Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi"

“Cơn bão” ma túy từ Lào tràn sang, không chỉ đày đọa cuộc sống của bà con dân bản, mà nó còn khiến cho không ít gia đình phải chịu cảnh chia ly, để lại muôn vàn nỗi đau cho những đứa trẻ mồ côi.
Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi" ảnh 1Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ủy ban nhân dân xã Lượng Minh, hiện nay tại xã này có hơn 80 trẻ mồ côi. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Cơn bão” ma túy từ Lào tràn vào các các huyện miền Tây xứ Nghệ không chỉ khiến những người dân bản hiền lành đổi tính, dính vào cạm bẫy của “ả phù dung” mà nó còn khiến cho hàng trăm gia đình bỗng chốc lâm cảnh chia ly. Không ít người sau một thời gian làm bạn với “cái chết trắng” đã bị sốc thuốc, để lại muôn vàn nỗi đau cho những đứa trẻ mồ côi.

Hệ lụy buồn từ “cơn bão” ma túy

Sau buổi trò chuyện với Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, qua một người bạn giới thiệu, tôi liên lạc với anh Cường - giáo viên dạy thể dục của một trường học trên địa bàn, ngỏ ý nhờ anh dẫn vào xã Lượng Minh, được xem là điểm “nóng ma túy nhất nhì ở miền Tây xứ Nghệ. Đây cũng là nơi có tỷ lệ trẻ mồ côi lớn đến mức người ta gọi là “xã mồ côi.”

Từ bên kia đường dây, thầy giáo Cường đồng ý. Vậy là chúng tôi hẹn điểm gặp, rồi cùng vượt núi.

Trên chiếc xe Honda Win 100, chúng tôi đi qua hàng chục đoạn đường ​gồ ghề quanh sường núi, rồi lội qua hai khe suối nằm sâu dưới những cánh rừng, thi thoảng, thầy giáo Cường lại đánh tiếng: “Nhà báo ôm chắc mình nhé, sắp đến đoạn lầy, đi qua suối, không cẩn thận là anh em ta đổ nhào.”

Cứ như thế, sau gần hai tiếng đồng hồ oằn mình vượt qua quãng đường dài gần 25km, với nhan nhản ​"ổ trâu, ổ voi," chúng tôi cũng đến được “xã mồi côi.”

Thoạt nhìn, hút tầm mắt là bạt ngàn nương ngô, xanh ngút ngàn khiến người khách lạ vốn đang quen với cảnh phố phường đô thị chật hẹp đông đúc, chợt cảm thấy thanh bình, yên ả lạ. ​Tự nhủ, chắc người dân nơi đây cũng thân thiện, no đủ như cảnh vật xứ núi này.

​Thế nhưng, sự thực thì Lượng Minh đang là xã nghèo của cả nước.

[Nóng bỏng ma túy và cạm bẫy buôn bán nữ sinh ở vùng biên xứ Nghệ]

Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi" ảnh 2Con đường đi vào "xã mồ côi." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

​Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lượng Minh, cho hay toàn địa phương hiện có hơn 1.100 hộ dân (với 4.722 nhân khẩu), nhưng có tới gần 70% là hộ nghèo. Cho đến nay, xã 30A này vẫn còn 6/10 bản chưa có điện, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi còn chưa được phủ sóng điện thoại, người dân nhiều bản quanh năm đói nghèo.

Để “cứu” dân, từ nhiều năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lượng Minh luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước, với nhiều khoản hỗ trợ về vốn, gạo, con vật và cây giống. Thế nhưng, đến nay, nhiều hộ dân nơi đây vẫn không thể thoát nghèo, bởi những nguồn hỗ trợ nhận được đã bị “ả phù dung” cướp đoạt.

Tệ hơn là, nhiều gia đình có người thân dính vào ma túy còn tan nát nhà cửa, phụ nữ thì “thi nhau” góa chồng, con trẻ bỗng dưng mồ côi cha mẹ…

“Thành thật mà nói thì Lượng Minh đã trở thành điểm nóng ma túy từ hàng chục năm rồi và hệ quả ma túy gây ra thì đang ngày một lớn. Cũng vì tình hình buôn bán ma túy phức tạp, số lượng con nghiện nhiều nên nạn trộm cắp tài sản trên địa bàn rất phổ biến. Trước đây, an ninh tại các bản rất tốt, còn nay cứ hở ra là mất. Cái gì con nghiện nó cũng trộm, từ con gà, con lợn cho đến thóc gạo, ngô, lúa, xe cộ…,” ông Phúc thở dài nói.

Trong những ngày ở xã Lượng Minh, tôi cũng cảm nhận được những mất mát của đồng bào nơi đây khi có người thân dính vào ma túy. Không ít người vì gia cảnh nghèo khó, buồn chán đã tìm đến “nàng tiên nâu” để giải sầu. Cũng có gia đình, chồng bị nghiện, vợ bỏ lại con thơ cho bố mẹ già, rồi vượt biên sang Trung Quốc ​mà không một thông tin trở về.

Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi" ảnh 3Đìu hiu những bản làng "mồ côi." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nỗi đau…“không ngủ yên”

Sống trong điểm nóng ma túy, những gia đình bỗng chốc tan vỡ vì có người thân là con nghiện, ​hay  những người dân bản hiền lành bỗng chốc biến thành con nghiện, bị sốc thuốc và chết, hoặc phải đi cai nghiện bắt buộc đã trở thành “chuyện thường ​ngày ở huyện.”

Nhưng, nỗi đau mà những đứa trẻ nơi đây đang phải gánh chịu lại không dễ dàng câm lặng chấp nhận.

Nhắc tới những đứa trẻ mồ côi, cô giáo Phan Thị Liên, giáo viên của Trường trung học cơ sở Lượng Minh, cho biết học sinh của cô đa phần là những học trò lanh lợi, ham học nhưng gia cảnh lại quá đỗi éo le. Nhiều em trong số đó là những đứa trẻ mồ côi (mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ) vì hậu quả của ma túy.

Lật dở số liệu thống kê chưa đầy đủ của hai trường trung và tiểu học xã Lượng Minh, cô giáo Liên rầu rĩ bảo, năm học 2015-2016, cả hai trường có hơn 500 học sinh thì có tới gần 100 em là học sinh mồ côi. Đó là chưa kể những đứa trẻ có cha hoặc mẹ tật nguyền, bị điên, mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc... chưa được thống kê kịp để gửi cho nhà báo.

Như để chứng minh cho những nhọc nhằn mà học trò mình đang phải gánh chịu, cô giáo Liên dẫn tôi đến nhà hai chị em mồ côi là Kha Thị Tâm Anh (lớp 3) và Kha Thị Hà Đông (lớp 1) ở bản Lạ. Đó là ngôi nhà sàn cũ nát có vẻ như từ lâu đã không có người ở, bên trong cũng chẳng có bất kỳ vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc giường nát và những chiếc nồi mòn vẹt đế vứt lăn lóc bên bếp củi tàn.

Khuôn mặt bần thần, ông Lô Khăm Uốn (67 tuổi) thi thoảng lại đưa cái điếu cày lên miệng, rít sòng sọc, nhả khói bay che hết khuôn mặt. Ông kể, vài năm trước, người con trai thứ không may bị chết trong lúc đi đào vàng. Sau đó, con dâu cũng phải ra đi vì căn bệnh HIV do một thời gian làm bạn với “cái chết trắng.” Từ đó, ông Uốn lại phải thay con chăm sóc cho hai đứa cháu mồ côi.

Nhìn sang bên cạnh, nhà em Lô Tuấn Anh (13 tuổi) cùng ở bản Lạ cũng có hoàn cảnh éo le chẳng kém. Vì hoàn cảnh khó khăn lại thiếu hiểu biết, mẹ cậu bé đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào đường dây mua bán người, rồi phải đi tù. Tiếp đó, năm 2012, ông bố cũng rời bỏ gia đình đi xa để lấy vợ khác. Từ đó, Tuấn Anh chỉ biết nương tựa vào ông nội Lô Văn Toàn, bị mù một mắt đã ở tuổi 74.

Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi" ảnh 4Cô bé Lương Thị Phương Thảo (áo hồng). (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng chịu cảnh mồ côi, nhưng câu chuyện về em Lương Thị Phương Thảo (8 tuổi) ở bản Xốp Mạt có lẽ sẽ để lại nhiều oan nợ nhất cho những người lầm lạc, dính vào ma túy. Mới học lớp 2, nhưng Thảo đã sớm phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trước khi qua đời vì “cái chết trắng,” ​mẹ của Thảo còn để lại cho cô con gái xinh xắn dòng máu nhiễm HIV, khiến em phải chịu cảnh khổ đau vì bệnh tật.

“Con bé tội nghiệp lắm chú ạ! Từ ngày cha mẹ nó chết vì HIV, nó đến ở với người bác ở cùng bản nhưng hoàn cảnh bần hàn chẳng kém. Thương cháu quá nên tui đã đến xin đón về để chăm sóc. Thế là, hàng tháng, tui lại đi hơn 200km xuống Bệnh viện Nhi ​dưới Vinh lấy thuốc, những mong con bé tiếp tục được sống,” bà Hậu rưng rưng nói.

Sau câu chuyện với bà Hoa, tôi gọi bé Thảo lại "động viên" em cố gắng đến trường học chữ​ và hỏi “​Em ước mơ sau này làm nghề gì?”, cô bé hồn nhiên ​trả lời: “Em muốn trở thành bác sỹ.”

Cũng câu hỏi ấy, cô chị Lan Anh thủ thỉ: “Em muốn luôn được đến trường, cố gắng học giỏi để lớn lên có thể làm bác sỹ chữa bệnh cho em mình!”

Ước mơ của hai đứa trẻ mồ côi chỉ đơn giản là vậy, nhưng lại nhuốm phần trăn trở, khiến chúng tôi không khỏi buồn lòng.

Tưởng như bấy nhiêu nỗi đau trên đã là quá đủ. Vậy mà... Trong những ngày ở xã Lượng Minh, một thầy giáo đã nói với tôi rằng một gia đình “an toàn,” không có người bị nghiện, không dính vào ma túy ở Lượng Minh quả là "của hiếm."

Câu nói chua chát của thầy giáo khiến tôi hiểu hậu quả của ma túy sẽ còn khiến nhiều gia đình nơi đây phải sống trong cảnh bần hàn, khổ đau. Mà người khổ hơn ​cả chính là những đứa trẻ mồ côi tội nghiệp./.

Chưa hết khổ đau vì ma túy, thời gian gần đây, tình trạng buôn bán người tại các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An lại tiếp tục dồn nhiều gia đình vào cảnh bần cùng. Thông qua nhiều thủ đoạn lôi kéo, đánh vào tâm lý người nghèo, kém hiểu biết, không ít nữ sinh đã bị các đối tượng buôn người lừa bán sang Trung Quốc, để rồi phải sống kiếp khổ nhục nơi xứ lạ.

Bài 3: Những nữ sinh "mất tích bí ẩn" và cạm bẫy buôn người tại "xã mồ côi"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục