Những yếu tố đẩy nhanh xu hướng phi đô la hóa trên toàn cầu

Ngày nay, xu hướng “phi USD” trên toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét. Đối với các nước và khu vực như Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), “phi USD” là một biện pháp bảo vệ an ninh tài chính.
Những yếu tố đẩy nhanh xu hướng phi đô la hóa trên toàn cầu ảnh 1Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Nga công bố vào ngày 26/4 vừa qua, tỷ trọng đồng USD trong cán cân thanh toán xuất khẩu của Nga trong quý 4/2020 đạt 48,3%, lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 50%.

Trong số đó, thương mại giữa Nga và Trung Quốc là lĩnh vực chủ yếu dẫn tới việc sử dụng đồng USD để thanh toán. Hiện nay, hơn 80% thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng euro.

Tờ Đa chiều cho rằng Nga giảm sử dụng đồng USD để thanh toán chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “phi USD” trên toàn cầu. Do Mỹ lạm dụng bá quyền đồng USD, mức độ tín nhiệm của các nước đối với đồng USD và hệ thống đồng USD không ngừng suy giảm.

Các nước tăng cường xu hướng “phi USD” để bảo vệ an ninh tài chính

Đối với các nước và khu vực như Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), “phi USD” là một biện pháp bảo vệ an ninh tài chính. Mấy năm gần đây, Mỹ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và các biện pháp kinh tế để tấn công đối thủ. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại lớn, nền kinh tế và hệ thống tài chính đều có lần rơi vào hỗn loạn.

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran, đến lượt EU cũng khó vượt qua những trở ngại tài chính do Mỹ thiết lập để duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Sở dĩ các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ có sức mạnh lớn như vậy chủ yếu là do Mỹ đã đi đầu trong việc thiết lập hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và kiểm soát hạ tầng tài chính toàn cầu.

Hơn nữa, đồng USD có vị thế không thể thay thế trong hệ thống thanh toán quốc tế. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson từng nói rằng Mỹ có thể sử dụng hiệu quả (các phương tiện tài chính) vì Mỹ là trục then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu và Mỹ là ngân hàng của toàn thế giới.

[Tiến trình 'phi USD hóa' tăng tốc mạnh mẽ trên toàn cầu]

Nhìn từ góc độ trừng phạt tài chính, hệ thống thanh, quyết toán quốc tế là một phương tiện quan trọng để Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng New York (CHIPS) do Mỹ kiểm soát là hệ thống thanh, quyết toán bằng đồng USD lớn nhất thế giới, đảm nhận hơn 95% nghiệp vụ thanh, quyết toán liên ngân hàng trên thế giới bằng đồng USD và hơn 90% thanh toán giao dịch ngoại hối. Có thể nói chỉ cần sử dụng đồng USD để thanh, quyết toán là gần như có thể sử dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ còn có ảnh hưởng rất lớn đến Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). SWIFT chịu trách nhiệm cung cấp mã giao dịch (SWIFT code) thanh toán xuyên biên giới, là cốt lõi của dịch vụ tài chính xuyên biên giới và thương mại toàn cầu.

SWIFT tuy là một tổ chức tài chính độc lập của châu Âu, nhưng do lệ thuộc vào hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng USD và phải tuân thủ pháp luật các nước, cho nên, thường trở thành “đồng phạm” trong các đòn trừng phạt tài chính do Mỹ tiến hành.

Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống đồng USD, các nước một mặt giảm dự trữ đồng USD, mặt khác bắt đầu xây dựng các hệ thống thanh toán xuyên biên giới dưới sự kiểm soát của họ.

Mặc dù đồng USD có vị thế không thể thay thế trong trong dự trữ tiền tệ quốc tế, nhưng một số quốc gia vẫn cố gắng tăng dự trữ đồng euro, vàng và thậm chí là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đang giảm. Tính đến quý 4/2020, tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu bằng đồng USD đã giảm từ khoảng 71% năm 2000 xuống còn 59,02%, là mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Ngoài ra, nhằm “miễn dịch” về căn bản với các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ. Nga, Trung Quốc và EU đều đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán mà họ tự phát triển. Hệ thống truyền tải thông tin tài chính (SPFS) của Nga đã hợp tác với gần 400 ngân hàng.

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ (CISP) của Trung Quốc đã có 44 ngân hàng trực tiếp tham gia và 1.119 ngân hàng tham gia gián tiếp. Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) của EU đã hoàn thành thương vụ giao dịch đầu tiên với Iran vào ngày 31/3/2020.

Niềm tin vào đồng USD bị "nghi ngờ," nợ Mỹ giảm sức hấp dẫn

Trên thực tế, không chỉ các chính phủ đang thúc đẩy quá trình “phi USD” mà các thị trường vốn cũng đang tiến hành “phi USD” một cách tự phát. Điều này chủ yếu là do đồng USD tiếp tục được phát hành quá mức và nước Mỹ trong tình trạng thâm hụt tài chính nhiều năm, ở một mức độ nào đó thì Mỹ đã không thể mang tới niềm tin đối với đồng USD.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Mỹ đã kích thích nền kinh tế bằng cách in tiền, khiến nợ nần ngày một chồng chất. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy tổng nợ của Mỹ đã tăng từ khoảng 9.000 tỷ USD năm 2008 lên 28.000 tỷ USD. Trong số đó, nợ công là 21.840 tỷ USD, tương đương với quy mô GDP của Mỹ.

Cùng với sự gia tăng nợ nần, ngay cả trong một môi trường lãi suất thấp, gánh nặng đối với những người đóng thuế Mỹ cũng rất nặng nề. Theo nghiên cứu của Ủy ban Thẩm định ngân sách liên bang (CRFB) - một cơ quan chính sách công liên đảng ở Mỹ, trong năm tài chính 2021, Chính phủ liên bang Mỹ sẽ trả chi trả khoảng 300 tỷ USD tiền lãi vay, tương đương mỗi gia đình phải trả hơn 2.400 USD.

Con số này vượt quá chi tiêu của các hộ gia đình bình thường cho các mặt hàng như đồ gia dụng, nhiên liệu, quần áo, giáo dục và thực phẩm.

Văn phòng Trách nhiệm giải trình của chính phủ Mỹ (GAO) dự đoán rằng nếu không hành động, nợ công của Mỹ sẽ gấp đôi GDP vào năm 2048. GAO cảnh báo rằng “lãi suất kép” (được hiểu đơn giản là tái đầu tư lãi, tức là tiền vốn sau khi sinh lời, lãi đó được dồn vào tiền vốn để tiếp tục cho một chu kỳ đầu tư tiếp theo) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoản nợ liên bang đang không ngừng tăng mạnh.

Dự kiến trong năm tài chính 2033, chi phí lãi vay của Chính phủ Mỹ sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD và tới năm 2050, chi phí lãi vay sẽ trở thành hạng mục chi tiêu lớn nhất của Chính phủ Mỹ, đạt 8,9% GDP.

Cùng với việc nợ của Chính phủ Mỹ ngày một nhiều, lãi suất sẽ ngày một tăng và ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng nợ của chính phủ Mỹ không còn bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trung ương thuộc Hội Dân chủ kiến quốc Trung Quốc Mã Quang Viễn tin rằng "khả năng xảy ra một vụ vỡ nợ đáng kể ở Mỹ trong tương lai là gần như 100%."

Theo Ray Dalio, nhà sáng lập Quỹ đầu tư rủi ro lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, Mỹ đang bước tới bờ vực khó khăn. Nợ tăng cao, nhưng không vay nợ nhanh được.

Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những người mua trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất, nhưng tỷ lệ trái phiếu kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ đang giảm dần và đã giảm từ mức cao lịch sử (43,4%) trong quý 2/2011 xuống còn 28,9% vào cuối năm 2020.

Theo ông Dalio, nợ của Mỹ đang nghiêng về cán cân cung vượt cầu, có thể buộc Fed phải tăng lãi suất, hoặc in thêm nhiều tiền và mua nợ, cuối cùng sẽ dẫn đến sự mất giá của đồng USD. Do đó, ông Dalio dự đoán rằng trong tương lai "tài sản phi USD sẽ hấp dẫn hơn tài sản USD."

Sự trỗi dậy của tiền kỹ thuật số làm xói mòn hệ thống đồng USD

Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của tiền kỹ thuật số cũng là một biểu hiện của quá trình “phi USD” một cách tự phát trên thị trường vốn. Tiền kỹ thuật số phi tập trung có thể dễ dàng giao dịch và chuyển khoản xuyên biên giới.

Về mặt nào đó, nó tốt hơn hệ thống thanh toán bằng đồng USD hiện nay, vô hình dung lại có tác dụng “phi USD.” Đồng thời, sản lượng của hầu hết các loại tiền kỹ thuật số đều được cố định, loại bỏ khả năng phát hành lan tràn và khả năng duy trì giá trị tốt hơn so với đồng USD.

Mục đích ban đầu khi thiết kế Bitcoin là nhằm có một "hệ thống tiền điện tử ngang hàng" (A Peer-to-Peer Electronic Cash System) để thay thế tiền truyền thống trong một số trường hợp ứng dụng nhất định.

Có thể nói rằng một lý do nội tại cho sự xuất hiện và tăng trưởng liên tục của tiền kỹ thuật số là cộng đồng quốc tế không còn tin tưởng vào các loại tiền truyền thống như đồng USD. Theo thống kê từ trang web CoinMarketCap, tổng giá trị thị trường của thị trường tiền kỹ thuật số hiện nay đã vượt quá 2.000 tỷ USD.

Xu thế phát triển mạnh mẽ của tiền kỹ thuật số mang tới cơ hội kinh doanh cho các công ty. Vào ngày 18/6/2019, nền tảng xã hội Facebook đã phát hành Sách Trắng về một dự án tiền kỹ thuật số có tên "Libra," thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hy vọng sẽ sử dụng Libra để tạo ra một hệ thống tiền tệ đơn giản, không biên giới và cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính toàn cầu có thể phục vụ hàng tỷ người.

Tuy nhiên, dự án Libra đe dọa hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD và phải chịu sự giám sát của Quốc hội Mỹ. Vào tháng 7/2019, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã tổ chức điều trần trong 2 ngày liên tiếp để chất vấn các nhà quản lý của Facebook.

Nhằm ngăn chặn những "gã khổng lồ" công nghệ như Facebook tham gia vào lĩnh vực tài chính và phát hành tiền kỹ thuật số, các nghĩ sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ thậm chí đã soạn thảo dự luật “Tách các ông lớn công nghệ khỏi lĩnh vực tài chính.”

Mặc dù dự luật này chưa thành luật, nhưng thái độ của Chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn dự án Libra là rất kiên quyết. Với việc PayPal, MasterCard, Visa, eBay và các công ty khác rút khỏi Hiệp hội Libra, tham vọng của Facebook cuối cùng đã bị Chính phủ Mỹ "dập tắt."

Chính phủ Mỹ có thể ngăn chặn các công ty đang cố gắng phát triển tiền kỹ thuật số, nhưng không thể ngăn cản các quốc gia khác phát triển tiền kỹ thuật số. Sự tiện lợi của tiền kỹ thuật số trong lĩnh vực thanh toán và chuyển khoản đã thu hút sự chú ý của các ngân hàng trung ương.

Các nước đua nhau tung ra các loại tiền kỹ thuật số dựa trên tiền pháp định (fiat) của mình. Hiện nay, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã bắt đầu được triển khai thí điểm và EU cũng đã đưa ra đề xuất phát triển đồng euro kỹ thuật số để tăng cường vai trò của đồng euro trong hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu.

Lịch sử đã chứng minh rằng không có đồng tiền nào có thể luôn giữ được vị trí thống trị trong hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng Guilder của Hà Lan và bảng Anh từng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới cũng đã đi vào lịch sử.

Ngày nay, xu hướng “phi USD” trên toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét. Với sự đi xuống tương đối về sức mạnh quốc gia của Mỹ, đồng USD và hệ thống đồng USD cuối cùng sẽ rời khỏi vị trí thống trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục