Nội các Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đóng cửa không phận với miền Bắc Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không phận với khu vực miền Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát và chuyển giao quyền quản lý cửa khẩu biên giới chính giáp ranh với khu vực của người Kurd cho chính quyền Iraq.
Nội các Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đóng cửa không phận với miền Bắc Iraq ảnh 1Các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd được triển khai tại ngoại ô phía nam thành phố Kirkuk ngày 15/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/10, nội các Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí đóng cửa không phận với khu vực miền Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát, đồng thời tuyên bố đã bắt đầu công tác chuyển giao quyền quản lý cửa khẩu biên giới chính giáp ranh với khu vực của người Kurd cho chính quyền trung ương Iraq.

Cùng ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 2 binh sỹ nước này đã thiệt mạng tại miền Bắc Iraq do một thiết bị nổ tự tạo phát nổ.

Bên cạnh đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã không kích tiêu diệt 8 phiến quân sau một cuộc giao tranh.

[Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Iraq chống lại lực lượng người Kurd]

Những diễn biến trên diễn ra sau khi Iraq cảnh báo việc triển khai các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố tại thành phố Kirkuk là “hành động tuyên chiến” với nhân dân Iraq.

Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq do Thủ tướng Haider al-Abadi đứng đầu hôm 15/10 đưa ra tuyên bố cảnh cáo việc triển khai các tay súng PKK “là hành động leo thang nghiêm trọng không thể dung thứ, giống một lời tuyên bố chiến tranh chống lại toàn thể người dân và lực lượng vũ trang Iraq”.

Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng vũ trang của người Kurd, Tướng Jabar Yawer phủ nhận việc lực lượng PKK có mặt tại tỉnh nhiều dầu mỏ Kirkuk, song thừa nhận có nhiều người có cảm tình với PKK.

Việc người Kurd đòi độc lập không chỉ bị chính quyền Iraq phản đối mà nhiều nước khác cũng không tán thành bởi lo ngại việc này có thể đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và làm suy yếu cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các nước láng giềng của Iraq, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria, lo sợ phong trào đòi độc lập của người Kurd có thể đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước này bởi phần lớn cộng đồng người Kurd sinh sống tại các quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục