Những kỳ vọng mới ở môi trường kinh doanh 2010

So với năm 2009, cách nhìn về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2010 đã đổi chiều, hy vọng và tin tưởng lớn hơn lo sợ và nghi ngờ.
So với năm 2009, cách nhìn về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2010 đã đổi chiều, hy vọng và tin tưởng lớn hơn lo sợ và nghi ngờ.

Đa số giới kinh doanh đặt kỳ vọng vào khả năng nền knh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn trong năm 2010.

Tập đoàn đầu tư tài chính, chứng khoán Goldman Sachs của Mỹ còn đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên tới 8,2% trong năm 2010. Con số này vừa được họ điều chỉnh lại hôm 3/12 từ dự báo ban đầu 6,7%.

Chỉ dấu của niềm tin

Ngược lại với tâm lý trên, năm 2009, giới kinh doanh “tỉnh táo” đa phần lo lắng về khả năng trụ vững của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chìm sâu trong khủng hoảng, chỉ một số không nhiều đặt niềm tin vào khả năng sẽ vượt qua được khủng hoảng ngay trong năm 2009.

Và số ít đã đúng! Việt Nam đã làm được điều quan trọng nhất là nền kinh tế đã trụ vững. Thay vì kết quả tăng trưởng GDP âm như nhiều nền kinh tế trong khu vực và quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực đạt được mức tăng GDP 5,32% trong năm 2009.

Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chính các doanh nghiệp và doanh nhân đã vực dậy nền kinh tế Việt Nam bằng sức mạnh nội lực, kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời bằng các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Từ thực tế trên, Việt Nam có thể tin tưởng vào một môi trường kinh doanh sáng sủa hơn trong năm 2010.

Nguyên nhân là do môi trường và điều kiện kinh doanh trước tiên phải phụ thuộc vào sức sống của nền kinh tế, mà sức sống đó đã thấy rõ khi nó vươn mình đứng dậy sau “cơn bão” khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, cơ hội kinh doanh sẽ mở rộng, điều kiện kinh doanh cũng thuận lợi và dễ dàng hơn. Thêm vào đó, không thể không kể đến một thành tố rất quan trọng cấu thành nên môi trường kinh doanh tổng thể là các chính sách vĩ mô của Chính phủ.

Ở vào thời điểm “đáy” của khủng hoảng, Việt Nam đã có nhiều chính sách hợp lý, kịp thời. Các gói kích cầu cứu trợ nền kinh tế đã kích thích thị trường nội địa, kích thích tiềm lực kinh tế tư nhân quyết liệt vượt qua “cơn bão” toàn cầu, nhờ vậy đã kéo dậy sản xuất và kinh doanh trong nước.

Năm 2010, các chính sách để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ hơn đã được Chính phủ lên kế hoạch sẵn sàng.

Trong nhóm 5 giải pháp đã được hoạch định, ưu tiên hàng đầu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các gói cứu trợ vẫn tiếp tục được triển  khai, hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn được duy trì sau khi kết thúc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn.

Chính phủ chủ trương tiếp tục kích thích nền kinh tế thận trọng. Sau đợt điều chỉnh tỷ giá và lãi suất cơ bản được cho là “bạo tay” hồi tháng 11 vừa qua, sức ép mất cân đối cung cầu về ngoại tệ và tín dụng của cả khối doanh nghiệp và ngân hàng đã có chiều hướng giảm.

Bài bản hơn trong chống lạm phát

Sức ép đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 là lạm phát, hệ quả tất yếu từ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để hỗ trợ chống suy giảm kinh tế, dường như đang được Chính phủ can thiệp có “bài bản” hơn.

"Bài bản" là từ mới được nhắc đến gần đây nhất trong nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam. Đã có những thời điểm Việt Nam đối phó với lạm phát theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, không có khả năng dự báo và chuẩn bị các kế hoạch đối phó đồng bộ trước khi nền kinh tế “phát bệnh”.

Vì thế, cùng với những lần điều chỉnh giật cục chính sách tiền tệ, hiệu quả chống lạm phát dường như vẫn ngoài tầm với, lạm phát vẫn tăng ở mức chóng mặt, trong khi đó lại khiến hàng ngàn doanh nghiệp không chịu nổi sức ép bất ngờ, phải phá sản.

Nhưng mấy tháng gần đây, cách thức điều hành được nhiều người trong giới nghiên cứu kinh tế ủng hộ, đó là đã có sự kết hợp khá đồng bộ cả hai công cụ gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Lý do của những lần điều chỉnh chính sách tiền tệ giật cục không đem lại hiệu quả như mong muốn trước đây là do chính sách tài khóa vẫn “cứng nhắc”.

Khi chính sách thắt chặt tín dụng được thực thi quyết liệt nhằm hút một lượng tiền lớn khỏi lưu thông - nguyên nhân khiến lạm phát tăng vọt - thì chính sách tài khóa vẫn “bất động” với chủ trương chi tiêu lớn.

Ngược lại, khi chính sách tiền tệ vội vàng “mở” ra để kích thích doanh nghiệp và thị trường tăng trưởng thì chính sách tài khóa lại vẫn đóng, khiến cho tiền cung ra không được hấp thụ tốt, dẫn tới hiệu quả của các lần điều chỉnh thấp, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.

Trong kế hoạch đối phó với lạm phát năm 2010, đã có sự phối kết hợp tốt hơn giữa công cụ tiền tệ và công cụ tài khóa. Chính sách tài khóa của năm 2010 được cho là có sự “thu” lại nhất định. Nó sẽ hỗ trợ cho các chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt tín dụng, đảm bảo hiệu quả cao hơn.

Nhờ đó, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là chống lạm phát có vẻ như sẽ không còn nhiều gập ghềnh, vất vả như mấy năm qua.

Thách thức

Cùng với việc ý thức cao về tác hại của lạm phát đối với ổn định kinh tế vĩ mô để từ đó có những quyết sách đối phó đúng, người ta cũng thấy Chính phủ đã đánh giá và nhận thức rõ ràng những mối nguy hiểm khác như bội chi ngân sách lớn, nợ nước ngoài tăng, giải ngân vốn ODA chậm, thâm hụt cán cân thương mại chậm được cải thiện, thâm hụt cán cân thanh toán quốc gia.

Đó là những thách thức không nhỏ đối với một nền kinh tế nhỏ và còn có nhiều điểm bất hợp lý về mặt cấu trúc hiện nay.

Về cơ bản, chính sách tài khóa năm 2010 được cho là sẽ ít cởi mở hơn so với năm 2009 nhằm giảm bớt áp lực về bội chi ngân sách và lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, mức bội chi 6,2% GDP mà Quốc hội đã “chốt” (Chính phủ đề nghị mức bội chi 6,5% GDP) vẫn là một mức cao đặc biệt nếu so với con số khoảng 5% GDP của những năm trước đây (không kể năm 2009). Chắc chắn con số này sẽ gây áp lực không nhỏ tới lạm phát và ngân sách quốc gia trong năm 2010.

Tuy nhiên, hi vọng Chính phủ có khả năng quyết định chi tiêu một cách chính xác hơn, hiệu quả hơn, thông qua danh mục chi tiêu và đầu tư công hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Vấn đề nợ nước ngoài vừa bị tác động mạnh từ cú điều chỉnh “bạo tay” với tỷ giá. Con số nợ nước ngoài tính bằng tiền đồng chính thức bị chênh lên từ việc đồng nội tệ mất giá 5% chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn nó đang gây căng thẳng không nhỏ lên từng doanh nghiệp có nợ nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp đã cho biết, chỉ với 5% thay đổi này, số nợ của họ đã tăng lên hàng trăm tỷ đồng. Việc đồng nội tệ mất giá rõ ràng không phải là tín hiệu tốt đẹp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Một căn bệnh nan y khác là thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến việc giải ngân vốn ODA cam kết, trong đó đáng quan ngại nhất là việc triển khai các dự án chậm.

Con số kỷ lục về số lượng ODA cam kết mà Việt Nam đã thông báo tưởng như sẽ làm dịu cơn khát vốn và cơn khát ngoại tệ, vẫn sẽ chỉ ở trên giấy chừng nào công tác giải ngân còn ỳ ạch.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kế hoạch ưu tiên của Chính phủ năm 2010 là cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện thời. Đây là điều được trông đợi không chỉ đối với các dự án ODA mà cả các dự án đầu tư, kinh doanh có nguồn vốn khác.

Nếu thực hiện được điều này, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện một bước đáng kể./.

 Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân (thuộc VCCI) và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục