Chính phủ Anh thông báo sẽ mở 7 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 11/1 nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm vắcxin tại nước này, trong đó có mục tiêu đến giữa tháng 2 tới tất cả những người dễ bị tổn thương đều được chủng ngừa.
Trong một tuyên bố ngày 10/1, Bộ trưởng Y tế của Anh Matt Hancock cho biết hiện tại mỗi ngày nước này tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 cho 200.000 người và đang hướng tới thực hiện mỗi tuần tiêm chủng cho 2 triệu người, nhằm đảm bảo đến ngày 15/2 tới tất cả người ở các cơ sở dưỡng lão, người trên 70 tuổi, những người có bệnh lý nền và nhân viên y tế và nhân viên xã hội đều được tiêm vắcxin.
Trong số trung tâm tiêm chủng quy mô lớn có bệnh viện dã chiến Nightingale ở thủ đô London, một sân vận động ở Bristol phía Tây thủ đô, trường đua ngựa Epsom và một câu lạc bộ tennis tại Manchester.
[Anh và Pháp phê duyệt lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna]
Nước Anh đang gồng mình khống chế số ca lây nhiễm mới gia tăng và nước này kỳ vọng việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắcxin có thể đưa cuộc sống trở về bình thường vào mùa Xuân tới.
Dự kiến, trong ngày 11/1, Bộ trưởng Hancook sẽ công bố kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19, được xem là chương trình chủng ngừa lớn nhất trong lịch sử nước Anh.
Theo trang worldometers.info, tới nay, Anh đã ghi nhận 81.431ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 3.072.449 ca mắc.
Cùng ngày, chính quyền thành phố New York của Mỹ đã triển khai 2 điểm tiêm chủng quy mô lớn tại Brooklyn và Bưu điện Bathgate Contract ở khu Bronx nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng tại thành phố này.
Hai điểm tiêm chủng trên đã mở cửa theo giờ vào ngày 10/1, sau đó sẽ đi vào hoạt động 24 giờ/ngày trong cả tuần, bắt đầu từ ngày 11/1. Đây là một phần trong kế hoạch thành lập 250 điểm tiêm chủng trên toàn thành phố của Thị trưởng Bill de Blasio, hướng tới mục tiêu đến cuối tháng này chủng ngừa cho 1 triệu người dân New York.
Ba điểm tiêm chủng nhỏ lẻ khác được mở trong ngày 10/1 bao gồm các điểm ở Brooklyn, Bronx và Queens.
Tại nhiều thành phố của Mỹ, tiến độ triển khai tiêm chủng với 2 loại vắcxin được cấp phép vẫn chậm hơn dự kiến do một số vấn đề phát sinh.
Ví dụ, nhiều đối tượng được ưu tiên như nhân viên y tế tuyến đầu từ chối tiêm chủng, hoạt động tiêm chủng diễn ra không suôn sẻ do thiếu sự chỉ đạo và kế hoạch của cấp liên bang.
Tính đến sáng 10/1 theo giờ địa phương, thành phố New York mới tiêm hết 203.181 liều trong tổng số 524.000 liều vắcxin được cấp.
Ngày 8/1 vừa qua, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo những điều chỉnh mới, theo đó những người từ 75 tuổi trở lên được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, bắt đầu từ ngày 11/1.
Tại châu Á, Chính phủ Philippines đã ký một biên bản thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tập đoàn Faberco Life Sciences về việc cung ứng 30 triệu liều vắcxin Covovax ngừa COVID-19, bắt đầu từ quý 3/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, Giám đốc y tế Luningning Villa của Faberco Life Sciences cho biết Covovax sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho khoảng 15 triệu người nghèo và dễ bị lây nhiễm tại Philippines.
SII là nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Novavax có trụ sở tại Mỹ để nghiên cứu phát triển và thương mại hóa vắcxin Covovax.
Loại vắcxin này được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng tại các khu vực địa lý, các nhóm tuổi và trên các nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19, kể cả những người nhiễm HIV/AIDS, cũng như đối với các chủng tộc người và các nhóm dân tộc thiểu số.
Vắcxin Covovax đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và dự kiến sẽ được các cơ quan quản lý quốc tế chấp thuận cho sử dụng.
Các thử nghiệm lâm sàng vắcxin Covovax đã được tiến hành với khoảng 50.000 đối tượng để đảm bảo có được đầy đủ dữ liệu lâm sàng trước khi được các cơ quan quản lý liên quan bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Covovax đã trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ban đầu tại Australia, Nam Phi, Ấn Độ, hiện đang được thử nghiệm giai đoạn 3 với 15.000 đối tượng ở Anh và khoảng 30.000 người tại Mỹ và Mexico.
Trên trang Tweeter cá nhân, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho hay Philippines đang trong giai đoạn hoàn tất các thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất vắcxin khác để có thể tiêm chủng cho ít nhất 60-70% dân số nước này.
Philippines hy vọng sẽ hoàn tất được các thỏa thuận tương tự với Moderna, AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sinovac Biotech và Viện Gamaleya (của Nga) trong tháng 1/2021.
Hiện có 3 nhà sản xuất vắcxin là Pfizer, AstraZeneca và Gamaleya đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của họ ở Philippines./.