Niger đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an

Đại sứ Abdou Abarry, Trưởng Phái đoàn thường trực Niger tại Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ trong những tình huống cấp thiết trong suốt hai năm qua ở Hội đồng Bảo an.
Niger đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an ảnh 1Quang cảnh buổi họp báo quốc tế về tháng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 1/4/2021. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Việt Nam chính thức kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 31/12.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Abdou Abarry, Trưởng Phái đoàn thường trực Niger tại Liên hợp quốc, về những đánh giá đối với Việt Nam trong hai năm qua. Niger hiện là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 12/2021. 

- Nhóm các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (E10) đã có đóng góp gì nổi bật vào giải quyết các thách thức của Hội đồng Bảo an trong năm qua, thưa Đại sứ? 

Đại sứ Abdou Abarry: Nhóm nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (E10) đã nỗ lực hợp tác cùng nhau để có thể ra được những quyết định hiệu quả mà trên thực tế không phải luôn luôn dễ dàng khi mà chúng tôi là những nước được bầu vào Hội đồng Bảo an và nhiều khi phải “đấu tranh” với các nước Ủy viên thường trực (gọi tắt là nhóm P5).

Đôi khi chúng tôi cũng kiêm thêm nhiệm vụ trung gian hòa giải cho nhóm P5 khi họ bất đồng, làm cầu nối để họ có thể giải quyết những khác biệt còn tồn tại.

[Dấu ấn Việt Nam năng động và hiệu quả tại diễn đàn Liên hợp quốc]

Ví dụ như khi Hội đồng Bảo an thảo luận vấn đề có cho phép tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cho Syria qua đường biên giới hay không thì các nước P5 đã không thể nhất trí được với nhau và khi đó, với nỗ lực của các nước E10, thỏa thuận gia hạn nghị quyết cho phép tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ cho Syria, dù chỉ còn một tuyến qua biên giới duy nhất, cuối cùng đã đạt được. 

Hội đồng Bảo an nhất trí ra được nghị quyết về dịch COVID-19 cũng nhờ một phần nỗ lực kết nối, hòa giải bất đồng của các nước Ủy viên không thường trực (E10).

Tôi cho rằng vai trò của E10 rất quan trọng trong Hội đồng Bảo an bởi chúng tôi đại diện cho tiếng nói của cộng đồng quốc tế, được cộng đồng quốc tế bầu chọn vào và có trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ đại diện đó.

Với những vấn đề hết sức quan trọng, thường tất cả chúng tôi có cùng chung quan điểm nhưng không phải lúc nào cũng có được sự thấu hiểu như thế và chính những lúc đó, các nước E10 đã phát huy vai trò trung gian, hòa giải của mình.

Sắp tới khi 5 nước chúng tôi, trong đó có Việt Nam, hết nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an, tôi tin rằng chúng tôi sẽ để lại những ấn tượng rất tốt đẹp.

Đặc biệt các nước châu Phi trong nhóm E10 cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ, chỉ dẫn cho chúng tôi khi cần thảo luận và đưa ra các quyết sách liên quan tới các vấn đề của châu Phi. 

Niger đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an ảnh 2Đại sứ Abdou Abarry, Trưởng Phái đoàn thường trực Niger tại Liên hợp quốc. (Nguồn: onu-missionniger.org)

- Đại sứ đánh giá như thế nào về Việt Nam trong vai trò một nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong hai năm qua?

Đại sứ Abdou Abarry: Ngay trong tháng đầu tiên vừa được bầu vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã đảm nhiệm ngay vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an. Với một nước vừa bước vào Hội đồng Bảo an mà đã đảm trách thành công vị trí Chủ tịch trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thì theo tôi, đó là một thành công rất lớn.

Xin chúc mừng Việt Nam, chúc mừng Đại sứ Đặng Đình Quý, người bạn, người anh em đáng quý của tôi, cũng như chúc mừng các cán bộ của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã làm rất tốt vai trò của mình hai năm qua.

Tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam đã đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay tháng đầu tiên nhiệm kỳ và nhờ đó, chúng tôi có thể tham khảo cách thức thực hiện.

Sự kiện phiên thảo luận mở do Việt Nam khởi xướng khi đó về hợp tác đa phương đã thu hút được hàng trăm nước quan tâm và tham dự, rồi trong các vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở các nước như Afghanistan, Syria, hay Libya, chúng tôi đều nghe thấy tiếng nói của Việt Nam.

Việt Nam cũng góp tiếng nói đối với những vấn đề mang tính nền tảng, cấp thiết như tình trạng mực nước biển dâng.

Về phần mình, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Việt Nam khi khởi xướng vấn đề sự liên quan giữa biến đổi khí hậu đối với tình hình an ninh và đề xuất thông qua nghị quyết về vấn đề này trong tháng 12 hiện nay khi chúng tôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an.

Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của Việt Nam khi thảo luận về cơ chế vùng/khu vực, nhất là khi đề cập tới tình hình hiện nay ở Myanmar. Chính Việt Nam đã đề xuất Hội đồng Bảo an không nên đưa ra quyết định gì ngay về vấn đề Myanmar trước khi lắng nghe ý kiến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Chúng tôi đánh giá rất cao Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ trong những tình huống cấp thiết trong suốt hai năm qua ở Hội đồng Bảo an.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về sáng kiến của Việt Nam về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?

Đại sứ Abdou Abarry: Chúng tôi có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc “subsidiarity” (Gần nhất với nơi xảy ra sự việc). Điều đó có nghĩa là, không ai hiểu rõ tình hình một khu vực nhất định hơn chính những người sống ở những khu vực đó.

Ví dụ khi bàn tới vấn đề chống khủng bố của Mali hay Guinea ở Tây Phi, cần phải lắng nghe tiếng nói từ chính những nước ở đây đầu tiên, những tổ chức khu vực ở đây đầu tiên.

Tương tự như vậy, các nước châu Á sẽ hiểu hơn ai hết những vấn đề của châu Á và có thể cố vấn cho Hội đồng Bảo an về đường hướng nên tìm kiếm giải phải như thế nào thì phù hợp, ví dụ như với vấn đề Myanmar.

Tôi nghĩ rằng tiếng nói của Việt Nam trong vấn đề này đã được Hội đồng Bảo an và tất cả cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Chính vì vậy, có thể nói rằng quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực như Liên đoàn châu Phi, ASEAN hay Liên đoàn Arab đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc củng cố lòng tin, hiểu biết lẫn nhau để từ đó giải quyết các thách thức an ninh của thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục