Niềm tin đối với tin tức báo chí: Khôi phục bằng cách nào?

Bằng cách nào chúng ta có thể khôi phục lòng tin vào tin tức? Dưới đây là 9 thông điệp có thể lĩnh hội từ một nghiên cứu được quỹ Knight Foundation hỗ trợ, được đăng tải trên trang Nieman Lab.
Niềm tin đối với tin tức báo chí: Khôi phục bằng cách nào? ảnh 1(Nguồn: Niemanlab)

Bằng cách nào chúng ta có thể khôi phục lòng tin vào tin tức? Dưới đây là 9 thông điệp có thể lĩnh hội từ một nghiên cứu được quỹ Knight Foundation hỗ trợ, được đăng tải trên trang Nieman Lab.

Bài viết này nằm trong tuyến bài tìm hiểu những căn nguyên dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin đối với báo chí hiện nay.

1. Thứ nhất, các nhà báo, hãy nhớ rằng: Vấn đề không chỉ với báo chí

Lòng tin vào các thể chế lớn đang suy giảm ở mọi ngóc ngách trong xã hội Mỹ (với một vài ngoại lệ đáng chú ý, như quân đội chẳng hạn). Tuy nhiên, niềm tin với truyền thông đặc biệt đáng lo ngại, giảm mạnh từ 72% vào năm 1976 xuống còn 32% vào năm 2017.

Theo nhà báo Yuval Levin (chủ bút sáng lập tạp chí National Affairs), có nhiều lý do giải thích cho sự suy giảm về lòng tin này, nhưng một trong nhiều nguyên nhân là sự nổi lên của truyền thông xã hội bởi nó đẩy các nhà báo tới chỗ phải tập trung vào việc phát triển thương hiệu cá nhân:

“Điều này làm cho việc phân biệt giữa công việc của cá nhân với công việc của tập thể trở nên khó khăn, và ngày càng biến các cơ quan báo chí thành nền tảng cho các thương hiệu cá nhân của riêng nhà báo. Khi công việc của nhà báo trở nên chẳng khác mấy với việc thông báo trên loa, thì các nhà báo ngày càng trở nên ít đáng tin cậy hơn. Các nhà báo thực ra không đòi hỏi lòng tin.”

“Truyền thông xã hội đặc biệt đã biến nhiều nhà báo từ chỗ là những người tham gia công việc của các cơ quan báo chí trở thành những người quản lý những thương hiệu cá nhân là những người có xu hướng tỏ ra thận trọng với sự xuất hiện và những phát biểu công khai của họ,” Yuval Levin nói.

2. Trong khi đó, dân chúng lại muốn nhà báo luôn đúng

Theo nhà văn Peter Wehner, con người được kết nối về mặt sinh học để phản ứng một cách tích cực với những thông tin mà nó củng cố những niềm tin của họ và một cách tiêu cực với những thông tin đi ngược lại niềm tin của họ. Ông cũng chỉ ra rằng những niềm tin đó thường được cột chặt với bản sắc cá nhân, và rằng việc thay đổi niềm tin có thể đặt một người nào đó vào nguy cơ bị loại khỏi cộng đồng của mình.

Theo một nghĩa nào đó, người ta nhìn thấy những gì họ muốn nhìn thấy, để tin vào những gì họ muốn tin. Ngoài ra, ai cũng muốn chứng tỏ là họ đúng, và việc thay đổi quan điểm của họ là một sự thừa nhận rằng họ đã sai lầm, hay ít ra họ đã có một nhận thức không đầy đủ về một vấn đề nào đó, theo Peter Wehner.

3. Không phải hoàn toàn là lỗi của bạn khi “tin rác” lan tràn khắp nơi

Theo Samantha Bradshaw và Philip Howard, khi người dùng ngày càng dựa vào các nền tảng truyền thông xã hội để lấy thông tin, họ đã phó thác bản thân cho những thuật toán không rõ ràng mà họ không kiểm soát được. Những thuật toán này được tối ưu hóa nhằm tăng tối đa hiệu quả doanh thu quảng cáo cho các mạng xã hội. Do người dùng có xu hướng chia sẻ những thông tin khuấy động những cảm xúc mạnh mẽ cũng như xác nhận những gì mà họ đã tin tưởng, nên “tốc độ và quy mô mà nội dung đó lan truyền như virus sẽ tăng lên theo cấp số nhân, bất kể những thông tin trong nội dung đó có phải là sự thật hay không.”

Quá trình lọc thông tin của truyền thông xã hội không phải là sản phẩm từ những lựa chọn có ý thức của con người. Trái lại, những gì chúng ta thấy ở các mục cập nhật thông tin trên mạng xã hội cũng như ở kết quả tìm kiếm trên Google là sản phẩm của những tính toán do các thuật toán hùng mạnh và các mô hình máy học tạo ra, theo Samantha Bradshaw và Philip Howard.

