Ninh Thuận thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Ninh Thuận có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp; hơn 11.000 hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh do giãn cách xã hội.
Phân hạng sản phẩm OCOP tại Hợp tác xã nho Evegreen Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Phân hạng sản phẩm OCOP tại Hợp tác xã nho Evegreen Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh tác động.

Theo đó, Tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm tổ trưởng cùng các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tổ công tác có chức năng giúp lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đồng thời rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; qua đó đề xuất với lãnh đạo tỉnh về phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

[Phát sinh ổ dịch mới, Ninh Thuận bổ sung các biện pháp phù hợp]

Bên cạnh đó, Tổ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư thuận lợi theo đúng quy định pháp luật.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 3.739 doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, tỉnh đã có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp; đồng thời có trên 11.000 hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Do phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống… nhu cầu giảm từ 70-80%. Riêng ngành du lịch bị dừng hoạt động, hiện chỉ có 19/183 cơ sở lưu trú du lịch được hoạt động, còn lại phải tạm ngừng hoạt động.

Từ đầu năm 2021 tới nay, một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới ở tỉnh giảm mạnh như dịch vụ du lịch, lưu trú, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản…

Vừa qua, số doanh nghiệp giải thể tăng 19,6%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục