Cuộc chiến đồng tiền số giữa Mỹ và Trung Quốc: Hạ hồi phân giải!

Cho đến nay, đồng USD vẫn chưa bị thách thức, nhưng các chuyên gia tin rằng đồng đồng tiền này đã bắt đầu bị đe dọa bởi "đồng nhân dân tệ kỹ thuật số."
Cuộc chiến đồng tiền số giữa Mỹ và Trung Quốc: Hạ hồi phân giải! ảnh 1(Nguồn: ledgerinsights.com)

Trong cuộc họp báo đầu tiên từ khi nhậm chức vào ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trên thế giới và sẽ không để Trung Quốc vượt qua trong nhiệm kỳ của ông.

Sau đó khoảng 1 tuần, ông Biden đã phác thảo kế hoạch trị giá 2.300 tỷ USD cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ thông qua đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc làm, nhằm giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy trong lĩnh vực quan trọng là tiền số, Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg và tờ Nhật báo phố Wall đã nhiều lần đăng bài chỉ rõ Mỹ phải cảnh tỉnh nếu không sẽ khó đuổi kịp Trung Quốc và hậu quả gánh chịu thậm chí còn lớn hơn cả việc Mỹ bại trận ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc).

Trên phương diện tiền tệ truyền thống, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng USD trở thành đồng tiền chủ chốt trên thị trường tài chính quốc tế, luôn là đồng tiền mạnh nhất toàn cầu và là một trong những đồng tiền quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của các nước.

Đại đa số giao dịch thương mại toàn cầu cũng sử dụng đồng USD. Vị thế quốc tế của đồng bạc xanh phản ánh vị thế toàn cầu của Mỹ, vì vậy nếu vị thế của đồng USD bị tổn hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới địa vị bá chủ của Mỹ.

Cho đến nay, đồng USD vẫn chưa bị thách thức, nhưng các chuyên gia tin rằng đồng đồng tiền này đã bắt đầu bị đe dọa bởi "đồng nhân dân tệ kỹ thuật số."

[Tiền kỹ thuật số: Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc đua]

Đồng tiền kỹ thuật số này không phải là tiền giấy hay tiền xu mà là một loại mã máy tính. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số giống như đồng Bitcoin lưu hành mấy năm gần đây, nhưng so với đồng Bitcoin có biến động lớn, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) phát hành và giám sát, quản lý cho nên an toàn và ổn định hơn.

Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại 5 thành phố. Ví dụ, PBoC đã phát hành 10 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số ở Thâm Quyến vào tháng 10/2020, 20 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số ở Tô Châu vào tháng 12/2020 và 1,5 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số làm tiền lì xì trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay.

Gần đây nhất là vào cuối tháng 2/2021, PBoC đã phát hành 6 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số ở Thành Đô.

Theo những người được chọn để phân phối đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, họ chỉ cần sử dụng điện thoại di động tải xuống một ứng dụng và mã QR liên quan là có thể dùng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán mua hàng.

Phương thức thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số giống như thanh toán qua WeChat và Alipay, hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhờ đó, đồng tiền số trở thành công cụ mới để chính phủ giám sát người dân như giám sát dòng tiền, việc chuyển tiền và hành vi rửa tiền…, mà không ai có chút nghi ngờ nào.

Tới nay, Bắc Kinh không cho biết khi nào đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được phát hành trên diện rộng, thay thế hoàn toàn tiền giấy và tiền xu. Việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ở diện rộng hơn nữa là xu hướng tất yếu.

Một trong những kế hoạch là Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội mùa đông vào tháng 2/2022 và khi đó, tất cả các vận động viên cũng như khách du lịch sẽ có thể sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán mua sắm.

Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy và thịnh vượng của Trung Quốc. Trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của công nghệ tài chính Trung Quốc.

Ngoài ra, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng được quốc tế hóa. PBoC bắt đầu thảo luận với Cục Giám sát quản lý tài chính tiền tệ Hong Kong để thúc đẩy việc thanh toán đồng nhân dân tệ kỹ thuật số xuyên biên giới.

Vào tháng 2 vừa qua, Trung Quốc và nước Cộng hòa Mauritius (đảo quốc nằm ở Tây Nam Ấn Độ Dương) đã đạt được thỏa thuận rằng Trung Quốc sẽ phụ trách thiết kế một loại tiền kỹ thuật số cung cấp cho tất cả khách du lịch địa phương sử dụng và thống nhất thanh toán cho tất cả các khoản chi tiêu liên quan tới du lịch.

Cạnh tranh công nghệ thế hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là yếu tố quyết định xem ai có thể thống trị thế giới. Với vai trò là một mắt xích quan trọng của công nghệ tài chính, tiền tệ kỹ thuật số cũng trở thành tâm điểm của sự cạnh tranh.

Vào tháng 3 vừa qua, The Economist (Anh) đã đăng bài phân tích chỉ rõ tiền kỹ thuật số là tiền tệ của tương lai. Tờ báo còn dẫn lời nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu tiền kỹ thuật số thuộc PBoC Diêu Khiêm nói rằng tiền kỹ thuật số sẽ là cuộc chiến tranh quốc tế tiếp theo.

Trung Quốc coi đồng tiền kỹ thuật số là tâm điểm của cuộc chiến, nhưng Mỹ lại không có sự chuẩn bị. Năm ngoái, Facebook có kế hoạch tung ra đồng tiền kỹ thuật số Libra.

Khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đều phản đối, không chỉ ngăn cản mà Quốc hội còn muốn điều tra Facebook xem liệu đồng tiền kỹ thuật số có vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng hay không và liệu chúng có gây ra mối đe dọa đối với đồng USD hay không.

Khi bị giới truyền thông chất vấn về " đồng USD kỹ thuật số” vào ngày 23/2/2021, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng đồng tiền này an toàn và tiện lợi, vì vậy nó "đáng để nghiên cứu."

Nói cách khác, Mỹ vẫn chưa nghiên cứu về tiền kỹ thuật số. Trong phần trả lời, bà Yellen còn tiết lộ đã yêu cầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Boston phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts để tiến hành các nghiên cứu liên quan.

Theo tờ Tin tức Thế giới, phát biểu của bà Yellen cho thấy điểm khởi đầu trong nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Biden là liệu tiền kỹ thuật số có tốt cho người Mỹ hay không và không liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh công nghệ tài chính.

Một ngày sau phát biểu của bà Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh tiền kỹ thuật số rất quan trọng, cần phải phát triển. Phát biểu của 2 người đứng đầu ngành tài chính, ngân hàng Mỹ được nhìn nhận là dấu hiệu mang tính lịch sử cho việc Mỹ tiến quân vào “đồng USD kỹ thuật số.”

Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc về tiền kỹ thuật số và tình hình rất giống với mạng 5G. Mỹ chìm đắm trong việc dẫn đầu mạng 4G và không nhận ra rằng kỷ nguyên 5G nhất định sẽ đến, tới khi chính quyền ông Trump phát động chiến tranh công nghệ với Trung Quốc thì dường như mới tỉnh giấc.

Nhưng do đã đi sau vài năm nên Mỹ chỉ có thể sử dụng việc phong tỏa Huawei như một biện pháp để ngăn thiết bị liên lạc của Huawei xâm nhập vào Mỹ và yêu cầu đồng minh cùng cấm thiết bị 5G của Huawei.

Tương tự với tiền kỹ thuật số, đợi tới khi Trung Quốc sử dụng đồng NDT kỹ thuật số, Mỹ mới bừng tỉnh sau cơn mê.

Dẫu vậy, Mỹ vẫn có cơ hội rất lớn để đuổi kịp Trung Quốc trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Cuộc chiến tiền tệ kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về công nghệ.

Đồng tiền kỹ thuật số của hai quốc gia còn phản ánh tình trạng thế giới của đồng USD và đồng nhân dân tệ. Không phải ai phát triển tiền tệ kỹ thuật số trước sẽ giành được sự công nhận trên toàn thế giới và chấp thuận.

Với nền tảng vững chắc của đồng USD, chỉ cần Mỹ phát triển mạnh mẽ đồng USD kỹ thuật số, vị thế của nó chắc chắn sẽ vượt qua đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Việc đồng nhân dân tệ sau này có thể dễ dàng vượt qua đồng USD hay không mà tùy thuộc vào thái độ và quyết sách mà Chính phủ Mỹ lựa chọn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục