Những câu chuyện xúc động về tình người trong cơn lũ lớn tại Lào Cai

Những con người chẳng nề hà, chẳng chút suy nghĩ vụ lợi, bỏ qua hiểm nguy rình rập, họ băng mình trong lũ dữ cứu nguy những hành khách, người dân thoát khỏi tử thần trong gang tấc.
Những câu chuyện xúc động về tình người trong cơn lũ lớn tại Lào Cai ảnh 1Hàng tiếp tế được vận chuyển bằng cáp treo qua chiếc cầu đã bị sập đến hai thôn Sủng Hoảng 1, Sủng Hoảng 2. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra sáng 5/8 đã gây ra những hậu quả khủng khiếp cả về người và của đối với bà con nhân dân tỉnh Lào Cai. Con số thiệt hại tiếp tục tăng lên theo từng ngày.

Trước những mất mát của người dân nơi đây, mặc dù là những người xa lạ, nhưng chúng tôi thấy được nhiều câu chuyện thấm đượm nghĩa tình của con người trong lúc hoạn nạn.

Những con người chẳng nề hà, chẳng chút suy nghĩ vụ lợi, bỏ qua hiểm nguy rình rập, họ băng mình trong lũ dữ cứu nguy những hành khách, người dân thoát khỏi tử thần trong gang tấc.

Có mặt tại thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát chúng tôi tìm gặp chị Tẩn Thị Hà, dân tộc Dao, dáng người phụ nữ nhỏ bé, chân yếu tay mềm, ấy vậy mà với những hành khách mắc kẹt trong trận lũ vừa qua trên quốc lộ 4D, chị là một người hùng.

Chị Hà kể lại khoảng hơn 2 giờ sáng trời mưa rất to, tiếng nước chảy qua nhà ào ào, chị giật mình tỉnh dậy, đánh thức em gái rồi lập tức đưa mẹ và các cháu đến chỗ an toàn để tránh lũ.

Trong cơn mưa xối xả, mất điện, trời tối om, quanh nhà tiếng nước suối đổ ầm ầm từ trên khe xuống, chị nghe thấy tiếng người kêu cứu thất thanh.

Ra ngoài lúc này sẽ gặp nguy hiểm vì dòng nước ngày một chảy xiết và theo đó là những tảng đá to lăn dốc xuống ngày một nhiều, nhưng theo phản xạ chị vẫn đi theo tiếng kêu cứu phát ra từ bên trên. Đi được một đoạn, chị thấy anh Vàng Văn Quynh tập tễnh bước đi đang kêu gào thảm thiết gọi tên vợ và hai cô con gái vừa bị dòng nước cuốn trôi. Cứ thế, hai người mải miết tìm người suốt dọc đường, ngoài trời là một màu đen mù mịt không nhìn thấy gì cả, tiếng gọi vang cả rừng núi nhưng kết quả đều vô vọng.

Chị thấy vài chiếc xe ôtô chở khách đang di chuyển theo hướng từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sa Pa đóng kín cửa dừng lại lưng chừng dốc vì không vượt qua được cơn lũ. Dòng nước vẫn cuộn xiết ầm ầm lao từ trên dốc xuống, gặp phải ôtô cản dòng, nước bắn vọt lên ngang kính xe.

Thấy nguy hiểm có thể ập đến với bao nhiêu con người trên xe, chị vội vã tiến tới những chiếc xe khách đập liên hồi gọi tài xế cho khách xuống xe và đưa hành khách về nhà mình và các hộ dân phía dưới trú ẩn. Cùng sự giúp đỡ của một số cán bộ xã Tòng Sành, mọi người đưa được hơn 50 người đến nơi an toàn.

Khó khăn là hai xe dừng gần chỗ nước lũ chảy xuống đường mạnh nhất, mặt đường phía taluy âm bị sụt lở nghiêm trọng. Hai xe có gần 70 hành khách người nước ngoài, họ lo sợ bị nước cuốn trôi nên không dám băng qua đường.

Chị Hà chạy về nhà, lấy dao chặt đứt chiếc ống bơm nước mềm dài mang lên bắc ngang qua đường làm thành đường dây đến cửa xe, rồi mỗi người giữ một đầu để cho họ bám vào di chuyển sang bên kia đường. Cứ thế, người này nối người kia bám cây vượt qua dòng nước lũ di chuyển xuống trạm y tế cách đó gần 1 km tránh lũ. Trời hửng sáng, toàn bộ hành khách trên các xe ôtô đã rời khỏi xe an toàn.

Trò chuyện với chị Hà, tôi biết được thêm nhiều người hùng trong đêm diễn ra cơn lũ kinh hoàng ấy. Đó là những cán bộ xã Tòng Sành đã có mặt kịp thời không quản hiểm nguy trong đêm để tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu cho đoàn khách bị mặc kẹt trên đường.

Tìm gặp anh Chảo Láo Tả, cán bộ tư pháp xã Tòng Sành, anh cho biết đêm hôm ấy mình thức đêm trực phòng chống lụt bão trên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, tầm gần 3 giờ sáng anh nhận được điện thoại, đầu dây bên kia là giọng nói hốt hoảng của anh Vàng Văn Quynh thông báo vợ và hai con gái của mình bị lũ cuốn mất, cần người đến tìm giúp.

Cúp máy, anh liên lạc ngay với một số cán bộ ở xã xuyên đêm cứu người. Vì dòng nước ngày một chảy xiết hơn, có thể trận lũ tiếp theo có thể ập về, đất đá trên đồi có thể sạt xuống.

Không thể bỏ mặc bao nhiêu con người sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, anh tất tả tới các xe yêu cầu mọi người bình tĩnh xuống xe để di chuyển tới nơi an toàn.

Đêm tối, dòng nước vẫn ào ào đổ xuống, nhiều hành khách không quen địa hình, để không ai bị thương vì đá lăn hay trượt ngã, anh và mọi người cẩn thận dìu từng người băng qua nước lũ.

Rạng sáng hôm đó, khi đưa mọi người đến nơi an toàn, mặc dù rất mệt như anh lại tất bật chạy đến các xe ôtô xin mấy thùng nước vác về cho mọi người uống, rồi lại ngược dốc vài km vận chuyển mì tôm, sữa, bánh mì cho mọi người ăn sáng.

Nước rút, anh lại khẩn trương cùng mọi người thu dọn những gốc cây, tảng đá nằm ngổn ngang trên đướờng để các phương tiện đi lại an toàn.

Chị Trần Thị Hà, nữ hộ sinh trạm Y tế xã Tòng Sành chia sẻ với chúng tôi, nhiều hành khách trong đêm hôm ấy hết lời ca ngợi chị Hà, anh Tả không ngại hiểm nguy, tính mạng của mình xả thân cứu người. Nếu không có họ, nhiều người đã phải bỏ mạng trong lũ rồi.

Hình ảnh về trận lũ cướp đi sinh mạng của 20 người cách đây chục năm quét qua xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát một lần nữa được tái hiện. Cơn lũ vừa qua đã quét toàn bộ 16 ngôi nhà, cùng toàn bộ đồ đạc, gia súc… của người dân thôn Sủng Hoảng 2 trong tích tắc.

Cây cầu treo độc đạo bị lũ cuốn trôi, thôn Sủng Hoảng 1, Sủng Hoảng 2 bị cô lập với thế giới bên ngoài. Vào cái đêm hôm ấy, may mà có trưởng thôn Chảo Láo Khờ báo kịp cho người dân chạy đến chỗ an toàn tránh lũ. Chỉ chậm ít phút nữa thôi, mấy chục con người cũng sẽ cuốn trôi theo dòng nước, hết lũ mọi người được trưởng thôn cho di chuyển xuống một số hộ dân ở Sủng Hoảng 1 ở nhờ, chị Chảo Lở Mẩy, thôn Sủng Hoảng 2, vừa gạt nước mắt vừa nói.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chị Mẩy, xa xa thấy dáng Trưởng thôn Chảo Láo Khờ cùng một một số hộ dân vừa trở về từ thôn Sủng Hoảng 2, gương mặt ai cũng đượm buồn, mọi thứ chỉ còn là đống đổ nát. Ông Chảo Láo Khờ rót vội một chén nước uống cho đỡ khát rồi tiếp chuyện chúng tôi.

Khi được hỏi về trận lũ vừa qua, ông nhớ lại: “Sủng Hoảng đã từng xảy ra trận lũ lớn, gây sạt lở và cướp đi nhiều sinh mạng cách đây 7 năm. Vì là nơi nguy hiểm nhất nên trước khi có lũ, tôi được lãnh đạo xã thông báo đầu tiên. Ngay sau khi nhận tin báo, trời tối đen như mực, mưa to, đường trơn, tôi té ngã mấy lần. Lúc đấy, tôi vực dậy, tức tốc lao thật nhanh đến gõ cửa từng hộ dân thông báo lũ cho người dân thoát khỏi thôn."

"Để lên chỗ an toàn nhất phải chạy qua một khe suối nhiều đất, nhiều người trong lúc chạy đất lún bất giác bị ngã. Xung quanh có vài hòn đá, tôi hô hào một vài người tìm kiếm xung quanh xem có cục đá đặt cho dễ bước. Tôi đứng bên bờ khe soi đèn pin cho bà con qua hết xong lúc ấy mình mới thục mạng chạy. Có hơn 50 người đã nhanh chóng vượt qua khe suối, chạy lên ngọn đồi cao nhất và sau đó bị cô lập hoàn toàn trong nhiều giờ. Đến chỗ an toàn chân tay run lẩy bẩy vì chưa hết bàng hoàng, tôi đến từng người động viên để vượt qua những lúc khó khăn như này.”

Theo ông Khờ, khi bà con ổn định, ông kiểm tra, thống kê danh sách người dân trong thôn thì không thấy em Chảo Láo Phiêu, Chảo Láo Tả và bà Chảo Khờ Mẩy. Trong lúc chạy lũ tôi vẫn thấy bà Mẩy và em Tả cầm đèn pin chạy theo. Nhưng chạy theo được một đoạn thì không còn thấy ánh đèn pin, cứ nghĩ họ đã đến được nơi an toàn.

Giá như lúc đó không nhìn thấy họ tôi phải quay lại kiểm tra luôn, giọng ông Khờ lặng xuống ngẹn ngào. Cũng vào chiều 5/8, tin báo về bà Mẩy thôn Láo Sáng do lũ cuốn trôi, tét đầu và bầm dập khắp người.

Đường ra trung tâm xã bị sạt lở nhiều điểm, gần 30 người dân ở đó đã cáng bà Mẩy từ lòng suối vượt hơn 10km ra trạm y tế xã. Người thì dọn đường, người thì đổi nhau cáng, chuyển đến trạm y tế xã ai cũng mệt và oải nhưng trong lòng họ rất vui vì bà còn sống. Tại đây, bà được nhân viên y tế sơ cứu rồi được chuyển lên tuyến huyện.

Khi được hỏi động lực gì đã khiến mình bất chấp nguy hiểm, không nghĩ tới sự an toàn của bản thân để cứu người trong cơn lũ kinh hoàng ấy. Những con người như chị Hà, anh Tả, trưởng thôn Khờ đều rất khiêm tốn cho rằng đó là việc bình thường mình phải làm để giúp đỡ mọi người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục