Những điểm nổi bật trong chiến lược địa kinh tế của Ấn Độ

Cơ chế kinh tế là một lĩnh vực nghiên cứu bị bỏ quên ở Ấn Độ, phần lớn do quan điểm cho rằng các công cụ kinh tế hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực địa chính trị.
Những điểm nổi bật trong chiến lược địa kinh tế của Ấn Độ ảnh 1Đường phố ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang VIF của Ấn Độ vừa đăng bài bình luận của Tiến sỹ Prerna Gandhi, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Ấn Độ, về những điểm nổi bật trong chiến lược địa kinh tế của quốc gia Nam Á.

Bài viết cho rằng từ thời xa xưa các nhà nước đã sử dụng các công cụ kinh tế để kiểm soát quyền lực chính trị. Do đó, gần đây đã xuất hiện nhiều câu hỏi trên các diễn đàn về sự xuất hiện của một kỷ nguyên địa kinh tế mới trong quan hệ quốc tế.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là minh chứng cho thấy trật tự quốc tế ngày nay thường có được nhờ vào kỹ năng của nước này với tư cách là nhà thực hành địa kinh tế hàng đầu thế giới.

Địa kinh tế là gì?

Nhưng địa kinh tế là gì? Trong khi tồn tại nhiều định nghĩa, địa kinh tế cốt lõi chỉ đơn giản là việc sử dụng các phương tiện kinh tế để đạt được các mục tiêu địa chiến lược.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt với ngoại giao kinh tế là những hành động của chính phủ nhằm tác động đến môi trường kinh tế quốc tế (trái ngược với môi trường địa chính trị).

Các tài liệu về toàn cầu hóa cho rằng giao lưu kinh tế lớn hơn đã tạo ra các mối quan hệ quyền lực phân tán.

[Kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 11% trong tài khóa 2021-2022]

Sự thống trị của chủ nghĩa tự do trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh cũng đã thúc đẩy quan điểm coi trao đổi kinh tế là những tình huống cùng có lợi để ngăn chặn xung đột, trái ngược với sức mạnh quân sự.

Vào đầu thiên niên kỷ mới, khi Mỹ vướng vào cuộc Chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các cường quốc rơi vào dĩ vãng. Do đó, trong gần 1/4 thế kỷ trước, các cường quốc đã tự chấm dứt hội nhập kinh tế, tài chính và công nghệ.

Tuy nhiên, mô hình phi tập trung của các tương tác kinh tế liên quan đến nhiều thực thể quốc gia, tư nhân và xuyên quốc gia đã dẫn đến mạng lưới toàn cầu tập trung như SWIFT, Internet và hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Điều này cho phép các quốc gia có các tổ chức trung tâm tận dụng trung tâm mạng để sử dụng quyền lực.

Hơn nữa, các thỏa thuận kinh tế được thương lượng vì lợi ích an ninh đã leo thang thành xung đột theo đúng nghĩa ngày nay, khi sự bất bình đẳng kinh tế lan rộng làm tăng vai trò của các quốc gia trong lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, các quốc gia cũng sử dụng sự phụ thuộc và tham gia của đối thủ vào hệ thống toàn cầu, ví dụ như trao đổi công nghệ, để tạo ra lợi thế cho chính họ.

Khi chủ nghĩa xét lại trong quan hệ quốc tế một lần nữa ở trên đà phát triển, các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại thường tìm đến các phương tiện địa kinh tế, thường được coi là giải pháp đầu tiên.

Trong khi đó, chiến tranh mạng có sức hấp dẫn đặc biệt giữa các cường quốc xét lại vì bản chất bất đối xứng của các cuộc tấn công mạng địa kinh tế - như chúng ta thấy hiện nay, có thể là một tác nhân nhắm vào một công ty tư nhân - làm hạn chế khả năng phản ứng của các cường quốc hiện nay.

Ngoài hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ thương mại lớn, chiến tranh mạng cung cấp phương tiện để đánh sập các công ty riêng lẻ, phá hoại toàn bộ các ngành kinh tế quốc gia và xâm hại cơ sở hạ tầng cơ bản từ lưới điện đến hệ thống ngân hàng.

Một số ví dụ khác bao gồm việc Nga định kỳ ngừng cung cấp năng lượng cho Ukraine vào mùa Đông để cố gắng đưa Kiev trở lại quỹ đạo của Moskva.

Theo sáng kiến "Vành đai và Con đường," Trung Quốc cung cấp nhiều khoản vay cho các quốc gia đang phát triển hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cộng lại.

Cách tiếp cận địa kinh tế của Trung Quốc thường được hoạt động một cách tinh tế, thông qua việc xây dựng và hỗ trợ các nhóm lợi ích ở các quốc gia có chủ ý, những người hưởng lợi cá nhân từ các khoản đầu tư của nước này. 

Quyền lực địa kinh tế, giống như quyền lực địa chính trị, là một chức năng của các yếu tố cấu trúc nhất định và các lựa chọn chính sách.

Nhiều khi các quốc gia có khả năng dự báo sức mạnh địa chính trị khác nhau, do đó một số đặc điểm cấu trúc nhất định - hoặc những ưu đãi về kinh tế địa lý - có thể định hình mức độ thành công của quốc gia đó trong việc sử dụng các công cụ địa kinh tế.

Những hạn chế của Ấn Độ

Ngày nay, ít nhất về mặt lý thuyết, có 7 công cụ kinh tế phù hợp với ứng dụng địa chính trị, bao gồm chính sách thương mại, đầu tư, trừng phạt kinh tế và tài chính, không gian mạng, viện trợ, chính sách tài chính và tiền tệ, năng lượng và hàng hóa.

Trong khi đó, cơ chế kinh tế là một lĩnh vực nghiên cứu bị bỏ quên ở Ấn Độ, phần lớn do quan điểm cho rằng các công cụ kinh tế hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực địa chính trị.

Điều này xuất phát từ nhận thức hạn chế về tiện ích thương mại (chẳng hạn như xuất khẩu là để trả cho việc nhập khẩu năng lượng lớn).

Ngoài ra, còn có một số yếu tố như chuyên môn hạn chế và khả năng thể chế hạn chế liên quan đến các công cụ địa kinh tế.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng mang tính giáo điều khi theo đuổi lòng nhân từ hơn là đối kháng theo chủ nghĩa hiện thực.

Cũng có lo ngại rằng việc theo đuổi địa kinh tế học sẽ làm mất tác dụng của quá trình hội nhập kinh tế khu vực, đi kèm với những lo ngại về việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế vì đây được coi là tác nhân gây tổn hại cho dân thường.

Do đó, Ấn Độ cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng các công cụ kích thích tích cực, ví dụ gần đây nhất là việc xuất khẩu một lượng lớn vaccine kết hợp với chính sách ngoại giao dựa trên giá trị của mình.

Những nghi ngờ liên quan đến việc các hiệp định thương mại tự do không có khả năng mang lại lợi thế kinh tế hoặc thúc đẩy tăng trưởng cũng ảnh hưởng đến sự cảnh giác của Ấn Độ trong việc sử dụng cách tiếp cận địa kinh tế.

Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của Ấn Độ là do những bất bình thực sự trước việc nền kinh tế nước này ngày càng dễ bị tổn thương trong quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù New Delhi vẫn cam kết đàm phán các hiệp định thương mại khác, nhưng nước này vẫn cần một hướng tiếp cận toàn diện của chính phủ đối với thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ranh giới giữa kinh tế chính trị quốc tế và địa kinh tế thế giới vẫn còn rất nhỏ và cần có cách tiếp cận phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại.

Khi đó, các cuộc đàm phán thương mại của Ấn Độ không thể chỉ giao cho Bộ Thương mại.

Trong nhiều tài liệu, giới học giả đã gợi ý Ấn Độ nên xem xét thành lập văn phòng chuyên đàm phán thương mại quốc tế (tương tự như Đại diện Thương mại Mỹ) để điều phối cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.

Ngoài ra, New Delhi cũng cần phải nhấn mạnh đến an ninh kinh tế trong một phạm vi lớn nằm trong khái niệm về an ninh quốc gia.

Vai trò của thị trường nội địa rộng lớn

Sự bất an của New Delhi, cùng với việc theo đuổi quyền lực ngay cả khi đã 3/4 thế kỷ trôi qua sau ngày độc lập, vẫn là một vấn đề đặc biệt quan trọng nhưng thông thường các quốc gia, giống như các cá nhân, có bản chất là tìm kiếm sự kiểm soát trong một thế giới không chắc chắn và đảm bảo sự tồn tại cũng như cơ hội của họ.

Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu liên quan đến việc xây dựng nhiều kịch bản và các phản ứng về hậu quả sẽ cho phép Ấn Độ có thể phát hiện nhanh hơn khi các quốc gia khác cố gắng sử dụng các chiến thuật địa kinh tế. Một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng thị trường nội địa rộng lớn của nước này có thể được tận dụng trong chính sách ngoại giao quyền lực.

Trên thực tế, nhiều người đã bỏ lỡ một sự thật rằng chính vị trí trung tâm của Ấn Độ như một điểm trung chuyển năng lượng và thương mại giữa người mua và người bán qua Ấn Độ Dương là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Trung Quốc trỗi dậy.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy thêm 4 biến số khác giúp giải thích khả năng của một quốc gia trong việc chuyển thị trường nội địa thành đòn bẩy địa chính trị, đó là khả năng kiểm soát chặt chẽ duy nhất đối với việc tiếp cận thị trường trong nước, khả năng chuyển hướng nhu cầu nhập khẩu trong nước để thực hiện quan điểm địa chính trị, sự đồng thuận thực tế hoặc được nhận thức rằng thị trường nội địa của một quốc gia quá lớn để có thể bỏ qua, và quỹ đạo tăng trưởng.

Cuối cùng, tác giả kết luận rằng, thay vì tư duy vượt trội để đối phó với môi trường bên ngoài đầy thách thức, Ấn Độ cần phải đưa ra những hình thức mới để xác định các vấn đề và cơ hội. Trong đó, khái niệm địa kinh tế, mới hay cũ, vẫn phù hợp với Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục