NSND Thu Hà 'lá ngọc cành vàng': Chọn cuộc sống bình lặng tuổi xế chiều

Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà có một sự nghiệp nhiều vinh quang song cũng có những quãng trầm. Ở tuổi sắp về hưu, chị vẫn dành đam mê cho sân khấu, truyền hình.

Nhan sắc "không tuổi" của Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà. (Ảnh: NVCC)
Nhan sắc "không tuổi" của Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà. (Ảnh: NVCC)

Sau nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình, đến nay, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà vẫn khiến công chúng ngưỡng mộ bởi nhan sắc “không tuổi” của mình. Chị từng được tung hô là “Nữ hoàng ảnh lịch,” là “Lá ngọc cành vàng” của màn ảnh Việt.

Mỗi lần gặp chị, tôi đều không thể đừng được mà phải thốt ra rằng sao ở tuổi sắp về hưu mà chị vẫn đẹp trẻ trung, đài các đến vậy. Chị cười bảo “xấu hổ lắm” và giờ chị "làm" nhiều vai ác, vai xấu rồi, không phải lúc nào cũng đẹp nữa.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), chị dành cho phóng viên cuộc trò chuyện để chia sẻ quan điểm cá nhân về vẻ đẹp của người phụ nữ.

‘Lá ngọc cành vàng’ của màn ảnh Việt

Diễn viên Thu Hà (tên thật là Đồng Thu Hà) sinh năm 1969 tại Tuyên Quang. Năm chị 16 tuổi, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 đi tuyển diễn viên ở khu vực 6 tỉnh miền Bắc, chị được người hàng xóm rủ đi thi thử.

Với nhan sắc trời phú, Thu Hà nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của các đạo diễn. Chị trở thành một trong 10 người được chọn làm diễn viên. Từ chỗ đi thi tuyển “cho vui,” Thu Hà đã đến với môn “nghệ thuật thứ bảy.”

Screenshot 2024-03-07 144401.png
Vẻ đẹp đài các, nhẹ nhàng của diễn viên Thu Hà thời trẻ. (Ảnh: NVCC)

Chị tiết lộ bản thân lựa chọn theo nghiệp diễn là vì muốn gia đình bớt đi gánh nặng. Bởi khi sinh hoạt trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, chị được lo cơm ăn, áo mặc. Lúc ấy, chị chưa nghĩ gì đến thành công và sự nổi tiếng mà chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình.

Năm 1989, Thu Hà rời Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 và chuyển công tác về Nhà hát Kịch Hà Nội cho tới nay. Sự nghiệp của Thu Hà lên một tầm cao mới khi chị được đạo diễn Hải Ninh mời vào vai Quận chúa Quỳnh Hoa trong phim truyện nhựa “Đêm hội Long Trì” của ba đạo diễn Hải Ninh, Hà Thanh Vân, Trần Quốc Huân.

Cùng năm đó, Thu Hà lại được mời vào vai trong phim “Lá ngọc cành vàng” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Screenshot 2024-03-07 143832.png
Diễn viên Thu Hà trong vai Quận chúa Quỳnh Hoa, phim nhựa "Đêm hội Long Trì." (Ảnh: NVCC)

Nữ nghệ sỹ thừa nhận khi đảm nhận vai diễn này, chị chưa thể hiện đủ độ "chín" mà phần lớn là nhờ hợp vai. Mọi thứ với chị giống như "trúng số độc đắc."

"Lúc đó, tôi là cô gái tỉnh lẻ mới về Hà Nội, không hiểu sao lại được đạo diễn Vũ Châu tin tưởng giao một vai rất Hà thành. May mắn sao, khi tôi bước ra, mọi người đã ồ lên và nói đây đúng là tiểu thư ‘Lá ngọc cành vàng’ đang tìm kiếm,” Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà kể.

Sau đó, Thu Hà trở thành một trong số ít diễn viên miền Bắc nổi tiếng ở mảng phim truyền hình miền Nam. Khi ấy, tên tuổi của chị sánh ngang với những tài tử, mỹ nhân như: Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Thương Tín, Việt Trinh, Diễm Hương…

nguyetha.jpg
Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà từng đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ "oanh tạc" màn ảnh nhỏ vào thập niên 1990, Thu Hà còn xuất hiện dày đặc trên những tấm ảnh lịch, trở thành "Nữ hoàng ảnh lịch" được công chúng mến mộ nhất thời điểm ấy, cùng với Việt Trinh, Diễm Hương...

Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, chị cho hay sự nghiệp của chị có nhiều vinh quang nhưng cũng không ít đắng cay.

Kỷ niệm mà chị nhớ nhất là khi lần đầu được giao một vai cá tính. Vốn quen đóng dạng vai hiền dịu, nhẹ nhàng, Thu Hà đã gặp khó khăn khi thể hiện. Sau hai buổi tập thì đạo diễn quyết định thay vai.

Lúc đó, Thu Hà đã là một diễn viên nổi tiếng, sỹ diện rất lớn. Chị bèn nhắn tin cho đạo diễn: “Chú ơi, chú cho cháu thử sức. Chú vì cháu mà vất vả thêm ít hôm nữa, nếu không được, cháu sẽ xin thôi!”

Vị đạo diễn nhắn lại ngắn gọn: “Hoan hô!” - chẳng ra đồng ý, cũng chẳng ra từ chối. Với Thu Hà, câu nói ấy vừa như giễu cợt “Cô không làm được đâu,” vừa như một cú hích: “Cô thử làm xem.”

thuha2.jpg
Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà trên sân khấu kịch. (Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội)

Vậy là chị thay đổi hình thức hoàn toàn, tập trung toàn bộ cho vai diễn. Kể từ đó, chị cũng vượt qua được bản thân, có thể làm tròn cả những vai mạnh mẽ, sắt đá.

Với những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà và bảng huy chương dày dặn, Thu Hà được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú vào năm 2001. Đến năm 2019, nữ nghệ sỹ tiếp tục được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.

Những năm gần đây, Thu Hà trở lại với màn ảnh nhỏ thông qua nhiều bộ phim: “Khúc hát Mặt Trời,” “Hướng dương ngược nắng,” “Thông gia ngõ hẹp” và mới nhất là “Trạm cứu hộ trái tim” sẽ lên sóng VTV3 ngày 11/3.

Cuộc sống bình lặng tuổi xế chiều

Đằng sau ánh đèn sân khấu và ống kính máy quay, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà lựa chọn một cuộc sống bình yên, kín tiếng bên gia đình. Hiện nữ nghệ sỹ sống hạnh phúc bên người chồng thứ hai là doanh nhân, hơn chị 15 tuổi.

Trên trang cá nhân, chị hiếm khi chia sẻ hình ảnh gia đình nhưng thường xuyên đăng nhiều khoảnh khắc đời thường của bản thân, khiến mọi người thán phục về sự tươi tắn, “ăn hình” và gu thời trang trẻ trung.

_MGL9438.JPG
Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà trong họp báo ra mắt phim "Trạm cứu hộ trái tim." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước những lời khen tặng về ngoại hình, chị tỏ ra xấu hổ và bảo rằng mình cũng như bất kỳ người phụ nữ U60 nào.

Chia sẻ bí quyết giữ gìn sự trẻ trung, chị cho hay hàng ngày chăm chỉ tập thể dục, đặc biệt là bộ môn khí công. Ngoài ra, chị cũng có thú vui chăm sóc nhà cửa, nấu ăn như những người phụ nữ bình thường khác.

“Có lẽ cái thần thái của tôi khiến mọi người cảm nhận tôi vẫn còn trẻ hoặc môi trường nghệ thuật khiến mọi người nghĩ tôi không già đi, chứ tuổi tác thì không thể giấu nổi. Tôi còn nhớ có thời điểm sau sinh con xong, tôi lên cân khủng khiếp, chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, có khách đến nhà hỏi thăm diễn viên Thu Hà mà không nhận ra tôi đứng trước mặt,” nghệ sỹ chia sẻ.

tramcuuhotraitim.jpg
Gần đây, chị thường nhận các vai diễn khiến mình trông già hơn, "bớt đẹp" hơn. (Ảnh: VTV)

“Nếu sợ già thì tốt nhất phải học cân bằng mọi thứ trong đời sống, phải biết buông bỏ, thậm chí đón nhận mọi chuyện một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh nhất có thể," chị tâm sự.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà mô tả bằng hai từ "bình lặng." Chị sống giản dị, vô tư và hài lòng với những gì mình đang có./.

Một số vở kịch của Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hà: “Ngôi nhà trong thành phố” (vai bà giáo), “Bỉ Vỏ” (vai Tám Bính), “Cát bụi” (vai Ái Trinh), “Những mặt người thấp thoáng” (vai Thêm), “Tình sử ngàn năm” (vai Thuận Khanh)

Các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đã tham gia: “Lá ngọc cành vàng” (vai Nga), “Đường đời” (vai Tân), “Đêm hội Long Trì” (vai Quận chúa Quỳnh Hoa), “Canh bạc” (vai Mai), “Anh chỉ có mình em” (vai Vân), “Hoa Quỳnh nở muộn” (vai Quỳnh), “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (vai Út Vân), “Khúc hát Mặt Trời” (vai Khanh)…

Các giải thưởng: Nữ diễn viên xuất sắc cho vai Mai trong bộ phim "Canh bạc" tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1992; Giải Mai Vàng năm 1994 cho Nữ diễn viên xuất sắc (vai Vân) trong bộ phim "Anh chỉ có mình em"; Huy chương Vàng năm 2004 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho vai diễn Ái Trinh trong vở "Cát bụi"; Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai Tân trong bộ phim "Đường đời" tại Liên hoan Phim truyền hình Việt Nam năm 2005; Giải A vở diễn "Tình sử ngàn năm" do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao tặng năm 2010; Giải B vai Thuận Khanh trong vở diễn "Tình sử ngàn năm" do Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao tặng năm 2011…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục