Khẳng định nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây ra phát thải nhà kính rất lớn, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp cấp thiết mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải “hành động khẩn cấp” hiện nay là chuyển đổi mô hình phát triển truyền thống sang nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp sinh thái.
Đây cũng là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển “xanh,” góp phần giảm phát thải khí nhà khí, cũng như đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Phát triển nông nghiệp còn thiếu bền vững
Tại Diễn đàn “Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững” diễn ra sang 20/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: Nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu; hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.
Điều đáng nói là nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải nhà kính lớn. Theo số liệu kiểm kê nhà kính năm 2016, phát thải ròng của lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn thứ ba với 13,9%. Do vậy, cộng đồng nông nghiệp và nông thôn vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất.
Dẫn chứng từ phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết toàn tỉnh này có diện tích đất tự nhiên hơn 13.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.191.000 hécta (chiếm hơn 91% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước với hơn 657.000 hécta; đất lâm nghiệp chiếm hơn 527.000 hécta (đứng thứ 10 cả nước), trong đó nhiều diện tích được trồng cây càphê, hồ tiêu, cây ăn quả, sầu riêng.
Tuy vậy, theo ông Cảnh, hiện nay, ngành nông nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây ra hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún; người dân nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường và truy suất nguồn gốc đã làm cho ngành này còn thiếu tính bền vững.
Ngoài ra, do diện tích trồng cây trồng lớn nên nhu cầu phân bón hàng năm của tỉnh Đắk Lắk cũng rất cao. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng hơn 1,2 triệu tấn phế phụ phẩm (rơm rạ; thân, lá, lõi cây ngô, vỏ càphê, bã mía, bã sẵn, vỏ sầu riêng) và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp tái sinh rất hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp tái sinh hiện mới chỉ ở quy mô nông hộ và trang trại với quy mô nhỏ, chưa phổ biến.
“Khơi thông” nguồn lực, phát triển nông nghiệp tái sinh
Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch Võ Văn Cảnh cho rằng để phát huy những tiềm năng, lợi thế đồng thời khắc phục những hạn chế, nhất là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xây dựng, điều chỉnh cơ chế phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
Trọng tâm của mô hình phát triển trên, theo ông Cảnh là sản xuất nông nghiệp gắn với việc bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường; tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững; ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng khí thải, tái tạo rừng và thúc đẩy nông nghiệp carbon, để góp phần đưa biến đổi khí hậu về “mức an toàn,” qua đó nâng cao đời sống nhân dân.
Đánh giá cao công cuộc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp tái sinh ở tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng để thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhiền đến năm 2050” và các cam kết quốc tế tại COP26, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau.
Theo ông Doanh, việc huy động sự tham gia trên sẽ góp phần “khơi thông” nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thậm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.”
“Với ‘tư duy đổi mới’ và ‘cùng hành động,’ tôi tin những nỗ lực của Chính phủ, sự chủ động của các ngành, sự đồng hành của khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của các bộ, ngành và địa phương, các đối tác quốc tế, giới chuyên gia và đặc biệt là người nông dân, Việt Nam sẽ hình thành một nền nông nghiệp xanh-giảm phát thải, đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững,” ông Doanh nhấn mạnh.
[Việt Nam ưu tiên cao nhất cho “tương lai xanh”]
Tham dự diễn đàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch điều hành và Giám đốc các thương hiệu càphê của Tập đoàn Nestlé cũng khẳng định để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 20250, việc phát triển nông nghiệp tái sinh ở Việt Nam là rất cần thiết, đòi hỏi sự đồng hành, tham gia tích của của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người dân.
Với tầm quan trọng đó, ông David Rennie cho biết doanh nghiệp này đang tích cực hành động để trở thành một công ty có mức phát thải ròng bằng “0” và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các hệ thống thực phẩm tái sinh trên quy mô lớn. Theo đó, Nestlé vừa công bố “Chương trình Nescafé Plan 2030 với mục tiêu bền vững và hành trình nông nghiệp tái tạo cho thương hiệu cà phê lớn nhất của Nescafé.”
Tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu trên, ông David Rennie cho biết Nestlé đang cùng làm việc với nông dân, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên để giúp họ chuyển đổi sang phương thức canh tác càphê tái sinh và tìm kiếm các giải pháp đồng bộ tốt nhất.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp cũng nhận định để thực hiện tốt cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc thúc đẩy hợp tác đa bên bao gồm khối công, khối tư và các đối tác trong toàn chuỗi cung ứng là rất cần thiết. Đó cũng là giải pháp để thúc đẩy phát triển xanh, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững ở Việt Nam./.
Diễn đàn "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Diễn đàn đã thu hút hơn 100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. |