Những tín hiệu trái chiều trong xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ

Khách hàng tại Mỹ của Walmart, phần lớn đến từ các hộ gia đình thu nhập thấp, đang có xu hướng ưu tiên mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu và không còn tha thiết với hàng thời trang hay thể thao.
Những tín hiệu trái chiều trong xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ ảnh 1Người dân mua hàng tại siêu thị ở Oregon, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới đầu tư đang theo dõi kết quả lợi nhuận doanh nghiệp quý 2 để xem nền kinh tế có dấu hiệu trên đà suy thoái hay không. Nhưng cho đến nay, người tiêu dùng đang phát đi những tín hiệu trái chiều, khi nhóm người có thu nhập thấp, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát, có sức mua yếu, trong khi nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao hơn vẫn chi tiền cho du lịch và các mặt hàng giá cao.

“Gã khổng lồ” trong ngành bán lẻ của Mỹ Walmart gần đây vừa đưa ra cảnh báo về triển vọng lợi nhuận. Khách hàng tại Mỹ của Walmart, phần lớn đến từ các hộ gia đình thu nhập thấp, đang có xu hướng ưu tiên mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu và không còn tha thiết với hàng thời trang hay thể thao.

Trong khi đó, doanh thu của “ông lớn” trong ngành hàng xa xỉ LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE lại tăng 19% trong quý 2, chỉ thấp hơn đôi chút so với thời gian trước đó trong năm nay.

Bên cạnh đó, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế Visa cho biết khối lượng giao dịch xuyên biên giới đã tăng 40%, cho thấy sự bùng nổ trong hoạt động đi lại dịp Hè và sự ổn định trong hoạt động tiêu dùng.

[Chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có 40% nguy cơ suy thoái vào năm tới]

Cho đến nay, người tiêu dùng vẫn đang mua hàng, dù giá cả tăng lên, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều này sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa.

McDonald’s cho biết doanh thu trên toàn cầu từ các cửa hàng hiện tại với thời gian vận hành trên một năm đã tăng gần 10%, cao hơn nhiều so với mức tăng dự đoán 6,5%. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính của McDonald’s Kevin Ozan cho biết “ông lớn” này đang cân nhắc có nên bổ sung thêm các thực đơn giảm giá không, trong bối cảnh lạm phát cao, đặc biệt ở châu Âu, đang khiến nhóm khách hàng có thu nhập thấp chỉ ưu tiên mua các sản phẩm giá rẻ.

Trong khi đó, doanh số toàn cầu của Coca-Cola đã tăng 8% trong quý 2 nhờ sự tăng trưởng ở cả các thị trường phát triển và mới nổi, dù giá bán trung bình tăng khoảng 12%.

Ông Garrett Nelson, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, cho rằng kết quả nói trên của Coca-Cola là phép thử với giá trị thương hiệu của công ty này, vì người tiêu dùng vẫn không muốn chuyển sang các loại nước uống tương tự khác, dù giá của Coca-Cola tăng.

Ông Ashish Sinha, giám đốc đầu tư của Unilever, cho biết giá cả hàng hóa đang tăng lên và câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng có thể chấp nhận đà tăng giá này thêm bao lâu nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục