Chưa hết khổ đau vì ma túy, thời gian gần đây, tình trạng buôn bán người tại các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An lại tiếp tục dồn nhiều gia đình vào cảnh bần cùng.
Thông qua nhiều thủ đoạn lôi kéo, đánh vào tâm lý người nghèo, kém hiểu biết, không ít nữ sinh đã bị các đối tượng buôn người lừa bán sang Trung Quốc, để rồi phải sống kiếp khổ nhục nơi xứ lạ.
Học sinh - tầm ngắm của kẻ buôn người
Trong những ngày tìm hiểu về “xã mồ côi” ở huyện Tương Dương, đương kim chủ tịch xã Lượng Minh - ông Vi Đình Phúc đã nói như “cào vào lòng” với tôi rằng, Lượng Minh không chỉ là điểm nóng về ma túy, mà gần đây còn “nổi tiếng” với nạn buôn bán người!
Thật tiếc, sự nổi tiếng ấy không mang lại tiếng thơm cho người dân nơi đây, mà lại tạo nên những thảm cảnh không thể đau đớn hơn.
Sau khi kể về một số vụ mua bán người đã xảy ra trên địa bàn, ông Phúc buồn bã bảo, cũng vì chật vật với cái nghèo cộng với hạn chế về nhận thức nên nhiều gia đình đã cam tâm để con gái mình theo 'những kẻ lạ mặt’ đi làm ăn xa, những mong đứa con mà họ đứt ruột đẻ ra, lớn lên có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
“Thế mới có chuyện, thầy cô giáo ‘kêu’ học sinh nữ thường xuyên nghỉ học và rời khỏi địa phương không rõ lý do,” ông Phúc thành thật.
Qua câu chuyện với ông Phúc, tôi tiếp tục tìm gặp thầy Hùng - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lượng Minh để hiểu hơn về sự “mất tích” của những đứa trẻ đang tuổi mới lớn. Thầy Hùng tiếp chuyện khá dè dặt, nhưng khi nghe tôi nhắc tới chuyện buôn bán trẻ em, thầy Hùng cũng không thể im lặng.
Theo lời thầy Hùng thì Lượng Minh là một trong những xã nghèo của cả nước, nơi đây 100% trẻ em đang theo học tại các điểm trường đều là người dân tộc thiểu số, có gia cảnh khó khăn. Vì thế, nhiều học trò của thầy không tránh khỏi bị cám dỗ bởi đồng tiền, bị lừa bán sang Trung Quốc.
“Về phía nhà trường, chúng tôi luôn ý thức, có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động các em học sinh và gia đình cảnh giác. Tuy nhiên, vì đời sống của bà con khó khăn quá nên nhiều em bị cuốn vào những lời hứa hẹn hão huyền, rồi bị lừa bán sang biên giới và cứ thế 'mất tích',” thầy Hùng nói.
Hướng đôi mắt về phía cánh rừng sâu ngút ngàn, thầy Hùng tiếp tục câu chuyện với giọng trầm buồn: “Những năm gần đây, các em bỏ học nhiều nhất là học sinh nữ các khối lớp 8, lớp 9, vì ở độ tuổi này các em có thể lao động và bọn xấu chủ yếu lừa gạt những em còn trẻ. Thậm chí, có những em phổng phao một chút, mới lớp 6, lớp 7 cũng bị lừa bán sang Trung Quốc.”
Trường hợp em Kha Thị T, học sinh lớp 6B, Trường Trung học cơ sở Lượng Minh là ví dụ. Vì tin những lời hứa hẹn đổi đời, cô học trò 12 tuổi này đã bị đối tượng người ở địa phương câu kết với người nước ngoài lừa bán sang Trung Quốc. Sau nhiều ngày “bặt vô âm tín,” giữa tháng 11 vừa qua, T mới được lực lượng công an hai nước giải cứu, trao trả cho địa phương.<
[Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi"]
Theo lời thầy Hùng, tôi nhờ một anh giáo viên của Trường Trung học cơ sở Lượng Minh dẫn đến nhà em T, ở bản Chăm Puông để hỏi chuyện. Nhưng, sau cả ngày chờ đợi, tôi vẫn không thể gặp được cô bé.
Hỏi người dân quanh bản mới biết, từ ngày trở về từ bên kia biên giới, T đã vào sống luôn ở trong rẫy để giúp việc gia đình. Cô bé cũng không còn đến trường, mà ở nhà thì sợ tiếp tục bị lừa bán.
Trước đó, một em học sinh khác là La Thị P (14 tuổi) cùng bản Chăm Puông cũng bị các đối tượng buôn bán người lừa sang Trung Quốc với mục đích làm gái mại dâm. Sau một thời gian dài mất tích, mới đây, cô bé đã được lực lượng công an giải cứu, đưa về quê.
Ngoài những trường hợp bị lừa bán đã được phát hiện, tại ngôi trường cấp 2 này, nhiều em học sinh cũng đã bỏ học, rời khỏi địa phương không lý do. Người thì nói rằng các em vào miền Nam làm công nhân, đi làm gái ở các bãi biển, nhưng cũng có người khẳng định các em bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, bị bán vào các động mại dâm…
“Việc ‘mất tích’ của các em học sinh nơi đây càng trở nên khó hiểu khi số lượng học sinh đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như lớp 6 có khoảng hơn 50 học sinh, thì lên đến lớp 9 con số đó chỉ còn khoảng hơn 20 em. Riêng với những em còn học, thì cứ theo hết cấp 2 là nghỉ và các em đi đâu, làm gì không ai biết,” một giáo viên ở Trường Trung học cơ sở Lượng Minh trăn trở.
Muôn kiểu gạ gẫm mua bán người
Theo đánh giá của ngành công an, mặc dù công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã được triển khai quyết liệt cùng với các hoạt động tuyên truyền đến người dân, song hiện nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.
Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân cảnh giác, nhưng tình hình mua bán người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (các cháu gái), hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp.
Kể ra một số vụ điển hình, Trung tá Tú bảo, trong tháng Sáu vừa qua, đơn vị đã tổ chức lực lượng phá thành công chuyên án 615N về “Mua bán người, chiếm đoạt trẻ em,” bước đầu bắt hai đối tượng là Lô Thị Kiều (sinh năm 1982) và Moong Thị Kiều Anh (sinh năm 1994) là người trên địa bàn.
“Theo lời khai, hai đối tượng này đã thỏa thuận với các đối tượng người Trung Quốc, nếu đưa được 3 cháu gái (đang là học sinh) sang thì được số tiền 210 triệu đồng. Thế nhưng, khi đang trên đường đưa các cháu gái sang Trung Quốc thì những đối tượng này đã bị Công an huyện Tương Dương bắt giữ đồng thời cứu 3 cháu gái để trả về gia đình,” Trung tá Tú cho biết.
Trước đó, trong năm 2014, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tương Dương cũng đã lập và phá thành công chuyên án 206B về “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài” bắt hai đối tượng và điều tra làm rõ một vụ, bắt 1 đối tượng phạm tội chiếm đoạt trẻ em (thực chất đây là hai vụ mua bán người).
Thực tế về vấn nạn buôn bán người ở huyện Tương Dương kể trên có thể khiến nhiều người phải sửng sốt, nhưng đó mới chỉ là một phần “tảng băng chìm” của cạm bẫy buôn người mà tôi đã có dịp tìm hiểu trong những ngày cuối tháng 11 ở huyện ở miền miền núi Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.
Theo Thiếu tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, ngoài con số hàng chục phụ nữ và trẻ em “mất tích” chưa rõ lý do, thì từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã triệt phá 4 vụ mua bán phụ nữ và trẻ em đưa sang Trung Quốc. Trong đó, có một vụ, cháu gái bị lừa bán từ lúc 13 tuổi, sau ba năm mới trốn thoát trở về.
Nói về nguyên nhân của vấn nạn buôn bán người, Thiếu tá Lô Văn Thao bảo, vì là huyện biên giới có địa hình đồi núi chia cắt, dân trí của bà con dân bản còn hạn chế, nên các đối tượng thường lợi dụng, lừa phỉnh phụ nữ và trẻ em đem đi bán. Mặt khác, đánh vào tâm lý thích quần áo đẹp, thích điện thoại, đồ trang sức... của nhiều cô gái bản mới lớn, các đối tượng buôn người đã tiếp cận, tỉ tê rủ họ về thành phố làm việc được trả lương cao. Thế là mắc vào cạm bẫy!
Còn theo Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, thông thường các đối tượng mua bán người lấy danh nghĩa tuyển lao động, dùng người địa phương, thậm chí là họ hàng thân thiết để lôi kéo đi làm công ty. Cũng có những đối tượng trước đây là nạn nhân bị lừa bán làm gái mại dâm, nay lấy chồng ở Trung Quốc đã quay về lôi kéo, dụ dỗ người làng.
Đó là chưa kể, nạn nhân bị lừa nhưng ngay lúc đó cũng không biết mình bị bán, nên nhiều vụ án không bắt được đối tượng chính, nạn nhân chưa được giải thoát. Chua chát hơn là, có khi nạn nhân cũng như người thân trong gia đình vì xấu hổ, và vì lỡ nhận một khoản tiền “bán con” lại có quan hệ họ hàng, anh em đối tượng mua bán người nên không tố giác.
Cứ thế, vì đói nghèo, vì dính vào ma túy cộng với hạn chế về nhận thức, nhiều hộ gia đình và trẻ em gái đã bị cuốn theo cám dỗ của đồng tiền. Để rồi, thêm một ngày, bản làng lại vắng đi một bóng hồng bạc phận, nhà trường thì mất đi những cô học trò chưa đến tuổi “trăng tròn”./.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, có trên 85% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Vấn nạn này diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi của các “con buôn” trên 63 tỉnh thành của cả nước.
Làm sao đánh đuổi được các đường dây, tụ điểm ma túy đang ngày diễn biến phức tạp? Làm sao giảm xuống mức thấp nhất số người nghiện, và ngăn chặn cạm bẫy mua bán phụ nữ, trẻ em đang “nở rộ” tại các làng bản nghèo? Tất cả những trăn trở này, đến nay vẫn là một bài toán khó khiến chính quyền cấp ủy các huyện miền Tây xứ Nghệ đau đầu.
Bài 4: Lời giải nào cho “bài toán” ma túy, ngăn chặn cạm bẫy buôn người?