Ninh Thuận đề nghị kiểm tra lại kết quả thanh tra về chống tham nhũng

Tỉnh Ninh Thuận đã gửi công văn lên Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm tra lại kết quả công bố về công tác phòng, chống tham nhũng để có thông tin chính xác về việc tiếp công dân.
Ninh Thuận đề nghị kiểm tra lại kết quả thanh tra về chống tham nhũng ảnh 1Hoạt động tại Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 (PACA 2022), một số tỉnh, thành phố không đồng tình với kết quả công bố vì cho rằng không có tính xác thực.

Một số tỉnh, thành phố, trong đó có Ninh Thuận đã gửi công văn lên Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm tra lại kết quả Thanh tra Chính phủ công bố; đồng thời đề nghị, Tổng Thanh tra xem xét, chỉ đạo kiểm tra lại nội dung nêu trên để có thông tin chính xác.

Kết quả đánh giá công tác PACA 2022 tại trang 10 của Thanh tra Chính phủ nêu: "một số địa phương việc tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh còn sơ sài, như Cà Mau và Tây Ninh không có điểm; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn tiếp công dân được 1 lần trong năm; các tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu và Quảng Nam ghi nhận Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp công dân 2 lần trong năm tại mỗi địa phương…"

[Thu hồi hơn 20.405 tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng]

Theo Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, báo cáo kết quả đánh giá công tác PACA 2022 mà Thanh tra Chính phủ công bố tại trang 10 nêu "Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp công dân 2 lần trong năm tại mỗi địa phương" là chưa chính xác.

Về vấn đề này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận báo cáo như sau: Tại Báo cáo số 135/BC-Ủy ban Nhân dân ngày 9/6/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về kết quả tự đánh giá công tác PACA 2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi Thanh tra Chính phủ, tại Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo này (từ trang 37 đến 41) đã thể hiện rõ: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp công dân định kỳ năm 2022 đầy đủ theo quy định của Luật Tiếp công dân (tính đến thời điểm báo cáo là 11 tháng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp đủ 11 lần); trong đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh là 4 lần có công dân đến để tiếp, 7 lần Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có tiếp công dân nhưng không có công dân đến để tiếp và có ghi rõ thời gian, địa điểm trong sổ tiếp công dân. Như vậy, báo cáo kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 do Thanh tra Chính phủ công bố như trên là chưa chính xác.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ quan trọng là ở tỉnh không chỉ có tiếp dân mới giải quyết được công việc, có những lần Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ hằng tháng nhưng không có người dân đến… Điều đó cho thấy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo, không có vấn đề lớn nổi cộm, gây bức xúc dẫn đến việc người dân phải liên tục khiếu nại, tố cáo.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, tại Khoản 1, Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định rõ: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.” Trên tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh rất quan tâm và thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật.

Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn thông báo công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân, không trốn tránh hoặc né tránh trả lời khiếu nại, tố cáo của công dân.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, các huyện cũng thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, tổ chức họp, đối thoại và giải quyết công việc thấu tình, đạt lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục