"Nữ tướng" diệt... sâu

“Nữ tướng” cả đời trừ sâu bọ hại cây trồng

Ghét chuột, sâu, chưa từng có ý định theo nghề nông nghiệp, nhưng phó giao sư Phạm Thị Thùy lại trở thành chuyên gia… về sâu hại cây trồng.
Ghét chuột, sâu và chưa từng có ý định theo ngành nông nghiệp nhưng “cực chẳng đã,” Phạm Thị Thùy phải theo học ngành học này và nay trở thành một chuyên gia… diệt sâu bọ hại cây trồng theo hướng sinh học.

Với những cống hiến to lớn trong lĩnh vực bảo vệ cây trồng nông, lâm nghiệp, ngày hôm nay (12/3) bà sẽ nhận giải thưởng Kovalevskaia danh giá dành cho những nhà khoa học nữ xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng.

Ghét nghề nào, trời trao nghề nấy

Căn phòng làm việc của phó giáo sư, tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Thị Thùy tại Viện Bảo vệ Thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tuy cũ nhưng gọn ghẽ, ngăn nắp. Trang điểm cho bức tường là những bằng khen của các bộ, ngành, được treo trang trọng. Và, có lẽ, ít ai tới đây lại nghĩ rằng, chủ nhân của những tấm bằng khen về thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp ấy lại là một người từng ghét cay ghét đắng nghề... nông nghiệp.

Trong câu chuyện cởi mở, người phụ nữ sinh năm Giáp Ngọ (1954) tại Nam Định kể rằng, sinh ra và lớn lên ở thành phố, bà chưa từng phải xuống đồng làm ruộng nên chẳng thích thú gì nghề nông. Nhưng, “cái nghề nó chọn lấy người...”

Đấy là câu chuyện nhiều năm về trước! Bà Thùy bảo rằng, khi tốt nghiệp phổ thông, thi QR (để đi học ở nước ngoài) đạt điểm cao nhưng vẫn không được gọi nhập học chỉ vì thành phần gia đình là Việt kiều Thái Lan. Thương bố mẹ quần quật nuôi mình ăn học, cô bé “Thùy quắt” khi ấy tìm cách lên Hà Nội, vào tận Bộ Giáo dục và Đào tạo... truy vấn. Khi đó, Thùy mới biết mình đạt số điểm khá cao (25 điểm) và được Bộ cho chọn 3 trường Đại học Y, Đại học Nông nghiệp và Đại học Sư phạm.

Lúc ấy, Thùy rất sợ máu nên không dám theo Đại học Y, cô lại sợ nghề sư phạm mình không kham nổi bởi thân hình gầy còm (khi ấy Thùy nặng 33kg). Do đó, cô miễn cưỡng vào học trường Đại học Nông nghiệp I, khi mà các tân sinh viên đã nhập học được 2 tháng.

Ra trường cuối năm 1976, Phạm Thị Thùy về công tác tại Viện Bảo vệ Thực vật. Tại đây, cô đã cùng đoàn điều tra cơ bản sâu bệnh hại cây trồng ở các tỉnh phía Nam, lăn lộn nhiều địa phương để thu mẫu mà không ngại gian khó.

Năm 1979, Viện thành lập bộ môn Sinh học, đây là bộ môn khá mới ở Việt Nam lúc bấy giờ. Song, với quyết tâm và nghị lực không bao giờ sợ khó, bà Thùy đã trở thành người cán bộ khoa học đầu tiên và hiện nay cũng là người duy nhất của Viện đi sâu vào nghiên cứu các biện pháp sinh học trong bảo vệ thực vật.

Năm 1990, cô gái thành Nam đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Bungari với đề tài: “Thuốc trừ sâu sinh học Bt và virus trừ sâu xanh hại bắp cải và sâu hại củ cải đường.”

Chuyên gia gây bệnh cho... sâu

Tốt nghiệp Tiến sỹ xuất sắc, lại có thể giao tiếp bằng 3 ngoại ngữ nên Thùy nhận được nhiều lời mời, nhưng cô lại chọn cho mình con đường về nước, làm bạn với nông dân.

Trở về nước, bà Thùy được phân công làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nấm côn trùng Beauveria và Metarhizium trừ sâu hại cây trồng. Làm rồi yêu, rồi say nghề lúc nào chả hay. Chỉ biết rằng, mỗi khi nhận được những mớ tép, gói lạc, cân khoai... và với ánh mắt trìu mến của người nông dân là nữ cán bộ này lại thêm nghị lực phấn đấu.

Thế là, từ chỗ sợ sâu, giờ đây sâu lại... sợ bà Thùy!

Trong cuộc đời làm khoa học của mình, nhà khoa học nữ xuất sắc này luôn là người kề vai sát cánh cùng ruộng đồng. Hơn ba mươi năm qua, bà Thùy đã chủ trì 21 đề tài Nghiên cứu khoa học, sản xuất ra nhiều sản phẩm sinh học giúp phòng trừ dịch sâu hại cây trồng, cây rừng. Đặc biệt, những sản phẩm ấy tuy là “chất độc” cho sâu bệnh nhưng lại không hề độc với môi trường sinh thái, giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững.

“Mốc son” trong sự nghiệp khoa học của bà phải kể đến việc dập dịch châu chấu ở Bà Rịa-Vũng Tàu năm 1994, sâu róm thông ở Sơn La năm 1999 và bọ cánh cứng hại dừa ở Bến Tre năm 2000.

Ngoài việc được giới khoa học nông nghiệp đánh giá cao, những công trình của bà còn được nông dân đón nhận như những cứu cánh bởi những chế phẩm sinh học Beauveria và Metarhizium.

Năm 1998, bà Thùy đến rừng thông ở Phù Bắc Yên (Sơn La), khi ấy những rừng thông bị sâu róm ăn trụi lá, làm cho cây cháy úa vàng. Sau khi điều tra thực địa, bà đã dùng chế phẩm Beauveria phun ở những khu vực có nhiều sâu róm nhất. Bởi chế phẩm này có phổ ký chủ rộng có khả năng ký sinh trên nhiều loài côn trùng thuộc 45 họ, nên khi phun trên lá cây, nấm sẽ ký sinh trên sâu, bướm và... gây bệnh, làm cho chúng chết dần. Thậm chí, khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nấm sẽ phát tán ra khu vực khác và là “ẩn họa” của lũ sâu ở những lứa thông sau...

Cái lợi của chế phẩm sinh học trừ sâu thì đã rõ, nhưng theo Phó Giáo sư Thùy thì việc sản xuất ra chế phẩm Beauveria còn hạn chế. Hiện, Phòng thí nghiệm của bà sản xuất ra khoảng 3-10 tấn/năm, nhưng từng đó chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho người dân. Bà Thùy mong, có “ai đó” đứng ra, sản xuất đại trà để giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, lại vừa bảo đảm môi trường, làm ra nông sản sạch cho người tiêu dùng.

Chia tay khách, bà Thùy bảo mình đã nhận quyết định về hưu từ tháng 12/2009 nhưng bà hiện rất bận rộn bởi công việc giảng dạy tại một số trường đại học và thành lập Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam). Đây là điều kiện để nhà khoa học hàng đầu về bệnh lý học côn trùng ở Việt Nam tiếp tục có những nghiên cứu, tạo ra nhiều chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, đem lại mùa màng ấm no cho người nông dân./.

Giải thưởng Kovalepskaia mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 – Sophia Kovalepskaia, được thành lập năm 1985 do sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ Ann và Neal Koblitz nhằm biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển, dưới hình thưc trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Tại Việt Nam, trong 25 năm qua, Ủy ban Giải thưởng Việt Nam đã xét chọn và trao giải cho 15 tập thể và 31 cá nhân các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng. Hầu hết những đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đều tiếp cận các vấn đề, các hướng nghiên cứu khoa học hiện đại mà cộng đồng khoa học thế giới đang quan tâm.

(Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục