Những điểm nhấn trong quan hệ đối tác Trung Quốc-Pakistan

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nhấn mạnh "quan hệ quân sự Trung Quốc-Pakistan đóng vai trò là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ hai nước” và mối quan hệ này sẽ sâu sắc hơn nữa.
Những điểm nhấn trong quan hệ đối tác Trung Quốc-Pakistan ảnh 1Pakistan là quốc gia thứ ba mua xe tăng VT-4, sau Thái Lan và Nigeria.( Nguồn: indiatvnews.com)

Tạp chí The Dilplomat ngày 10/7 đăng bài viết của Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược & Công nghệ (CSST) tại Quỹ Nhà quan sát (ORF), về quan hệ đối tác Trung Quốc-Pakistan, nội dung như sau:

Mối quan hệ chiến lược và quân sự Trung Quốc-Pakistan tiếp tục trở nên sâu sắc hơn.

Gần đây, Quân đội Pakistan đã giới thiệu lô xe tăng chiến đấu VT-4 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.

Xe tăng VT-4 - do nhà sản xuất quốc phòng Trung Quốc Norinco chế tạo - được cung cấp cho Pakistan bắt đầu từ tháng 4/2020.

Pakistan là quốc gia thứ ba mua xe tăng VT-4, sau Thái Lan và Nigeria.

Theo Cơ quan truyền thông quân đội Pakistan (ISPR), loại xe tăng chiến đấu VT-4 tương thích với bất kỳ loại xe tăng hiện đại nào trên thế giới, tích hợp lớp giáp bảo vệ tiên tiến, khả năng cơ động, khả năng hỏa lực và được trang bị công nghệ tiên tiến.

Chiếc xe tăng thế hệ thứ ba sẽ được sử dụng "trong vai trò tấn công phủ đầu."

Việc sử dụng xe tăng của Trung Quốc là chỉ dấu khác cho thấy việc tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh môi trường an ninh có nhiều bất ổn ở khu vực.

Tương tự, việc Pakistan sử dụng máy bay chiến đấu không người lái do Trung Quốc sản xuất hoặc máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) chống lại Ấn Độ cũng không thể bỏ qua.

Sau khi được biết với vai trò nhà nhập khẩu máy bay không người lái, Trung Quốc nổi lên như một nhà xuất khẩu lớn UAV dân dụng và quân sự cho một số nước.

Tháng 12, Trung Quốc quảng cáo quyết định bán 50 UCAV Wing Loong II cho Pakistan và khẳng định đó “sẽ là một cơn ác mộng đối với các lực lượng chiến đấu mặt đất của Ấn Độ ở các khu vực tầm cao vì quân đội Ấn Độ không có khả năng đối phó với loại vũ khí mới tiến tiến và hiện đại này.

Nhiều nhà phân tích an ninh, cũng như quân đội Ấn Độ, đánh giá thấp tác động của máy bay chiến đấu không người lái đối với biên giới Ấn Độ-Pakistan hoặc biên giới Trung-Ấn.

Bình luận về việc Trung Quốc bán Wing Loong II, Tư lệnh Không quân Ấn Độ tuyên bố: “Cho dù đó là Tuyến kiểm soát ở Jammu và Kashmir hay Tuyến kiểm soát thực tế ở Ladakh, thì không phận Ấn Độ vẫn được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống radar. Máy bay không người lái có vũ trang sẽ bị bắn hạ nếu chúng vượt qua ranh giới."

Hoạt động mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Pakistan không phải là mới, nhưng việc chuyển giao vũ khí mới nhất là chỉ dấu cho thấy mong muốn tăng cường gắn kết chiến lược của hai bên.

Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thăm Islamabad và hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Quân đội Pakistan.

Trung Quốc kêu gọi can dự chặt chẽ hơn, với mong muốn thúc đẩy quan hệ với Pakistan lên một tầm cao mới, đối phó với nhiều rủi ro và thách thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích an ninh hai nước và bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Việc Trung Quốc-Pakistan tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung cũng là chỉ dấu cho thấy quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa quân đội hai nước.

Gần đây, quân đội hai nước tiến hành một cuộc tập trận chung gần đường Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Tây Tạng.

[Trung Quốc, Pakistan tăng cường hợp tác quốc phòng]

Cuộc diễn tập quân sự chung diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Galwan giữa Ấn Độ và Trung Quốc và tình hình quân sự bế tắc kéo dài ở phía Đông Ladakh.

Nhiều thông tin chi tiết về lực lượng tham gia không được công bố, nhưng Sư đoàn Phòng không 3 của PLA được cho là đã tham gia. Trước đó, PLA và Pakistan đã phối hợp tập trận ở Sargodha của Pakistan.

Tháng 12/2020, Không quân Trung Quốc và Pakistan tham gia cuộc tập trận Shaheen (Đại bàng) IX, tại Sindh.

Cuộc tập trận nhằm “thúc đẩy sự phát triển quan hệ hàng năm Trung Quốc-Pakistan, làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế giữa lực lượng không quân hai nước và nâng cao trình độ huấn luyện thực chiến của hai bên.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói rằng hai nước là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với quan hệ song phương chỉ có thể trở nên tốt hơn trong tương lai.”

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng "quan hệ quân sự Trung Quốc và Pakistan đóng vai trò là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ hai nước.”

Pakistan đã là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ vì một số lý do:

Thứ nhất, Trung Quốc đã gây ác cảm với một số lượng lớn các quốc gia bởi chính sách ngoại giao "Chiến Lang," từ khu vực lân cận ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến châu Âu.

Điều này làm gia tăng tầm quan trọng của một số đối tác thực sự của Trung Quốc, như Pakistan. Ngoài ra, mối quan hệ ngày càng xấu đi với Ấn Độ dẫn đến việc New Delhi trở nên thân thiết hơn với Washington và đồng minh, bao gồm cả Canberra và Tokyo.

Ấn Độ phát triển một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và an ninh bao gồm nhóm Bộ Tứ (QUAD) với Mỹ, Australia và Nhật Bản, và quan hệ đối tác chiến lược ba bên như Ấn-Mỹ-Nhật và Nhật-Ấn-Australia.

Tất cả các quan hệ đối tác mới này rõ ràng được thiết kế để chống lại Trung Quốc, ngay cả khi Ấn Độ miễn cưỡng nói điều đó một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, tất cả những điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Pakistan để chống lại Ấn Độ.

Thứ hai, sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào Pakistan là do tình hình thay đổi ở Afghanistan.

Với kỳ vọng về một cuộc tiếp quản của Taliban, Trung Quốc có nhiều lý do để muốn quan hệ khả thi với Taliban. Trung Quốc rõ ràng đang lo lắng về khả năng lan rộng của các phần tử cực đoan từ Afghanistan đến Tân Cương.

Hiện tại, Taliban dường như đang trấn an Bắc Kinh về ý định của họ đối với vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.

Một quan chức cấp cao của Taliban được cho là đã nói rằng “Chúng tôi quan ngại về hành vi đàn áp người Hồi giáo, cho dù là ở Palestine, ở Myanmar hoặc ở Trung Quốc, và chúng tôi quan ngại về hành vi đàn áp những người không theo đạo Hồi ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Lời hứa của Taliban sẽ không can thiệp vào công việc nội địa của Trung Quốc hẳn là điều xoa dịu Bắc Kinh, nhưng đó là vấn đề mà Trung Quốc không thể bỏ qua.

Thứ ba, với việc Mỹ rút quân đội khỏi Afghanistan, Trung Quốc có thể muốn tiếp cận nhiều hơn đến Trung Á thông qua Afghanistan.

Tất cả những điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được thông qua sự hỗ trợ của Islamabad và các mối liên hệ mà giới chức Pakistan có với Taliban.

Thứ tư, Trung Quốc cũng có thể muốn chứng tỏ lòng trung thành của mình với những nước bạn thân như Pakistan và khả năng duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước khác vào thời điểm quan hệ của nước này với nhiều nước trong khu vực đang gặp khó khăn.

Cuối cùng, tác giả cho rằng, tất cả những điều này cho thấy mối quan hệ chiến lược và quân sự Trung Quốc-Pakistan vốn đã sâu sắc sẽ tiếp tục sâu sắc hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục