Những dấu ấn nổi bật của ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2020

Năm dấu ấn nổi bật giai đoạn 2016-2020 của ngành Nội vụ là xây dựng thể chế; sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính; cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chia sẻ về hoạt động của ngành Nội vụ trong nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, có 5 lĩnh vực ông cho là dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020. Đó là xây dựng thể chế; sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính; cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện kiểm tra, giám sát.

Thực hiện hiệu quả, bài bản việc sắp xếp bộ máy

Giai đoạn 2016-2020, công tác hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách của Bộ Nội vụ đã đạt được những kết quả nhất định, các văn bản đảm bảo thời gian, chất lượng, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 145 văn bản chính trị và pháp lý quan trọng, tập trung vào công tác tổ chức nhà nước, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực, ngành Nội vụ, nhất là việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Nội vụ trình Quốc hội thông qua 4 Luật gồm: Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Đồng thời, Bộ chủ trì, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền 9 văn bản, đề án; 40 nghị định; 60 thông tư thuộc thẩm quyền và 27 nghị quyết.

Đây là khối lượng xây dựng thể chế rất lớn được Bộ Nội vụ thực hiện trong thời gian qua, nhằm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật trước đây không còn phù hợp, cụ thể hóa nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW), đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả.

“Bộ hoàn thành đúng theo tiến độ giao của Chính phủ với quyết tâm, quyết liệt thực hiện ngày đêm,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế là tổ chức sắp xếp bộ máy của các cơ quan hành chính. Trong nhiều nhiệm kỳ, vấn đề sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng lần này, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc sắp xếp được thực hiện hiệu quả hơn, bài bản hơn.

Dựa trên tinh thần nghị quyết của Đảng và thể chế bằng hệ thống pháp luật, trên cơ sở đó đặt ra các tiêu chí và điều kiện để sắp xếp, xây dựng được vị trí việc làm.

Những dấu ấn nổi bật của ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2020 ảnh 1

Với cách làm trên, tổ chức bộ máy hành chính ở Trung ương đã giảm 12 vụ và tương đương; tăng 7 cục, 2 tổng cục và tương đương.

Ở địa phương, giảm 5 cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giảm 973 phòng, 127 chi cục, 1.179 phòng thuộc chi cục và 12 tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 294 cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập ở cả Trung ương và địa phương đã giảm lên đến con số hàng nghìn. Nổi bật là giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; 24 đơn vị thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ; hơn 3.800 đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương...

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính ở cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ chưa đầy 1 năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp ở 45 tỉnh, giảm được 8 huyện và 557 xã.

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, giảm biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm một cách thực chất, góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước rất lớn.

Đến nay, khối công chức giảm 27.504 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015); khối sự nghiệp giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Có thể nói, đây là một khối lượng công việc rất khổng lồ, để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ này. Sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn được thực hiện nhanh gọn. Việc sắp xếp này đến nay đã đi vào ổn định, qua Đại hội Đảng bộ các cấp không có gì trở ngại đáng kể,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Về công tác cải cách hành chính, theo Tư lệnh ngành Nội vụ, công tác này được thực hiện khá toàn diện trên 6 lĩnh vực: thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; Chính phủ điện tử…

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cải cách hành chính đảm bảo tiến độ theo quy định của Chính phủ.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước...

Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Một điểm nhấn khác được Bộ trưởng Nội vụ nhắc đến là triển khai mạnh việc phân cấp, phân quyền, thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế.

[Ngành Nội vụ: Tinh giản biên chế vượt các mục tiêu đã đề ra]

Có thể khẳng định đây là thời kỳ phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh nhất từ trước đến nay. Nếu như năm 2016, theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ có 5 lĩnh vực được phân cấp, thì đến năm 2020, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Theo đó, đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với các địa phương và giữa địa phương cấp trên phân cấp cho cấp dưới, tập trung vào 10 lĩnh vực: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, vị trí việc làm; thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công; phí và lệ phí; tài sản công…

Những dấu ấn nổi bật của ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2020 ảnh 2Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN)

Nghị quyết 99 đã tạo sự lan tỏa trong các luật khác. “Sắp tới đây, với những luật quản lý chuyên ngành khi sửa đổi, bổ sung cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương về 10 vấn đề này,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.

Dấu ấn cuối cùng được Bộ trưởng Nội vụ nhắc đến, nhưng lại vô cùng quan trọng để đạt được 4 dấu ấn nổi bật trên, đó là tổ chức kiểm tra, giám sát.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra công tác xây dựng thể chế và Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ là tổ trưởng Tổ công tác về công vụ.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ đã tiến hành kiểm tra hoạt động công vụ của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước, tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện chức trách nhiệm vụ; về phòng chống tiêu cực; việc quản lý, sử dụng biên chế, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức; việc tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc tiếp công dân của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

“Qua công tác kiểm tra, giám sát chúng ta mới thực hiện được kết quả trên,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nội vụ cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2016-2020, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu.

Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, mới chỉ tập trung vào việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công tác cải cách hành chính chưa gắn với việc giảm thiểu các quy định về quản lý chuyên ngành, nên việc cắt giảm thủ tục hành chính chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội. Công tác kiểm tra, thanh tra đã có chuyển biến, song việc xử lý, khắc phục sai phạm còn chậm, chưa kiên quyết, quyết liệt.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm đầu triển khai các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngành Nội vụ, Bộ Nội vụ tiếp tục phấn đấu thực hiện cho được những mục tiêu đã đề ra, triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm theo phương châm “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả.”/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục