Giờ đây, các sản phẩm được làm từ người khuyết tật, yếu thế không còn là các sản phẩm mang giá trị “yêu thương” và được mua hộ. Bởi, chúng đang từng bước khẳng định được chất lượng và sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng để có thể cạnh tranh chiếm thị phần trong thương trường.
Đây là khẳng định được đưa ra tại Chương trình míttinh với chủ đề “Kết nối yêu thương, lan tỏa hạnh phúc” cho nhóm yếu thế là người khuyết tật, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 28/11.
Chia sẻ về điều này, bạn Trần Thị Thuần Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (là một trong 8 đơn vị khuyết tật và yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ) cho biết từ ngày nhận được sự bảo trợ và nguồn vốn hỗ trợ động viên từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hợp tác xã đã mở ra các lớp đào tạo về bán hàng online cho 136 bạn khuyết tật.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại Làng Á vận hội Thể thao Người Khuyết tật
Hiện các bạn đã hoạt động bán hàng trên trang cá nhân của mình và đạt được kết quả rất tốt. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng mở lớp dưỡng sinh spa cho ba nhóm người yếu thế ở Thái Bình, Thái Nguyên và Hà Nội. Trong thời gian tới, các bạn sẽ khai trương các chuỗi cửa hàng của mình tại địa phương. Ngoài ra, chương trình đào tạo đào tạo thàng công cho 5 bạn khiếm thị nắm được tay nghề ở mứcmchuyên nghiệp. Các bạn đã tìm được việc làm với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Thuần chia sẻ hoạt động chính của nhóm vẫn là sản xuất các sản phẩm hữu cơ, chế biến ra những sản phẩm về thảo dược. Do vậy, những khoản vốn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo tiền đề và cơ sở giúp cho Hợp tác xã có kết quả bán hàng rất tốt đồng thời mở rộng thêm vùng nguyên liệu và tạo công ăn việc làm cho các bà con người dân tộc thiểu số. Các sản phẩm của Hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và nhận được nhiều giải thưởng.
“Chúng tôi rất cảm ơn chương trình đã tạo niềm tin, trao yêu thương, tiếp sức ‘lửa’ cho những người yếu thế có thể tự tin nhiều hơn và lan truyền đến các bạn trong cộng đồng cùng tiến bước tự chủ. Từ đó, chúng tôi vững vàng hơn cũng như có động lực lớn để bứt phá ra khỏi vòng luẩn quẩn của chính mình, dám gia nhập thị trường cạnh tranh các thương hiệu lớn và chiếm được thị phần trên thương trường. Giờ đây, sản của người khuyết tật không chỉ còn mang giá trị kêu gọi sự yêu thương và mua hộ,” bạn Thuần nhấn mạnh.
“Vụn Art,” được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật từ những miếng vải vụn bỏ đi do những người khuyết tật tạo ra và đạt đánh giá OCOP 4 sao về hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu.
Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) cho biết năm 2023, cơ sở đã có những kết quả đột phát về doanh thu từ đó duy trì mức thu nhập của người lao động từ 6-8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Vụn Art cũng tạo điều kiện có các bạn khuyết tật sức khỏe yếu những công việc phù hợp với mục tiêu động viên về yếu tố hòa nhập nhiều hơn, bởi đào tạo cho những người kém phát triển trí tuệ là rất khó khăn.
Trong khi đó, cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương (Trưởng Nhóm Thương Thương Handmade Art) đã làm nóng hội trường với những thông tin chia sẻ đầy xúc động. Thương cho biết từ khi có sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhóm Thương Thương Handmade Art đã rất thuận lợi trong việc bán hàng không chỉ ở thị trường trong mà ra cả thị trường quốc tế (như Đức, Pháp, Mỹ, Anh…). Các đối tác nhập khẩu đã rất ưng ý với các các sản phẩm thủ công handmade được tạo ra từ những sợi giấy cắt nhỏ bằng 2cm. Các sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân này nhận được sự trân trọng rất lớn từ khách hàng, bởi mỗi sản phẩm là một minh chứng cho sự tỉ mỉ và công sức của con người.
Đồng tình với các đại diện chia sẻ trước đó, Thương khẳng định các sản phẩm của Thương Thương Handmade Art không còn là sản phẩm của tình thương, mà đã trở thành những sản phẩm đẹp, có hấp dẫn người tiêu dùng và các quyết định mua hàng là đến từ nhu cầu.
“Trong năm qua, chúng tôi nhận được một số vốn đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sử dụng trong hoạt động dạy nghề để tạo thêm cơ hội việc làm cho người yếu thế. Người lao động tại Thương Thương Handmade Art thường là các bạn bị thiếu máu bẩm sinh (đi làm 2 tuần, chạy máu 1 tuần), hay bệnh nhân chạy thận (1 ngày đi làm, 1 ngày đi truyền máu 1 ngày), ngoài ra có một số bạn là người khuyết tật có thể làm cả tháng,” Thương thương cho biết.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chúccác nhóm người khuyết tật và các cá nhân thật mạnh khỏe và nhiều năng lượng tích cực, mạnh mẽ tiến về phía trước để khẳng định được mình, đóng góp cho xã hội, giúp cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng người khuyết tật bớt đi những khó khăn.
“Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng vẫn chưa đủ, bởi vẫn có nhiều người đang gặp khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ góp thêm 'một hạt cát trong đại dương,' chung tay thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước- mang lại sự ấm no hạnh phúc, lan tỏa đi sự yêu thương, sự tử tế trong xã hội Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhóm người khuyết tật. Ngoài việc bảo trợ, giúp cho các nhóm yếu thế, bộ sẽ nghiên cứu các chính sách phù hợp liên quan đến các nhóm người khuyết tật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết sẽ chuyển kiến nghị của các đại diện đến các cơ quan có liên quan xúc tiến những chính sách ưu tiên cho người khuyết tật (như việc thuê đất xây dựng mặt bằng cơ sở sản xuất-kinh doanh…)./.