Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng vẫn đau đáu nhớ về những người đồng đội đã hy sinh năm xưa, bởi lẽ, phần mộ của nhiều người vẫn chưa được tìm thấy.
Cảm phục và trân trọng sự hy sinh của đồng đội đã trở thành động lực thôi thúc những người lính già lên đường đi tìm đồng đội.
Lật mở trang tư liệu về Thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh Cao Xuân Đại, trú tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng), trào nước mắt khi nhớ về trận chiến khốc liệt Xuân Mậu Thân (1968).
Ông Đại xúc động kể đúng vào thời khắc giao thừa Xuân Mậu Thân, đơn vị ông nhận nhiệm vụ xuất quân tiến đánh vào Thành cổ Quảng Trị.
Rạng sáng mồng 1 Tết, bộ đội ta đã chiếm được Thành cổ. Tuy nhiên, đến khoảng 9 giờ thì lực lượng địch đông hơn gấp bội quân ta với xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ... điên cuồng phản kích.
Ông Đại may mắn còn sống sót sau trận mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng 300 đồng đội cùng tiểu đoàn của ông đã anh dũng hy sinh.
Hơn 22 năm nay, cựu chiến binh Cao Xuân Đại, vẫn một mình lặng lẽ trên hành trình đưa những đồng đội đã hy sinh trở về với gia đình, quê hương.
Người cựu chiến binh này đã tìm đến những cánh rừng, những vùng đất mà trước đây quân giải phóng đóng quân để tìm đồng đội.
Thế nhưng khi đến tìm ở nhiều địa điểm mà đơn vị ông từng chiến đấu, việc tìm hài cốt đồng đội của ông Đại đều vô vọng.
Cho đến một ngày, người cựu chiến binh già đã bật khóc trong hạnh phúc khi ông đã tìm thấy 119 đồng chí của đại đội ông đã hy sinh trong trận đánh Thành cổ Quảng Trị tại Nghĩa trang Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) những ngày cuối tháng 7/1997. Ông đã liên hệ về với gia đình các liệt sỹ, tổ chức cất bốc hài cốt của các đồng đội về quê hương.
Với ông Đại, việc đi tìm hài cốt đồng đội hơn 22 năm qua tuy vất vả và tốn kém, nhưng đó là trách nhiệm ông thấy mình cần phải làm trước những hy sinh vô cùng to lớn của các đồng chí, đồng đội năm xưa.
Trong suốt 22 năm tìm kiếm hài cốt đồng đội ông đã đưa hàng trăm hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang cải táng, trong đó có hơn 200 mộ liệt sỹ được đưa về địa phương. Ông Đại tâm sự ngày nào còn đi được thì ông vẫn tiếp tục tìm và đưa đồng đội mình trở về gia đình, quê hương.
Cũng như cựu chiến binh Cao Xuân Đại, cho đến bây giờ, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, không nhớ hết mình đã đi bao nhiêu chặng đường, gửi bao nhiêu lá thư về cho thân nhân các liệt sỹ, tra cứu bao hồ sơ.
Mỗi khi tìm được đồng đội, ông lại không kìm được những giọt nước mắt khi chứng kiến sự xúc động của thân nhân các liệt sỹ.
Trước đây, vào năm1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Doanh gia nhập đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 471, Quân khu 5, làm chiến sỹ đặc công.
Kháng chiến thắng lợi, trong khi ông và nhiều người may mắn được trở về thì nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường.
Trở về địa phương, được sống trong thanh bình, ông càng thấm thía sự cống hiến và hy sinh của đồng đội mình. Ông luôn trăn trở vì nhiều đồng đội vẫn nằm lại chiến trường xưa. Năm 1990, ông bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt đồng đội cho tới nay.
Tâm sự với chúng tôi về những chuyến băng rừng tìm hài cốt đồng đội, ông Doanh cho biết đa phần đồng đội của ông khi hy sinh đều được an táng trong rừng sâu, bởi vậy cuộc hành trình trở về chiến trường xưa cũng rất khó khăn.
Nhiều lần ông Doanh phải cuốc bộ gần một ngày trời, men theo suối, đánh đu dây qua khe núi để tìm đồng đội. Nhiều hôm phải ở lại trong rừng sâu mấy ngày liền, lương thực mang theo ít, nhiều hôm ông đành nhịn đói.
Tài sản lớn nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông Doanh chính là bản danh sách đồng đội của ông đã hy sinh tại các chiến trường.
Chuẩn bị cho những chuyến đi tìm đồng đội, ông Doanh chia sẻ còn sức khỏe là tôi còn chiến đấu, chiến đấu với những hiểm nguy khó khăn nơi rừng thiêng nước độc để đưa đồng đội về với gia đình, quê hương./.