4. Tuy vậy, nếu bạn không hoạt động trong lĩnh vực chính trị, bạn có thể đang phải nghe những âm thanh vọng ra từ chiếc loa

Theo hiểu biết thông thường thì chúng ta đang bị mắc kẹt trong các bong bóng lọc hay như thể ở trong các “phòng phản âm” (cộng đồng khép kín), chỉ nghe được những người có chung quan điểm với mình.

Tuy nhiên, theo Andrew Guess, Benjamin Lyons, Brendan Nyhan và Jason Reifler, thì thực tế đa dạng hơn nhiều. Trong khi người dùng có xu hướng tự đưa ra thông tin cho mình thông qua một chế độ thông tin đã được sàng lọc, thì những dữ liệu khác lại cho thấy rằng nhiều người không hề quan tâm đến các thông tin chính trị, mà thay vào đó họ chọn các thông tin giải trí. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có rắc rối gì. “Việc tiêu dùng thông tin mang tính phân cực hiện trở nên phổ biến hơn trong một bộ phận công chúng quan trọng - những người tham gia tích cực, có hiểu biết, và tương tác nhiều nhất về các vấn đề chính trị. Nhóm người này hiện diện một cách không tương xứng trên mạng cũng như trong đời sống công cộng.”

Việc tập trung nghiên cứu sâu giới học thuật cho chúng ta thấy rằng cách diễn giải “phòng phản âm” đã nắm bắt được, một cách tối đa, những gì mà một thiểu số công chúng trải qua. Quả thực, bản thân lời thừa nhận này, một cách mỉa mai, đã được phóng đại lên và bị bóp méo theo một cách thức giống như hiệu ứng tiếng vang trong phòng phản âm, theo Andrew Guess, Benjamin Lyons, Brendan Nyhan và Jason Reifler.

5. Người ta dễ tin vào một lời đính chính nếu như nó xuất phát từ nguồn mà người ta nghĩ rằng không tạo ra thông tin đó

Con người ta có khuynh hướng bám lấy những niềm tin mà họ chấp thuận, nhưng, họ cũng dễ tin vào một điều đính chính nếu như việc đính chính đó xuất phát từ một nguồn tin mà họ nghĩ rằng là nguồn tin sẽ thúc đẩy một ý kiến đối lập. Tuy nhiên, việc đưa ra một lời đính chính đơn giản không thôi hiếm khi có tác dụng. Rốt cục, ngay cả khi người dùng chấp nhận sự đính chính, những nghiên cứu khác cho thấy một ảnh hưởng tiêu cực vẫn không mất đi - được gọi là “tiếng dội niềm tin” - theo đó niềm tin sai lầm tiếp tục tác động đến thái độ của mọi người.

Dân chúng dễ tin vào lời đính chính nếu nó bắt nguồn từ một nguồn tin mà đối với họ là đi ngược lại những lợi ích cá nhân và chính trị, theo Jonathan Ladd và Alex Podkul.

6. Khoa học có thể giúp chúng ta tìm kiếm các chiến lược truyền đạt những thông tin phức tạp

Theo Erika Franklin Fowler và Natalie Jomini Stroud, hiện không có cách thức mang tính tiêu chuẩn chung cho việc truyền đạt những thông tin phức tạp, tuy nhiên khoa học có thể giúp ích cho việc này.

“Những mục tiêu khác nhau đòi hỏi những dạng thông tin khác nhau. Nếu chúng ta biết người dùng không có thời gian hay động cơ để chú ý đến những thông tin có chiều sâu về tất cả các vấn đề, thì chúng ta có thể khuyến khích việc tận dụng sự xác nhận hay những gợi ý khác từ các nguồn đáng tin cậy. Nếu chúng ta tìm cách gia tăng sự tham gia của người dùng, sẽ là điều hữu ích nếu chúng ta khuyến khích công dân tham gia các nhóm và tiêu thụ những thông tin có cùng quan điểm, nhưng nếu muốn khuyến khích sự đồng cảm hay thái độ thận trọng, chúng ta cần những thông tin cân bằng hơn. Đôi lúc người dùng học hỏi hiệu quả nhất chính là thông qua kinh nghiệm hay thông qua việc có được những thông tin hướng vào vấn đề cụ thể từ những tổ chức mà họ tin tưởng.”

Tìm kiếm những chiến lược cho việc truyền đạt một cách khéo léo các thông tin phức tạp theo những cách thức mà nó tạo ra sự chú ý và phá tan những hàng rào ngăn cản dựa trên lòng tin là thách thức quan trọng nhất trong thời điểm hỗn loạn về chính trị của chúng ta hiện nay. Nhưng đây là thách thức mà chúng ta có thể đáp ứng, và khoa học có thể hỗ trợ, Erika Franklin Fowler và Natalie Jomini Stroud nói.

7. Thông tin bối cảnh có tác dụng lớn

Theo cách hiểu thông thường thì người Mỹ không biết nhiều chuyện, vì họ chẳng hề quan tâm. Nhưng thiếu vắng động cơ không phải là toàn bộ câu chuyện. Tin tức thường gồm cả dạng tin nóng (breaking news) mà chúng không hề có thông tin bối cảnh để cung cấp những sự thực cơ bản về một vấn đề đặc biệt nào đó, cho dù đó là vấn đề ngân sách liên bang hay vấn đề biến đổi khí hậu. Một số thí nghiệm cho thấy người dùng có thể sẵn sàng tiếp nhận những thông tin về những chủ đề phức tạp nếu có thông tin bối cảnh xung quanh tin đó.

Emily Thorson, giáo sư khoa học chính trị, đã thực hiện một thí nghiệm trong đó bà đã đưa ra hai phiên bản của một bài phóng sự nói về ngân sách liên bang, trong đó một phiên bản bao gồm những thông tin liên quan đến bối cảnh của tin được trình bày trong một khung riêng còn phiên bản kia thì không có. Bà nhận thấy rằng những người đọc phiên bản bài báo có kèm theo thông tin về bối cảnh, khi được hỏi, đã thông báo những thông tin về ngân sách chính xác hơn những người không đọc tin.

Việc xác thực thông tin liên quan đến bối cảnh có thể đem lại thành công đáng kể cho việc điều chỉnh những nhận thức sai lầm. Ngoài ra, so với việc xác thực thông tin của các chính trị gia và các ứng cử viên, việc xác thực thông tin này gặp phải một nguy cơ nhỏ hơn là tạo ra một phản ứng mang tính đảng phái.

8. Và một bản đồ lọc không gian ba chiều nữa!

Chúng ta cần có một cách thức để suy nghĩ về những thông tin vượt ra ngoài phạm trù “chấp thuận” hay “không chấp thuận.” Deen Freelon viết: ”Về cơ bản tôi phản đối quan niệm cho rằng sự khẳng định của số đông luôn luôn là điều tồi tệ, và hậu quả của điều này, rằng những sự va chạm không mong muốn và không nằm trong dự tính luôn luôn là điều tốt. Theo một cách mang tính học thuật thực sự, tôi sẽ lập luận rằng điều này còn tùy thuộc: một trường hợp có khả năng đôi lúc là tốt và đôi lúc là xấu.”

Freelon đề xuất một cách suy nghĩ khác hẳn về những thông tin mà chúng ta tiêu thụ: một “bản đồ lọc” không gian ba chiều:

- Chấp thuận. Đây là mức độ theo đó thông tin ăn khớp với những quan điểm có từ trước đó của chúng ta.

- Giá trị của sự thật. Điều này đơn thuần là việc một thông điệp nhận được là thật hay giả.

- Tính hợp pháp. Trong khi khó có thể định nghĩa thì điều này “thường rốt cục chỉ là việc gắn một ý kiến vào những quy chuẩn đạo đức được chấp nhận rộng rãi như sự tự do, bình đẳng, công bằng và quyền con người. Trong khi có nhiều tranh luận xung quanh việc những kiểu dư luận nào ứng với những nguyên tắc đó, thì có thể an toàn nếu nói rằng những tội ác như phân biệt chủng tộc, tra tấn và giam giữ tùy tiện là dứt khoát vi phạm những nguyên tắc này.

Lý tưởng nhất là những bộ lọc thông tin của chúng ta sẽ giúp tối ưu hóa sự thật và tính hợp pháp, đảm bảo rằng cả những nội dung và nguồn tin được chấp thuận và không được chấp thuận đều bao hàm trong đó. Theo cùng lý lẽ đó, những thông điệp giả mạo và không hợp pháp sẽ bị loại bỏ, một lần nữa bất chấp việc có được sự được chấp thuận nói trên. Bước nhảy vọt về khái niệm mà tôi đưa ra ở đây là chuyển từ chỗ coi việc không chấp thuận bản thân nó là một ưu điểm sang chỗ phân biệt giữa những mô hình đáng hay không đáng mong muốn hơn của nội dung thông tin không được chấp thuận đó. Hiện có nhiều lời khoe khoang hay quan điểm mà chúng ta nên thẳng thừng bác bỏ, tuy nhiên cũng có những quan điểm khác mà chúng ta nên sẵn lòng xem xét cho dù chúng ta không chấp nhận chúng, Deen Freelon nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục