Tạp chí eurasiareview ngày 7/1 đăng bài phân tích về triển vọng hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Nội dung như sau:
Quan hệ Trung-Nga ban đầu dường như là sự liên kết thực dụng giữa các đối tác. Tuy nhiên, một số rào cản mang tính cấu trúc- những tính toán về an ninh, kinh tế bất đối xứng, thách thức đầu tư dai dẳng và sự chệch hướng nghiêm trọng về địa chính trị- đã hạn chế hợp tác song phương.
Mối quan hệ Trung-Nga trong lịch sử được đánh dấu bởi các kỷ nguyên hợp tác và đối địch chính trị-quân sự gay gắt kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong những năm gần đây, những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga sau khi sáp nhập Crimea đã khiến nước này hướng về Trung Quốc, khi Moskva tìm cách cân bằng các mối quan hệ đang xấu đi với Washington và Brussels.
Các chính sách trừng phạt Nga của Mỹ cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến cả hai cường quốc xét lại bất bình với Mỹ. Mối ác cảm chung của hai nước này đối với trật tự quốc tế do Mỹ thống trị đã đẩy Bắc Kinh và Moskva vào một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, năng động và thực chất cho một kỷ nguyên mới.
Giữa các lệnh trừng phạt hạn chế của phương Tây, Moskva bắt đầu mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, tập trung vào xuất khẩu thiết bị quốc phòng, làm tăng mức độ thoải mái chưa từng có trong quan hệ Trung-Nga.
Trong khi Trung Quốc có một nền kinh tế đang bùng nổ và đã ghi nhận mức tăng trưởng (mặc dù với tốc độ giảm) ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, thì Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
Trung Quốc ngày nay có lợi thế cạnh tranh về hàng hóa giá trị gia tăng như vũ khí và công nghệ, và đã thay thế Nga trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới.
[Thách thức đối với Liên bang Nga khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu]
Khi Trung Quốc ngày càng trở nên tinh vi và tiến cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị thì sự phụ thuộc của Nga vào chuỗi cung ứng này chắc chắn sẽ tăng lên.
Quan trọng hơn, Bắc Kinh là đối tác thương mại và điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Moskva. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chiếm tới 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, lợi ích kinh tế của Nga trong mối quan hệ này cao hơn nhiều so với Trung Quốc, với những lợi ích chỉ giới hạn ở xuất khẩu dầu lửa và khí đốt và tiếp cận các tuyến vận tải do Nga kiểm soát.
Vị thế toàn cầu suy yếu của Moskva đã cho phép Bắc Kinh đàm phán các thỏa thuận có lợi cho mình. Ví dụ, dự án đường ống Power of Siberia trị giá 400 tỷ USD đã đem lại cho Bắc Kinh một mức chiết khấu và quyền sở hữu một phần cơ sở hạ tầng đường ống.
Hơn nữa, Trung Quốc đã lấp đầy các khoảng trống do việc rút tài chính của phương Tây để lại. Bắc Kinh đang cung cấp các khoản vay trị giá hàng tỷ USD để đổi lấy dầu mỏ và quan hệ đối tác trong các dự án ở Bắc Cực- như dự án Yamal LNG.
Trong bối cảnh những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, Moskva đã tìm thấy một đối tác cần thiết ở Trung Quốc. Bất kỳ thiệt hại nào đối với các mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc có thể ngăn cản Moskva tiếp cận thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của mình và sẽ là một kết cục thảm hại đối với Nga.
Khi sự chênh lệch kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ có thể nắm giữ ảnh hưởng đáng kinh ngạc với tư cách là một bên mua không thể thiếu, khiến Moskva không còn nhiều lựa chọn ngoại giao để bảo vệ lợi ích của mình so với Bắc Kinh.
Kinh nghiệm của Nga trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã không đáp ứng được kỳ vọng của nước này. Thay vì bắt đầu một chương mới trong quan hệ Trung-Nga, các dự án BRI có mức độ rủi ro cao và lợi ích thấp đã không đạt được như cam kết trong bối cảnh nhiều lần bị trì hoãn và hủy bỏ.
Trong số 200 dự án được công bố vào năm 2009, chưa đến 10% thực sự tiến triển. Chỉ có 6 trong số 20 đặc khu kinh tế được thành lập vùng ở Viễn Đông thu hút đầu tư của Trung Quốc, với số vốn chỉ có khoảng 38 triệu USD.
Sự thận trọng về mặt chiến lược của cả các nhà tài chính Nga và Trung Quốc đã ngăn cản Nga đảm bảo các khoản đầu tư. Điều này cho thấy những giới hạn đối với mối quan hệ ấm áp của họ.
Mặc dù Moskva có thể mang lại một số lợi thế chiến lược nhưng đây không thể là một thị trường lớn, một điểm đến đầu tư sinh lời hay mang lại lợi thế về công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc. Thay vì hợp tác thực chất và hữu hình, sự hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc trong khu vực không khác gì hơn là một liên doanh tìm kiếm vị thế.
Bất chấp sự hội tụ chiến lược, Nga và Trung Quốc có những lợi ích quốc gia khác nhau ở các khu vực khác bao gồm Trung và Đông Á, vùng Viễn Đông của Nga, Biển Đông và Bắc Cực. Gần đây, Trung Quốc đã hiệu chỉnh lại động lực quyền lực ở Trung Á.
Bắc Kinh đã cẩn thận tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để mở rộng ảnh hưởng chính trị. Bắc Kinh cũng tăng cường các hoạt động ở Bắc Cực- theo truyền thống là pháo đài chiến lược của Moskva- trong khi Nga tương đối ít tiến vào khu vực Đông Á- sân sau của Trung Quốc.
Tại Biển Đông, áp lực của Trung Quốc nhằm ngừng mọi hoạt động đã làm tổn hại đến lợi ích của Nga, với việc các công ty Nga buộc phải đình chỉ hoạt động khoan thăm dò với Việt Nam. Trong khi đó, sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga, được coi là chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ của nước này, đã trở thành nguồn gốc gây phẫn nộ trong khu vực.
Nga và Trung Quốc cũng không đồng nhất quan điểm về Ấn Độ khi Moskva từ chối yêu cầu của Bắc Kinh về việc ngừng xuất khẩu vũ khí cho New Delhi.
Nga vẫn quan ngại về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến “sự phục hưng dân tộc Trung Hoa” và trở lại thời kỳ Trung cổ huy hoàng, điều có thể khiến cho lợi ích của hai nước này xung đột.
Không một cường quốc nào sẵn sàng thỏa hiệp lợi ích quốc gia cốt lõi và khát vọng quyền lực của mình. Ngoài ra, khi quan hệ Trung-Nga ngày càng đi chệch hướng, sự chênh lệch về khả năng của họ sẽ khiến Moskva phải chịu sự phục tùng.
Phần lớn quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin đến từ hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ và lời hứa khôi phục nước Nga như một cường quốc. Do đó, có vẻ như Moskva sẽ không đồng ý trở thành một đối tác “cơ sở” với vai trò toàn cầu ngoại vi.
Thay vào đó, Moskva sẽ cố gắng cân bằng quyền lực, nếu không muốn nói là thống trị, trong quan hệ đối tác này. Điều này khiến cả hai quốc gia đều sẵn sàng cho một tương lai xích mích.
Những yếu tố này sẽ đặt ra giới hạn đối với hợp tác Trung-Nga. Do đó, mặc dù sức mạnh tổng hợp của họ có thể giống như một cuộc diễn tập hình thành trục trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới đang dần phát triển, nhưng quan hệ song phương rất dễ bị tổn thương bởi những ràng buộc và bất ổn chiến lược./.