngay cả sau khi được nâng cấp, sẽ vẫn tham gia vào các sứ mệnh từ tuần tra đến cứu hộ thảm họa quy mô lớn.

Một số chuyên gia quốc phòng cũng khẳng định lại quan điểm của chính phủ khi cho rằng việc nâng cấp Izumo sẽ không thể khiến các chiếm hạm này có khả năng tấn công cao, cho dù mỗi tàu Izumo có thể mang theo khoảng 10 tiêm kích F-35B.

"So với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, có khả năng mang theo 20 tiêm kích, hoặc so với các tàu khu trục của Mỹ có khả năng mang theo 50 chiến đấu cơ, thì chiếm hạm Izumo vẫn là quá nhỏ để được huy động trong các chiến dịch tấn công," Noboru Yamaguchi, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Nhật Bản ở Niigata, nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại chỉ trích những lập luận trên của chính quyền.

"Tàu Izumo được nâng cấp rõ ràng sẽ trở thành một tàu sân bay (vi phạm hiến pháp) vì nó có thể là nơi các máy bay tiêm kích cất cánh tấn công đối phương," Hideki Uemura, giáo sư của trường Đại học Ryutsu Keizai, bình luận.

Tuy nhiên, chuyên gia chuyên về chính trị quốc tế này cho rằng vấn đề quan trọng lúc này là các nước khác nhìn nhận như thế nào về kế hoạch nâng cấp quốc phòng trên của Nhật Bản, và động thái mới này của Tokyo có thể tạo ra cái cớ để Bắc Kinh thực hiện đường lối cứng rắn hơn đối với Nhật Bản.

"Tôi cho rằng việc nâng cấp Izumo không chỉ vô ích đối với các mục tiêu quân sự mà còn chọc giận Trung Quốc," ông Uemura nói.

Kyoji Yanagisawa, cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản, lại bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng kế hoạch triển khai tàu sân bay Izumo được "bật đèn xanh" mà không hề có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về các chức năng và sứ mệnh của tàu.

Vì vậy, Nhật Bản rốt cục sẽ có "những đường băng nổi" trên biển song lại chẳng giúp gì cho bất kỳ sứ mệnh quan trọng nào, kể cả sứ mệnh bảo vệ các đảo xa xôi. "Chỉ tốn tiền," ông Yanagisawa nói.

Đối đầu với Trung Quốc và Nga

"Mỹ vẫn là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, song các nước đối địch đang nổi lên và chúng ta ghi nhận tầm quan trọng của cạnh tranh chiến lược với cả Trung Quốc và Nga khi họ thách thức trật tự khu vực," Thủ tướng Shinzo Abe nhận định khi thông qua đại cương quốc phòng 10 năm.

Theo tài liệu này, Trung Quốc đang triển khai thêm nhiều tàu chiến và chiến đấu cơ tuần tra vùng lãnh hải gần Nhật Bản, trong khi đó, Triều Tiên lại chưa thực hiện cam kết gỡ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.

Chính phủ Abe cho rằng những nỗ lực quốc phòng mới nói trên là cần thiết trong bối cảnh thách thức quốc phòng gia tăng trong khu vực.

Chánh văn phòng Nội các Suga khẳng định: "Chúng tôi sẽ có được cả chất lượng và số lượng về năng lực quốc phòng, vốn cần thiết để đối phó với môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng."

Tàu Izumo. (Nguồn: thediplomat.com)

Kyodo dẫn lời một quan chức nghỉ hưu thuộc lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản cho rằng sự hiện diện của Izumo sẽ giúp nâng cao khả năng phòng vệ của Nhật Bản đối với những hòn đảo ở phía Tây Nam, trong đó có quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Quan chức này nói: "Sự di chuyển của các chiến đấu cơ Nhật Bản sẽ ngày càng trở nên khó đoán định đối với Trung Quốc nếu chúng có thể cất cánh từ các tàu sân bay ở những vùng lãnh hải quanh các đảo phía Tây Nam."

Để thực hiện được kế hoạch trên, Nhật Bản cũng sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng hàng năm, vốn đã liên tục vượt mức 5.000 tỷ yen (45 tỷ USD) trong những năm gần đây. Việc mua sắm tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất cũng tốn kém.

Cả hai chuyên gia Yanagisawa và Uemura đều cảnh báo khả năng các tàu Izumo được nâng cấp sẽ được huy động để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trong tương lai, trong bối cảnh Washington và Tokyo đang tiến tới tăng cường quan hệ đồng minh thông qua một dự luật an ninh của Nhật Bản cho phép mở rộng quy mô các hoạt động của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Đáp lại những động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng Nhật Bản vẫn "ca giọng cũ" và đưa ra "những nhận định nông cạn" về các hoạt động phòng vệ thông thường của Bắc Kinh.

Bà nói: "Những gì Nhật Bản đang làm không giúp cải thiện quan hệ Trung-Nhật, cũng không cải thiện sự ổn định và hòa bình rộng lớn toàn khu vực."

Còn Nga, nước không ngừng thăm dò năng lực quốc phòng không của Tokyo, thì đáp lại rằng Moskva đã thiết lập các doanh trại mới cho binh sỹ của mình đồn trú ở các đảo mà Nga giành lại được từ tay Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Né chiến tranh thương mại với Mỹ

Theo AFP, các kế hoạch quốc phòng trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang chịu sức ép của Mỹ về vấn đề thâm hụt thương mại.

Trong khi đó, Reuters cho rằng các đơn hàng mua F-35 mới của Nhật Bản có thể giúp Tokyo tránh được nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn dọa sẽ áp thuế lên hàng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản, cảm ơn Abe vì đã đặt hàng mua F-35 của Mỹ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina đầu tháng 12 vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục