Những chi phí kinh tế của nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19

Các biện pháp quyết liệt được đưa ra như đóng cửa trường học và các nơi tụ tập đông người khác hy vọng sẽ làm chậm lại tốc độ lây nhiễm virus SAR-CoV-2 nhưng chi phí kinh tế là quá cao.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng World Politics Review ngày 17/3, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước hết là một trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu.

Ngoài ra, bệnh dịch có những ảnh hưởng to lớn về mặt kinh tế, nhấn chìm các thị trường chứng khoán và đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Những cú sốc kinh tế bên ngoài Trung Quốc - nơi dịch bệnh khởi phát, ban đầu khá khiêm tốn, khi giới chức trách các nước tìm mọi cách trấn áp bất kỳ tin tức nào về dịch bệnh. Tuy nhiên, sau đó các nước đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc khiến cho nhiều bộ phận chính của nền kinh tế phải đóng cửa và làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, những cú sốc này đã gia tăng nhanh chóng khi dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới và các quốc gia sử dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn nó.

Giữa cuộc khủng hoảng này, thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu vừa là mầm mống “lây truyền” COVID-19, nhất là các con tàu du lịch và các phương tiện lữ hành khác, vừa là nạn nhân của sự lây lan đó. Các biện pháp quyết liệt được đưa ra như đóng cửa trường học và các nơi tụ tập đông người khác hy vọng sẽ làm chậm lại tốc độ lây nhiễm, nhưng chi phí kinh tế là quá cao.

Do đỉnh điểm của dịch COVID-19 ở Trung Quốc trùng với thời điểm Tết Nguyên Đán, đối với các nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ khác vốn phụ thuộc nhiều vào các hoạt động nhân ngày lễ thì những hậu quả của các biện pháp cách ly là đặc biệt nghiêm trọng. Ngược lại, các khu vực công nghiệp và sản xuất chính thường đóng cửa vào thời điểm Tết Nguyên Đán để cho phép lao động về nhà nghỉ lễ. Vì vậy, sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung có thể ít nghiêm trọng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Tuy nhiên, khi mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trở nên rõ ràng, giới chức trách Trung Quốc đã mở rộng sự hạn chế đi lại và kéo dài thời gian phong tỏa lâu hơn thời gian nghỉ lễ truyền thống. Chuỗi cung toàn cầu nhanh chóng phải gánh chịu các mức độ gián đoạn khác nhau, tùy vào mức độ phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ngành điện tử và xe ôtô đã bị ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ, hãng Hyundai đã phải tạm dừng sản xuất ở Hàn Quốc trong một thời gian vì không có các phụ tùng từ Trung Quốc. Các hãng sản xuất xe hơi khác, bao gồm ở cả Mỹ, cho biết việc thiếu hụt các phụ tùng có thể làm chậm lại hoặc ngừng quá trình sản xuất.

Hãng Apple cũng đang phải đối mặt với gánh nặng gấp đôi, với việc đóng cửa các hoạt động lắp ráp ở Trung Quốc khiến việc sản xuất cũng như bán hàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Tốc độ lây nhiễm các ca mới dường như đang chậm lại ở Trung Quốc và các nhà máy đang bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng hoạt động còn chậm chạp và cần một khoảng thời gian để mọi thứ trở lại bình thường.

Những chi phí kinh tế của nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19 ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 9/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một hậu quả của sự gián đoạn kinh tế là Trung Quốc có thể sẽ không còn khả năng thực hiện các cam kết mua hàng hóa theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà nước này đã ký với Mỹ năm ngoái. Tuy nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh tốt nhất, các mục tiêu mua hàng hóa của thỏa thuận cũng rất phi hiện thực.

Đại dịch COVID-19 ít nhất tạo một cái cớ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tránh được việc tái khởi động cuộc thương chiến.

Italy hiện là quốc gia bên ngoài Trung Quốc có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 và tử vong cao nhất. Với việc đại dịch COVID-19 đe dọa “chôn vùi” hệ thống y tế, Italy đã buộc phải đóng cửa toàn bộ nền kinh tế. Một vài ngày sau đó, Pháp và Tây Ban Nha cũng ra lệnh đóng cửa một số doanh nghiệp, bao gồm các nhà hàng và quán càphê.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 đã tuyên bố rằng châu Âu hiện đang là trung tâm của đại dịch, mặc dù dịch bệnh này vẫn tiếp tục lây lan khắp toàn cầu và trên toàn nước Mỹ. Với những chỉ đạo chậm chạp và không nhất quán từ chính quyền liên bang, có thể nói rằng ít nhất cho đến thời điểm hiện nay các chính quyền địa phương và các tiểu bang cũng như khu vực tư nhân ở Mỹ đang đảm nhận vai trò đi đầu, đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện thể thao lớn và các hoạt động khác. Một số thống đốc bang vừa kêu gọi hay thậm chí yêu cầu đóng cửa các nhà hàng và quán bar.

Dịch vụ lữ hành và du lịch, vốn chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đối với cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đang chịu tác động kinh tế tức thì và nặng nề nhất do đại dịch.

[Chứng khoán phố Wall giảm sâu, sàn NYSE tạm thời đóng cửa từ ngày 23/3]

Mặc dù chậm trễ trong phản ứng ở hầu hết các lĩnh vực khác, nhất là việc xét nghiệm và giám sát sự lây lan của dịch bệnh, Chính quyền Tổng thống Trump lại khá cương quyết trong việc hạn chế đi lại quốc tế, đầu tiên là từ Trung Quốc và sau đó là châu Âu và Anh. Rất nhiều chuyên gia tin rằng thông báo gần đây nhất của ông Trump cấm tất cả các chuyến bay từ châu Âu là quá muộn để có thể phát huy hiệu quả. Nhà Trắng đã nhanh chóng đính chính tuyên bố của ông Trump về lệnh cấm, không bao gồm hạn chế đối với người Mỹ và các giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, dù sao lệnh cấm cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại.

Việc giảm đáng kể hành khách và các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương sẽ làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa đường không và tăng chi phí. Ngay cả khi ngành công nghiệp tàu biển, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và các thành tố khác của các ngành công nghiệp giải trí và du lịch đang hứng chịu "nỗi đau" kinh tế tức thì việc đóng cửa càng mở rộng và càng kéo dài sẽ gây tác động kinh tế càng sâu rộng.

Nhiều người sẽ mất việc làm, một số doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa vĩnh viễn và sự sụt giảm nhu cầu sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Các chính quyền địa phương phụ thuộc vào ngành du lịch hay tổ chức các giải thể thao lớn sẽ mất nguồn thu khi mà họ đang cần tăng cường chi tiêu cho y tế cộng đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kêu gọi Nhà Trắng giảm một số mức thuế đối với việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc như một cách để cung cấp cứu trợ cho người tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu kinh tế. Chính quyền Mỹ đã giảm một số loại thuế đối với một số thiết bị y tế quan trọng từ Trung Quốc, nhưng những quan chức “diều hâu” trong chính sách thương mại như Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng Chính quyền sẽ không xem xét việc giảm thuế rộng rãi hơn. Giảm thuế quan có thể sẽ không hỗ trợ được nhiều trong kích thích nền kinh tế vào thời buổi dịch bệnh, người dân dường như sẽ không đi mua sắm nhiều, ngoài đồ tạp phẩm, nước rửa tay và giấy vệ sinh.

Ưu tiên hiện nay là ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và thực hiện các bước đi để hạn chế tác động kinh tế của nó. Hầu hết các ảnh hưởng về mặt thương mại của dịch bệnh cùng với các hiệu ứng kinh tế rộng lớn hơn có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn, nếu các chính phủ phản ứng một cách hiệu quả.

Đại dịch có thể sẽ đẩy nhanh các nỗ lực mà rất nhiều công ty đang tiến hành để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ít nhất đó là một sự phát triển lành mạnh cho nền kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục