Những ngày cuối cùng của tộc người không tên

Ở nơi tận cùng Tây Bắc, từ mấy trăm năm nay một nhóm nhỏ người dân tộc vẫn khắc khoải trong hành trình “định vị” tên mình.

Phải hơn nửa ngày trời xuất phát từ trung tâm huyện Tân Uyên vừa đi vừa đẩy xe, cuối cùng chúng tôi mới đặt chân tới Phiêng Giềng, bản trung tâm của xã Tà Mít (huyện Tân Uyên, Lai Châu). Ở nơi tận cùng Tây Bắc này, từ mấy trăm năm nay một nhóm nhỏ người dân tộc vẫn khắc khoải trong hành trình “định vị” tên dân tộc của mình.


Để thực hiện loạt bài Những ngày cuối cùng của tộc người không tên,  nhóm phóng viên Vietnam+ đã bắt đầu hành trình cắt rừng, băng núi vào nơi giữa lưng chừng Tây Bắc khi thông tin chỉ cuối năm nay, hơn 2/3 dân số của xã sẽ phải di cư ra vùng đất mới để nhường nương, ruộng của mình cho hồ thủy điện Bản Chát.

Khi đó, bí mật của tộc người có số phận lạ kỳ này sẽ mãi nằm im miên viễn dưới mực nước hồ…


Kỳ 1: “Lòng chảo” Tà Mít mỏi mòn ngóng ngày xả lũ

Trước khi bắt đầu hành trình từ trung tâm huyện lỵ Tân Uyên vào bản Tà Mít, chúng tôi đã được những người dân địa phương cảnh báo về mức độ kinh hoàng của những cung đường mình sẽ phải đi qua.

Rằng, chỉ cần lệch tay lái một phân, cả xe và người sẽ rơi tõm xuống đáy vực hơn trăm mét phía dưới. Và rằng, sẽ có những lúc, đường đi chỉ còn rộng bằng một tầm bánh xe.

Con đường bị lãng quên


Từ lúc mặt trời chưa ló rạng qua những núi đồi, chúng tôi đã bắt đầu hành trình cắt rừng vào Tà Mít.

Suốt cả một chặng đường dài hơn 40 km, chiếc xe rất hiếm khi hụt hơi lùi về số lớn. Động cơ ầm ì, hục hặc bò lên những triền núi cao. Máy xe nóng ran, phả thẳng vào chân người cầm lái. Chốc chốc, những viên đá tảng to như nửa chiếc bàn lại bất thần từ đâu hiện ra chắn ngang mặt dốc. Đá hằm hè chực ngáng đổ xe, đá lăn lông lốc mỗi lần xe dồn số. Nhìn ngược lại, cả đoạn đường dài trắng xóa đá, bụi và ngoằn ngoèo như một thân con rắn lớn.

Nhìn sang hai bên, chúng tôi thấy rợn người bởi những thung sâu và mép vực hoang vu. Đi mải miết cả nửa ngày, khi tay lái tê dại, chúng tôi mới gặp một thổ dân từ bìa rừng đi xuống.

Khi hỏi thăm về những bản làng quanh đây, người đàn ông dân tộc Dao, tay cầm dao quắm sắc nhọn chỉ đáp lại cộc lốc: “Đi hết rồi.”

- Đi đâu? tôi hỏi.

- Ra nơi tái định cư mới hết rồi, người đàn ông với vẻ mặt cau có, cộc cằn đáp lại.

Cảm giác hoang vu càng lúc càng ngợp hơn. Người bạn ngồi sau xe cứ thỉnh thoảng dướn người lên phía trước, hòng tìm kiếm một bóng người để hỏi thăm đường nhưng mọi cố gắng đều trở nên vô vọng.

Đi xe máy vào bản trung tâm của xã Tà Mít phải mất cả ngày trời, băng qua một nhánh sông thuộc dòng Nậm Mu. Vào mùa mưa lũ, nước chảy xiết, dân bản người Dao và người Mông ở xã trên đã lập cây cầu phao bằng tre bắc qua sông và thu phí mỗi người 50 nghìn đồng…

Con đuờng vào xã, được đầu tư xây dựng từ năm 2004, chỉ là con đuờng cấp phối do không tu sửa nên đã hỏng gần hết, nền đường trơ ra toàn đá tảng. Nếu không tính quãng đường vào Mường Tè đang được tu sửa khẩn trương thì có lẽ đường vào Tà Mít là cung đường gian khó tột bậc của tỉnh Lai Châu, vốn đã được xếp vào hạng “đệ nhất khó khổ Tây Bắc” này.

Một mình nó đã trơ gan gánh chịu gần 6 mùa mưa. Mà mỗi lần mưa, đá hộc, đá cuội trên đường lại bị “bóc vảy”. Có chỗ đá nhô sắc nhọn chỉ chờ xé toang bánh xe của những người khách lạ hay những tay lái cẩu thả đi trên đường rừng.

Xã mỏi mòn chờ nước ngập

Phải vào cuối ngày, chúng tôi mới có thể “chạm ngõ” Phiêng Giường, bản trung tâm của xã Tà Mít. Lúc này, cả bốn mặt núi đồi đã chìm trong màn đêm dày đặc. Nhìn xa xa, chỉ còn thấy những đốm lửa le lói của đồng bào dân tộc ở các bản xa đốt nương xuân.

Lý giải về cung đường tột khó, tột khổ chúng tôi vừa mới đi qua, Chủ tịch xã Tà Mít, ông Lò Văn Lai thanh minh: “Đã hơn 5 năm nay, không có một dự án hạ tầng nào rót về nơi này ngoài khu hành chính trung tâm xã và trường học”. Nguyên nhân chính là do, gần như toàn bộ xã Tà Mít đều nằm trong diện di dân tái định cư phục vụ dự án thủy điện Bản Chát.

Bởi vậy, những công trình mà vị chủ tịch xã người Dao thống kê hầu hết đều đã hư hại, hoặc đang xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng được nữa.

Tiêu biểu nhất, vừa mới năm ngoái, điểm trường kiên cố bằng nhà cấp bốn của bản Sài Lương bị lở núi, làm sập cả một dãy tường gian phía trong. Nhưng để khắc phục, giáo viên và dân bản cũng chỉ dám lợp tạm lại bằng tre nứa…

Nhà văn hóa xã thì mặc dù đã thủng cả tường, vỡ vách, gió lùa thông thống song cũng không được tu sửa lại.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi con đường duy nhất dẫn vào trung tâm bản trở thành nỗi kinh hoàng của những người dưới xuôi lên. Ông Lai cũng cảnh báo, chỉ cần bước vào đầu mùa lũ, cả xã gần như sẽ bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nước dòng Nậm Mu dâng cao, xóa mờ ranh giới giữa đường mòn và vực thẳm. Dân bản, khi có việc phải ra huyện cũng phải giật mình thon thót.

Khó khăn là vậy, nhưng cứ nghĩ đến cảnh, chỉ mươi tháng nữa, cả bản, cả ruộng nương, cả núi đồi, trường lớp sẽ chìm sâu dưới gần trăm mét nước, người dân bản lại không buồn động tay sửa đường.

Ông Chảo Văn Diết, nguyên Chủ tịch xã Tà Mít ngồi lặng thinh nhìn những vệt núi  đồi bốn mặt ngám ngẫm bảo: “Vùng chờ ngập nên đầu tư rồi sẽ mất hết. Dân bản cũng chỉ còn ngóng tới ngày xả lũ.”

Thế nên mới có chuyện lạ lùng là mặc dù vẫn chưa đến thời hạn di dời nhưng không ít hộ trong Phiêng Giường đã “ngừng sản xuất”. Họ chỉ nằm ở nhà, uống rượu suông và mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ.

Chỉ tay vào những khoảnh đất trống chỉ còn trơ móng nhà sàn và lúp xúp nứa bỏ hoang, ông Diết ngậm ngùi bảo: “Nhiều hộ đã bỏ cả nhà, cả ruộng để tranh thủ đi xem trước đất tái định cư ngoài huyện.”

Đấy cũng là lý do chính khiến cho những bản làng dọc đường chúng tôi đã đi qua hoàn toàn vắng bóng người. Nhìn toàn bộ “lòng chảo” Tà Mít đang mỏi mòn trong… cơn khát lũ, chúng tôi chợt chạnh lòng khi nghĩ tới những phận người cô đơn nơi cuối trời Tây Bắc./.

Thông Chí-Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục