Những đơn kiện đầu tiên sau khi luật chống Cuba có hiệu lực toàn phần

Công ty du lịch tàu biển Carnival Cruise Lines của Mỹ đã trở thành thực thể đầu tiên bị kiện sau khi Điều 3 Luật Helms-Burton chống Cuba chính thức có hiệu lực toàn phần vào ngày 2/5 vừa qua.
Những đơn kiện đầu tiên sau khi luật chống Cuba có hiệu lực toàn phần ảnh 1Tàu du lịch của Công ty du lịch tàu biển Carnival Cruise Lines. (Nguồn: AFP)

Công ty du lịch tàu biển Carnival Cruise Lines của Mỹ đã trở thành thực thể đầu tiên bị kiện sau khi Điều 3 Luật Helms-Burton chống Cuba chính thức có hiệu lực toàn phần vào ngày 2/5 vừa qua.

Phóng viên TTXVN tại Cuba dẫn các nguồn tin truyền thông cho hay một tòa án liên bang ở Miami, thủ phủ bang Florida, Mỹ, đã tiếp nhận 2 đơn kiện chống lại Carnival Cruise Lines của công dân Javier Garcia Bengochea, công dân Mỹ gốc Cuba, người được xác định là chủ sở hữu của bến cảng tại tỉnh miền Đông Santiago de Cuba.

Ngoài ra, tòa án này cũng tiếp nhận một đơn kiện khác của một công ty mang tên Havana Docks Corporation, doanh nghiệp nhận là “chủ sở hữu hợp pháp của hàng trăm bất động sản thương mại” tại Cảng La Habana.

Cũng trong ngày 2/5, Tập đoàn Dầu khí Mỹ Exxon Mobile cũng nộp đơn lên tòa án liên bang ở thủ đô Washington kiện Tập đoàn thương mại nhà nước Cuba (Cimex) và Công ty dầu mỏ nhà nước Cuba (Cupet). Exxon Mobile tuyên bố có chứng nhận của Ủy ban giải quyết các khiếu nại đòi bồi thường, trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đối với các tài sản bị quốc hữu hóa ở Cuba, bao gồm các nhà máy lọc dầu và các trạm dịch vụ xăng dầu mà hiện tại vẫn đang hoạt động tại Cuba.

Luật Helms-Burton, được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1996, là nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận chống Cuba. Trong đó, Điều 3 cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường.

Dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần. Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày. Từ ngày 4/3, áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Ngày 17/4, Mỹ tuyên bố Điều 3 của Luật Helms-Burton sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5.

Phản ứng trước biện pháp nhằm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ hai nước, Chính phủ Cuba đã liên tiếp bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. La Habana khẳng định điều luật ngoài lãnh thổ trên của Mỹ là bất hợp pháp, vi phạm Luật Quốc tế, không thể thực thi và cũng không có giá trị pháp lý hay hiệu lực tại đảo quốc Caribe.

Trong khi đó, Chính phủ Canada khẳng định sẽ "không công nhận hay thi hành” bất kỳ phán quyết nào được đưa ra theo Điều 3 Luật Helms-Burton của Mỹ ban hành chống lại các hoạt động kinh tế tại Cuba.

Trong thông cáo do Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland công bố, Ottawa phản đối điều luật gây tranh cãi trên của Washington và bác bỏ việc Mỹ áp dụng các điều luật ngoài lãnh thổ đối với quốc gia khác.

Ngoại trưởng Freeland nhắc lại Canada đã thông qua năm 1996 điều luật mang tên Các biện pháp ngoại biên (FEMA) để bảo vệ lợi ích của công dân nước này và ngăn chặn việc công nhận hay thi hành các quyết định tư pháp liên quan đến Luật Helms-Burton tại Canada.

Ngoại trưởng Canada cho biết thêm chính phủ nước này đang phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác quốc tế khác để bảo vệ những hoạt động kinh tế của Canada tại Cuba.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận về việc Mỹ quyết định thực thi toàn phần Luật Helms-Burton. Thủ tướng Canada khẳng định nước này sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Canada đang tiến hành hoạt động thương mại-đầu tư hợp pháp với Cuba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục