Những khó khăn của Nhật Bản trong việc tổ chức Thế vận hội

Theo kênh truyền hình NHK, lễ rước đuốc Thế vận hội Tokyo 2020 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang bùng phát tại các địa phương của Nhật Bản.
Những khó khăn của Nhật Bản trong việc tổ chức Thế vận hội ảnh 1Biểu tượng Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kênh truyền hình NHK (Nhật Bản), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những khó khăn trong việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 ngày càng chồng chất vì công tác chuẩn bị của ban tổ chức vẫn chưa có tiến triển, các giải đấu tiền Thế vận hội bị kéo dài, hành trình rước đuốc cũng phải thay đổi so với kế hoạch ban đầu.

Còn khoảng 100 ngày là đến lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 2020. Ban tổ chức Thế vận hội khẳng định sẽ tổ chức các giải đấu tiền Thế vận hội kể từ tháng 4/2021 để đánh giá công tác vận hành, bao gồm cả các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hiện tại đã có ba giải đấu thử nghiệm cho bộ môn bơi lội là bóng nước, nhảy cầu và bơi nghệ thuật đã phải trì hoãn vì không thống nhất được giữa các quốc gia, liên đoàn thể thao về biện pháp cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.

Hành trình rước đuốc Thế vận hội trên các tuyến đường tại tỉnh Osaka kể từ ngày 13/4 đã bị hủy bỏ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở địa phương này.

Các địa phương khác cũng đang xem xét thay đổi kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, các yếu tố như hệ thống y tế chưa được cải thiện, công tác chuẩn bị, bồi dưỡng vận động viên không có nhiều tiến triển khiến dư luận hoài nghi về khả năng tổ chức thành công Thế vận hội trong điều kiện dịch bệnh.

Trong thời gian tới, rất nhiều công việc quan trọng cần được ban tổ chức sớm ra quyết định như xem xét giới hạn số lượng khán giả tại Nhật Bản, sửa đổi sách hướng dẫn về nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19 đối với vận động viên và những người có liên quan.

Trong bối cảnh xuất hiện những quan điểm tiêu cực về khả năng tổ chức Thế vận hội, ban tổ chức đang phải đối mặt với những thách thức cực kỳ lớn, trước hết là tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp nhận phương thức thức tổ chức Thế vận hội một cách an toàn.

Trong một tháng qua, Nhật Bản đã công bố quyết định lựa chọn 56 vận động viên tham dự môn bơi lội và bắn cung. Việc tuyển chọn vận động viên tham dự Thế vận hội tại Nhật Bản đã bắt đầu khởi động lại kể từ tháng 3, trong đó, chỉ riêng bộ môn bơi lội đã có 32 vận động viên nhận được quyết định tham dự Thế vận hội.

Đến thời điểm này, Nhật Bản đã lựa chọn được 173 vận động viên đại diện cho 15 bộ môn thi đấu. Tổng số vận động viên Nhật Bản tham dự 33 môn thi đấu vào khoảng 600 người, do đó, trong thời gian tới, công tác lựa chọn vận động viên sẽ được Nhật Bản gấp rút tiến hành trên cơ sở các giải đấu tham khảo, tuyển chọn vận động viên diễn ra trên toàn quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, việc tuyển chọn vận động viên tham dự Thế vận hội phải thay đổi và linh động hơn, trong đó, vòng loại cuối cùng của môn quyền anh dự kiến tổ chức tại Paris đã bị hủy bỏ, nội dung nhảy cầu của bộ môn bơi lội cũng bị hoãn tổ chức hai tuần, môn bơi marathon cũng phải thay đổi địa điểm khai mạc.

[Thủ đô Tokyo rực sáng, đếm ngược 100 ngày tới Olympic]

Những khó khăn trong công tác phòng chống COVID-19 cũng được đề cập đến khi việc đảm bảo số lượng bác sỹ, y tá tại các địa điểm thi đấu vẫn không có bước tiến triển so với trước đây. Ban tổ chức cho biết sẽ cần khoảng 10.000 chuyên gia y tế tại các địa điểm thi đấu trong suốt thời gian tổ chức Thế vận hội Mùa hè và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic).

Trong một ngày thi đấu, số lượng bác sỹ cần thiết là 300 người, số lượng y tá là 400 người, trong đó, khoảng 100 người phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quá trình điều phối giữa ban tổ chức với các cơ sở y tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và ban tổ chức vẫn đang khẩn trương thảo luận về việc chi trả tiền hợp tác cho các cơ sở y tế, điều chỉnh số ngày phục vụ đại hội thể thao của các y bác sỹ cho phù hợp.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đang thảo luận với các cơ sở y tế về việc sử dụng cơ sở khám chữa bệnh để chăm sóc, theo dõi trong trường hợp vận động viên được xác nhận nhiễm COVID-19 song có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, tăng tần suất xét nghiệm COVID-19 đối với các vận động viên lên ít nhất 4 ngày một lần.

Lễ rước đuốc Thế vận hội Tokyo 2020 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang bùng phát tại các địa phương của Nhật Bản. Tại buổi lễ rước đuốc bắt đầu ở tỉnh Fukushima ngày 25/3, ban tổ chức đã kêu gọi khán giả ủng hộ thông qua chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng internet nhằm ngăn chặn tình trạng tập trung đông người, đồng thời hạn chế các tuyến đường ngọn đuốc Thế vận hội đi qua và yêu cầu các nhân viên phục vụ đảm bảo giãn cách xã hội.

Đến thời điểm này, chưa xuất hiện trường hợp hủy bỏ tuyến đường rước đuốc do tình trạng tập trung đông người, tuy nhiên, thực tế là tình trạng khán giả tập trung đông tại các địa điểm như nhà ga, khu vực đông dân cư khi ngọn đuốc đi qua vẫn đang diễn ra thường xuyên.

Ngoài ra, trong 2 ngày 12 và 13/4, lễ rước đuốc tại Osaka đã phải thay đổi kế hoạch di chuyển trên đường quốc lộ và chuyển sang đường chạy tại công viên kỷ niệm triển lãm Expo 70 mà không có khán giả. Trong thời gian tới, khả năng lễ rước đuốc trên tuyến đường quốc lộ ở các địa phương khác có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp sẽ bị thay đổi giống như trường hợp của Osaka.

Có thể thấy, Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 đang ở thế khó xử và buộc phải đưa ra các giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của người dân về công tác chuẩn bị giải đấu, đồng thời tính toán các biện pháp phòng dịch COVID-19 phù hợp.

Việc đánh giá từng vấn đề phát sinh, chỉ đạo tổ chức thành công được lễ rước đuốc tại các địa phương tại Nhật Bản được coi là nhân tố quan quyết định khả năng Thế vận hội sắp tới có được tổ chức thành công hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục