Những tin đồn về sự “cáo chung” của IS đang thực sự bị phóng đại?

Đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy các tay súng IS đang trỗi dậy trở lại từ các vùng sa mạc xa xôi, như hồi tháng 7/2018 khi chúng thảm sát hơn 200 tín đồ Druze ở Sweida,Syria.
Ảnh tư liệu: Phiến quân Hồi giáo tại Gao, miền bắc Mali, ngày 22/3/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Phiến quân Hồi giáo tại Gao, miền bắc Mali, ngày 22/3/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng asiatimes.com, trong chính trị, cũng như trong cuộc sống, vấn đề cấp bách luôn áp đảo vấn đề quan trọng.

Câu hỏi cấp bách về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày nay đó là số phận của hàng nghìn tay súng nước ngoài đang héo mòn trong lãng quên tại các trại giam tạm thời sẽ ra sao. Các quốc gia là nơi xuất thân của các tay súng này không muốn tiếp nhận họ trở lại.

Một điều không mấy ngạc nhiên đó là lực lượng người Kurd ở Syria - vốn là lực lượng đảm nhiệm phần lớn sứ mệnh chống lại nhóm tà giáo này - đang rất tức giận trước thái độ vô ơn và đe dọa phóng thích các tù nhân IS mà họ giam giữ. Vấn đề này rõ ràng mang tính cấp bách và cần sự chú ý của các bên. Tuy nhiên, thách thức ít mang tính cấp bách hơn - nhưng quan trọng hơn rất nhiều - lại tập trung vào câu hỏi hoàn toàn khác: Liệu có khả năng IS quay trở lại?

Câu trả lời ngắn gọn ở đây là “Có.” Rõ ràng rằng cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” này đã bị đánh bại trên mặt trận quân sự. Tuy nhiên, chiến thắng quân sự hiếm khi được so sánh với các chiến thắng chiến lược khi nhắc tới cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến.

Việc xóa bỏ ý thức hệ thánh chiến bạo lực còn khó hơn rất nhiều việc tiêu diệt các tay súng. Điều quan trọng nhất là các điều kiện chính trị và kinh tế dẫn tới sự trỗi dậy của IS vẫn chưa được giải quyết.

Giới phân tích phương Tây đã sai khi phóng đại tầm nhìn mang tính khải huyền của IS. Chắc chắn rằng, IS đã có sự ám ảnh về ngày tận cùng của thế giới. Tuy nhiên, những kẻ lãnh đạo IS không dành tất cả thời gian để tranh cãi về “thuyết mạt thế” và việc chuẩn bị cho “cuộc chiến cuối cùng” không lý giải tại sao chúng có thể chiếm được nhiều vùng lãnh thổ và giành ảnh hưởng xã hội, kinh tế và chính trị nhanh như vậy. Khi phân tích về các căn nguyên của IS, mấu chốt ở đây không hẳn về tôn giáo mà chủ yếu tập trung vào chính trị.

Về cốt lõi sâu xa, ý thức hệ của IS vẫn luôn dựa trên cảm giác về việc người Hồi giáo Sunni bị tước quyền. Đối mặt với cơn ác mộng mang tính sống còn ở quốc gia của họ, hàng triệu người Sunni ở Iraq và Syria đã trở nên “hướng nội,” tập trung vào thị tộc, bộ lạc và giáo phái của họ để được bảo vệ và sống sót. Sự khao khát về một xã hội Hồi giáo không tưởng chỉ đứng thứ hai sau nhu cầu cấp bách của người Sunni, đó là được tồn tại, bảo vệ và nắm quyền.

[LHQ cảnh báo IS vẫn tham vọng phát triển mạng lưới khủng bố toàn cầu]

Nếu xem xét với tư cách là một dự án xây dựng nhà nước, IS chắc chắn đã thất bại. Tuy nhiên, các bối cảnh tạo ra nó - ở đó người Sunni trở thành nạn nhân và hai nhà nước thất bại (Iraq và Syria) - vẫn còn đó. Trên thực tế, cảm giác về sự phân biệt giáo phái ở cả hai quốc gia này đang trở nên xấu đi.

Các bộ lạc Sunni ở tỉnh Anbar vẫn bị tổn thương sâu sắc và tiếp tục coi nhà nước Iraq là kẻ thù tài trợ cho các tay súng người Shi’ite. Lực lượng an ninh Shi’ite khét tiếng giờ đây là đại diện trong Quốc hội Iraq và triển vọng ngày một xấu đi về cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ đang củng cố ảnh hưởng của Tehran với Baghdad. Không một thực tế nào nêu trên báo hiệu hòa bình, pháp quyền và sự ổn định ở Iraq.

Tại các vùng lãnh thổ của Iraq được giải phóng khỏi tay IS, như Mosul, cộng đồng người Sunni đang hứng chịu vòng xoáy bạo lực được kích động bởi lực lượng an ninh Iraq và các tay súng Shi’ite đang tìm cách trả thù.

Các động lực tương tự cũng xuất hiện tại Syria. Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã củng cố quyền lực nhưng chỉ sau khi đất nước của ông gần tới bờ sụp đổ. Lực lượng của chính phủ Syria giờ đây đang nhắm vào thành trì cuối cùng của các tay súng Hồi giáo Sunni tại Idlib. Chính phủ của ông Assad định nghĩa thành công là “sự tồn tại của chế độ.” Tuy nhiên, việc giành lại Idlib vẫn đồng nghĩa với việc để mất Syria, đặc biệt nếu các bối cảnh tạo ra IS không được giải quyết.

Nếu việc đánh bại các tay súng thánh chiến trên mặt trận quân sự chỉ dẫn tới thêm nhiều đau khổ và hành động cực đoan trong cộng đồng người Sunni, thì đây không hề được coi là chiến thắng mang tính chiến lược.

Trên thực tế, đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy các tay súng IS đang trỗi dậy trở lại từ các vùng sa mạc xa xôi, như hồi tháng 7/2018 khi chúng thảm sát hơn 200 tín đồ Druze ở Sweida, phía Tây Nam Syria.

Rốt cuộc, IS chắc chắn sẽ lợi dụng sự trỗi dậy của cánh hữu cực đoan ở phương Tây. Tất cả các yếu tố này khiến chúng ta có thể kết luận rằng: Những tin đồn về sự “cáo chung” của IS đang thực sự bị phóng đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục