Tết là những ngày nặng trĩu đối với vợ chồng chị Thu, tim anh chị thắt lại mỗi lần khách đến chơi hỏi "Anh chị định bao giờ có cháu?".
Tết thiếu tiếng trẻ thơ
Lấy nhau được năm năm, dù đã cố gắng thử nhiều biện pháp, gia đình chị Thu, ở Kim Giang, vẫn ngày ngày chỉ có hai vợ chồng cô quạnh. Chuyện lạ là hai anh chị đi kiểm tra sức khoẻ đều bình thường.
Chồng chị Thu thường xuyên đi công tác, mỗi mình chị thui thủi ngày thường cũng như ngày Tết. Muốn gọi bạn gọi bè đi chơi, chị lại ngập ngừng nghĩ: "Người ta còn chồng còn con, đâu phải ai cũng như mình".
Những năm đầu chị còn vô tư lắm, đi đâu ai hỏi cũng bảo vợ chồng đang kế hoạch, chờ năm đẹp để sinh con. Sang đến năm thứ ba sau khi cưới thì mỗi dịp Tết đến đối với chị như một cơn ác mộng.
"Người ta cùng chồng con đi sắm sửa Tết, đi chơi trong khi đó mình đầy đủ cũng chỉ có hai vợ chồng. Nhìn nhà người ta ríu rít mà mình chạnh lòng", chị Thu chia sẻ.
Khác nhà chị Thu, chị Thanh ở Cầu Giấy lại có nỗi đau đáu khác khi lỗi là ở chồng chị. Những ngày Tết, chồng chị chỉ loanh quanh trong nhà, chẳng dám đi đâu vì sợ mọi người hỏi thăm. Dù động viên chồng thế nào thì chồng chị cũng tìm đủ lý do để không phải ra ngoài.
"Những ngày thường công việc cuốn đi, cũng làm khuây khỏa phần nào nỗi buồn của hai vợ chồng. Đến Tết thì buồn thật, nhiều khi mình ôm chồng mà khóc thầm, thương chồng, thương mình Tết đến là trống trải."
Gia đình hai cặp vợ chồng chị Thu, chị Thanh thuộc hàng khá giả, nhưng nhìn những căn nhà sang trọng, lạnh lẽo mới thấy, của cải lớn nhất, hạnh phúc nhất của gia đình là tiếng cười trẻ thơ.
Sự quan tâm... vô tình
Vào dịp Tết, người Việt Nam có văn hóa chúc Tết, hỏi thăm gia đình nhau. Tuy nhiên, đôi khi những lời hỏi thăm khiến nhiều ông bố bà mẹ hiếm muộn phải chạnh lòng.
"Những người không biết thì họ hỏi han vô tư khiến mình phải nuốt nước mắt vào trong, những người hiểu thì họ không hỏi gì nhưng lại xì xào bàn tán sau lưng xem vợ làm sao, chồng thế nào rồi thêu dệt đủ thứ chuyện, nhất là bên nhà chồng", chị Thu nói giọng buồn rười rượi.
"Bị hỏi han là một chuyện, đi chúc Tết nhìn nhà người ta có trẻ con tíu tít mà khi mừng tuổi cho bọn trẻ lại thèm", chị Thu chia sẻ.
May mắn cho chị Thu khi được bố mẹ đôi bên thông cảm, ông bà thường động viên để hai vợ chồng có tinh thần thoải mái tiếp tục cố gắng. Mặc dù thế, họ hàng, làng xóm vẫn luôn nhòm ngó chuyện gia đình khiến vợ chồng chị áp lực.
Áp lực hơn như nhà chị Thanh Tết này về quê, chồng chị vẫn bị các ông "đuổi" xuống "mâm dưới" ngồi. Do chưa biết sự tình chồng chị yếu, các ông thường trách anh lấy nhầm vợ, chưa làm tròn đạo hiếu với tổ tiên... Thậm chí, các ông còn khuyên hai vợ chồng chị tính đường ai nấy đi để các cụ mau có cháu.
Những lúc như vậy, chồng chị thường không nói gì, uống say cho quên sự đời. Chị biết anh cũng khổ tâm lắm nhưng chỉ biết an ủi, động viên, chăm sóc anh.
Chính sự quan tâm có phần thái quá của mọi người mà mỗi lần nhắc đến chuyện con cái lại như "xát muối vào tim" những đôi vợ chồng hiếm muộn. Có người thì thẳng thắn chia sẻ về khó khăn này, có người thì không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Thế nhưng dù phản ứng của họ như thế nào thì chắc chắn họ không vui vẻ gì hay không muốn nói là phải nuốt nước mắt vào trong.
"Chạy trốn" Tết
Nhắc đến Tết người ta phải thấy vui vẻ, hạnh phúc thì ngược lại với các đôi vợ chồng hiếm muộn lại là chuỗi ngày dài đằng đẵng. Đa số tuỳ vào hoàn cảnh mà họ sẽ tính cách ít "va chạm" nhất đến vấn đề này.
Vợ chồng chị Thu năm nay sắp xếp về quê đón giao thừa, ăn Tết tổng cộng được ba ngày. Sau đó, để tinh thần thoải mái, thay đổi không khí, vợ chồng chị quyết định đi du lịch cùng nhau sau khi hoàn thành xong các nghĩa vụ.
"Ở nhà chẳng có gì cũng buồn, hai vợ chồng tính cứ Tết đến là đi đâu đó cùng nhau cho đầu óc thanh thản, biết đâu lại 'đậu' thai", chị Thu tâm sự.
Đúng là như thế, với niềm mong mỏi, tâm lý nặng nề khiến họ càng khó "dính", chưa kể bị mọi người nhắc nhiều dẫn đến mệt mỏi, đi du lịch là một giải pháp tốt cho cả tinh thần lẫn thể chất cho các cặp vợ chồng.
Như chồng chị Thanh là trường hợp đặc biệt khó giải quyết bởi anh tự ti, chỉ công việc rồi về nhà lầm lũi. "Thực ra anh còn muốn trốn Tết hơn cả vợ", chị Thanh nói.
Mặc chị thuyết phục đến đâu, anh cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ loanh quanh trong nhà. Thương chồng, chị cũng chẳng dám đi đâu, cũng không dám nói gì sợ anh tổn thương.
Các cụ thường nói "con cái là lộc trời cho" nên việc thiếu tiếng cười trẻ thơ trong nhà dịp Tết là điều mà không cặp vợ chồng nào mong muốn. Tuy nhiên, do văn hóa phương đông coi trọng việc sinh thành thế hệ hậu duệ nên vô tình gây thêm áp lực lên những cặp vợ chồng trẻ mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.
Tết thiếu tiếng trẻ thơ
Lấy nhau được năm năm, dù đã cố gắng thử nhiều biện pháp, gia đình chị Thu, ở Kim Giang, vẫn ngày ngày chỉ có hai vợ chồng cô quạnh. Chuyện lạ là hai anh chị đi kiểm tra sức khoẻ đều bình thường.
Chồng chị Thu thường xuyên đi công tác, mỗi mình chị thui thủi ngày thường cũng như ngày Tết. Muốn gọi bạn gọi bè đi chơi, chị lại ngập ngừng nghĩ: "Người ta còn chồng còn con, đâu phải ai cũng như mình".
Những năm đầu chị còn vô tư lắm, đi đâu ai hỏi cũng bảo vợ chồng đang kế hoạch, chờ năm đẹp để sinh con. Sang đến năm thứ ba sau khi cưới thì mỗi dịp Tết đến đối với chị như một cơn ác mộng.
"Người ta cùng chồng con đi sắm sửa Tết, đi chơi trong khi đó mình đầy đủ cũng chỉ có hai vợ chồng. Nhìn nhà người ta ríu rít mà mình chạnh lòng", chị Thu chia sẻ.
Khác nhà chị Thu, chị Thanh ở Cầu Giấy lại có nỗi đau đáu khác khi lỗi là ở chồng chị. Những ngày Tết, chồng chị chỉ loanh quanh trong nhà, chẳng dám đi đâu vì sợ mọi người hỏi thăm. Dù động viên chồng thế nào thì chồng chị cũng tìm đủ lý do để không phải ra ngoài.
"Những ngày thường công việc cuốn đi, cũng làm khuây khỏa phần nào nỗi buồn của hai vợ chồng. Đến Tết thì buồn thật, nhiều khi mình ôm chồng mà khóc thầm, thương chồng, thương mình Tết đến là trống trải."
Gia đình hai cặp vợ chồng chị Thu, chị Thanh thuộc hàng khá giả, nhưng nhìn những căn nhà sang trọng, lạnh lẽo mới thấy, của cải lớn nhất, hạnh phúc nhất của gia đình là tiếng cười trẻ thơ.
Sự quan tâm... vô tình
Vào dịp Tết, người Việt Nam có văn hóa chúc Tết, hỏi thăm gia đình nhau. Tuy nhiên, đôi khi những lời hỏi thăm khiến nhiều ông bố bà mẹ hiếm muộn phải chạnh lòng.
"Những người không biết thì họ hỏi han vô tư khiến mình phải nuốt nước mắt vào trong, những người hiểu thì họ không hỏi gì nhưng lại xì xào bàn tán sau lưng xem vợ làm sao, chồng thế nào rồi thêu dệt đủ thứ chuyện, nhất là bên nhà chồng", chị Thu nói giọng buồn rười rượi.
"Bị hỏi han là một chuyện, đi chúc Tết nhìn nhà người ta có trẻ con tíu tít mà khi mừng tuổi cho bọn trẻ lại thèm", chị Thu chia sẻ.
May mắn cho chị Thu khi được bố mẹ đôi bên thông cảm, ông bà thường động viên để hai vợ chồng có tinh thần thoải mái tiếp tục cố gắng. Mặc dù thế, họ hàng, làng xóm vẫn luôn nhòm ngó chuyện gia đình khiến vợ chồng chị áp lực.
Áp lực hơn như nhà chị Thanh Tết này về quê, chồng chị vẫn bị các ông "đuổi" xuống "mâm dưới" ngồi. Do chưa biết sự tình chồng chị yếu, các ông thường trách anh lấy nhầm vợ, chưa làm tròn đạo hiếu với tổ tiên... Thậm chí, các ông còn khuyên hai vợ chồng chị tính đường ai nấy đi để các cụ mau có cháu.
Những lúc như vậy, chồng chị thường không nói gì, uống say cho quên sự đời. Chị biết anh cũng khổ tâm lắm nhưng chỉ biết an ủi, động viên, chăm sóc anh.
Chính sự quan tâm có phần thái quá của mọi người mà mỗi lần nhắc đến chuyện con cái lại như "xát muối vào tim" những đôi vợ chồng hiếm muộn. Có người thì thẳng thắn chia sẻ về khó khăn này, có người thì không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Thế nhưng dù phản ứng của họ như thế nào thì chắc chắn họ không vui vẻ gì hay không muốn nói là phải nuốt nước mắt vào trong.
"Chạy trốn" Tết
Nhắc đến Tết người ta phải thấy vui vẻ, hạnh phúc thì ngược lại với các đôi vợ chồng hiếm muộn lại là chuỗi ngày dài đằng đẵng. Đa số tuỳ vào hoàn cảnh mà họ sẽ tính cách ít "va chạm" nhất đến vấn đề này.
Vợ chồng chị Thu năm nay sắp xếp về quê đón giao thừa, ăn Tết tổng cộng được ba ngày. Sau đó, để tinh thần thoải mái, thay đổi không khí, vợ chồng chị quyết định đi du lịch cùng nhau sau khi hoàn thành xong các nghĩa vụ.
"Ở nhà chẳng có gì cũng buồn, hai vợ chồng tính cứ Tết đến là đi đâu đó cùng nhau cho đầu óc thanh thản, biết đâu lại 'đậu' thai", chị Thu tâm sự.
Đúng là như thế, với niềm mong mỏi, tâm lý nặng nề khiến họ càng khó "dính", chưa kể bị mọi người nhắc nhiều dẫn đến mệt mỏi, đi du lịch là một giải pháp tốt cho cả tinh thần lẫn thể chất cho các cặp vợ chồng.
Như chồng chị Thanh là trường hợp đặc biệt khó giải quyết bởi anh tự ti, chỉ công việc rồi về nhà lầm lũi. "Thực ra anh còn muốn trốn Tết hơn cả vợ", chị Thanh nói.
Mặc chị thuyết phục đến đâu, anh cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ loanh quanh trong nhà. Thương chồng, chị cũng chẳng dám đi đâu, cũng không dám nói gì sợ anh tổn thương.
Các cụ thường nói "con cái là lộc trời cho" nên việc thiếu tiếng cười trẻ thơ trong nhà dịp Tết là điều mà không cặp vợ chồng nào mong muốn. Tuy nhiên, do văn hóa phương đông coi trọng việc sinh thành thế hệ hậu duệ nên vô tình gây thêm áp lực lên những cặp vợ chồng trẻ mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.
Quỳnh Trang (Vietnam+)